Hậu quả của những cuộc rải thảm chất độc hoá học nói trên của Mỹ đã làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin; trong số này có khoảng 1 triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc nặng, khoảng 150.000 trẻ em chủ yếu mắc các bệnh, trong đó: 27 % bị bại liệt; 12% chậm phát triển trí tuệ, khiếm thị; 15% khiếm thính; 19% khó khăn về vận động và nhiều loại dị tật, dị dạng khác. Gần một nửa (40,8%) số trẻ trong tổng số trẻ bị nhiễm chất độc da cam không có khả năng tự phục vụ sinh hoạt cho mình và hơn một nửa (53%) số trẻ em nhiễm chất độc da cam thuộc diện nghèo đói(2). Hậu quả của chất độc da cam cũng đã làm cho thiên nhiên Việt Nam bị huỷ hoại lên tới 3.340.000 ha đất; trong đó có 2 triệu ha rừng; 44% đất canh tác ở miền Nam bị trở nên hoang hoá. Khảo sát của các nhà khoa học cho thấy, 20 năm sau chiến tranh vẫn còn 22% rừng tự nhiên và 31% đất trồng vẫn bị thuộc vùng nhiễm chất độc hoá học.
Ở tỉnh ta, theo số liệu điều tra vào năm 2018 của Hội Nạn nhân chất độc da cam (nay là Hội người Khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em) toàn tỉnh có 8.208 hộ nạn nhân với 15.485 người bị nhiễm chất độc màu da cam /đioxin; trong đó, 3.243 hộ có một nạn nhân, 3.613 hộ có hai nạn nhân, số hộ có từ ba nạn nhân trở lên là 1.352 hộ. Số nạn nhân còn sống là 13.023 người. Nạn nhân bị trực tiếp là 8.208, nạn nhân bị gián tiếp là 7.277 người. Nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin ở Quảng Trị bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau như lực lượng vũ trang, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong... trong đó dân thường là đối tượng có số lượng cao nhất(3).
Với truyền thống nhân ái, nghĩa tình và trách nhiệm Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta mặc dù trong điều kiện còn không ít khó khăn nhưng cũng đã có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam. Chính phủ đã quyết định trợ giúp cuộc sống cho các nạn nhân chất độc da cam là cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong tham gia chống Mỹ, cứu nước và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc điôxin; trợ giúp đối với hộ gia đình có từ hai người trở lên không tự phục vụ được do bị hậu quả chất độc hoá học của Mỹ và nhiều chính sách cụ thể khác.
Từ khi Hội người Khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em ra đời, những người bị nhiễm chất độc da cam đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội đã có những hành động thiết thực giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là góp tiếng nói, hưởng ứng Chương trình "Ký tên vì công lý", "Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam", "Chúng ta không vô cảm"...
Chiến tranh đã lùi xa gần năm thập kỷ. Trong tâm khảm nhiều người chiến tranh chỉ còn lại trong ký ức, vậy mà nỗi đau chiến tranh, trong đó có nạn nhân chất độc da cam thì vẫn còn đó. Họ là những nạn nhân chiến tranh đặc biệt. Không những họ mà con cháu họ cũng gánh chịu cũng bị dị tật bẩm sinh. Điều này đã làm cho không ít gia đình khánh kiệt. Thiết nghĩ hành động vì "Vì nạn nhân chất độc da cam" không chỉ là lương tâm mà phải là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Trí Ánh
(1) Tạp chí Nature (Tự nhiên) số 422 ra ngày 17/4/2003.
(2) Theo Trung tâm thông tin Công tác Tư tưởng-Ban Tuyên giáo Trung ương
(3)Theo Ths Dương Hương Sơn "Tình hình nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Quảng Trị và các chính sách xã hội cần được quan tâm" Tạp chí Sinh hoạt lý luận số 93,( tháng 7/2009) trang 43-45 .