|
Tổ công tác chuyên trách thuộc Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về kiểm tra, kiểm soát đấu tranh ngăn chặn phòng chống hàng giả làm việc với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Tại buổi làm việc của Tổ công tác chuyên trách thuộc Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về kiểm tra, kiểm soát đấu tranh ngăn chặn phòng chống hàng giả với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường 14 TP. Hà Nội cho biết, trong năm 2017, Chi cục phát hiện nhiều đơn vị vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, trong đó chỉ có 3-4 đơn vị làm giả chất lượng đã lên tới hàng tỷ đồng.
Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho biết, thời gian vừa qua, Cục cũng đã tập trung chủ yếu thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm với lĩnh vực thực phẩm chức năng. Nội dung thanh tra chuyên ngành bao hàm các nội dung như các cơ sở có tuân thủ quy định pháp luật về vệ sinh trong sản xuất, ghi nhãn, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như quảng cáo và lưu thông trên thị trường.
Riêng trong năm 2017, Cục đã quyết định xử phạt 48 cơ sở vi phạm hành chính, thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng 49 lô sản phẩm. Cục đã chuyển 6 vụ có dấu hiệu sản xuất thực phẩm chức năng/kinh doanh thực phẩm chức năng giả sang cơ quan cảnh sát điều tra của TP. Hà Nội và TPHCM để xem xét dấu hiệu hình sự.
Theo ông Trần Hùng, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh kiểm tra và xử phạt lĩnh vực này, nhưng các sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo, kém chất lượng vẫn tràn lan, đặc biệt là hàng giả nguồn gốc xuất xứ gây hoang mang và bức xúc cho người tiêu dùng.
Ông Trần Hùng lý giải, nếu các sản phẩm đơn thuần, doanh nghiệp công bố chất lượng 100% nhưng khi giám định chất lượng, sản phẩm chỉ đạt 30-40% thì được nhận định là hàng giả. Nhưng với mặt hàng thuốc, chỉ 1% đã được coi là giả vì liên quan đến tính mạng con người.
“Khó nhất trong quản lý thị trường là phải chứng minh chủ thể làm giả sản phẩm và giả chất lượng. Tuy nhiên, muốn biết giả chất lượng phải có kết quả giám định do cơ quan quản lý chức năng giám định và cần phải có kinh phí thực hiện. Có những sản phẩm phải giám định rất nhiều chất, có thể lên tới cả tỷ đồng, nên không thể có kinh phí thực hiện giám định”, ông Trần Hùng nói.
Ông Đỗ Hữu Tuấn cũng nhận định, một mình ngành y tế rất khó triển khai trong việc quản lý thực phẩm chức năng vì các doanh nghiệp không sợ thanh tra chuyên ngành. Vì thế, Cục An toàn thực phẩm rất cần phối hợp liên ngành từ các cơ quan chức năng như Cục Cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Quản lý thị trường… để có thể triển khai thuận lợi hoặc có những tham vấn chuyên môn kịp thời.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Hùng đề nghị Cục An toàn thực phẩm có thể công bố công khai danh sách các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức trên từng địa bàn để Chi cục của các địa phương cùng phối hợp quản lý. Thậm chí, công khai số lượng doanh nghiệp đã được thanh tra, trong đó doanh nghiệp nào làm tốt, doanh nghiệp nào vi phạm, khi đó người dân sẽ có thêm thông tin để lựa chọn sản phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng. Do hiện nay, lực lượng thanh kiểm tra của các cơ quản lý còn hạn chế, nếu có sự góp sức của địa phương, của người dân và cơ quan truyền thông thì sẽ hạn chế được số lượng lớn hàng giả, hàng kém chất lượng tới tay người tiêu dùng.
Thời gian tới, Tổ công tác của Bộ Công Thương cũng sẽ thanh, kiểm tra khoảng 20 địa bàn trọng tâm, trong đó chú trọng hai thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh biên giới
Thúy Hà