Thực tế thì không ít người đọc cứ bán tín bán nghi trước những dòng quảng cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa hay cảm thấy không đồng tình với những lời bình luận thiếu khách quan, thiếu thiện chí trước những vấn đề, sự kiện; những lời chê bai, dèm pha về sinh hoạt, phẩm chất, uy tín, phong cách của người này người khác… Cũng có những ý kiến trong cộng đồng mạng cho rằng đó là điều hết sức bình thường trong xã hội hiện đại, không ảnh hưởng, tác động gì lớn đến sự bình yên của cuộc sống mọi người. Chúng tôi đồng ý rằng không phải tất cả những nội dung thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội hiện nay đều không lành mạnh, bên cạnh những thông tin xuyên tạc sự thật, khuếch trương, cường điệu hóa vấn đề… vẫn hiện hữu những nội dung thông tin hữu ích cho quốc gia, dân tộc, tổ chức và cá nhân. Cùng một vấn đề lại có nhiều lời bình luận, nhận xét, do vậy, người đọc cảm nhận và tiếp cận được tính đa chiều của nội dung thông tin.
Tuy nhiên, dưới góc độ bản chất thông tin, chúng tôi xem những thông tin trên không gian mạng này đã và đang tạo ra một môi trường thông tin không lành mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, thái độ sống của con người.
Vì sao vậy? Có nhiều lý do, nhưng tựu trung có 2 lý do chính sau đây:
Thứ nhất, bản chất công nghệ của thông tin là vận hành, dù dưới dạng thức chuyển tải bằng lời nói hay phương tiện in ấn, truyền thanh, điện tử. Một vấn đề chỉ duy nhất một người biết, một nội dung nào đó viết ra giữ trong tủ cá nhân, tuyệt nhiên không thông báo cho một đối tượng nào thì đó không phải là thông tin. Nói cách khác, một nội dung nào đó được gọi là thông tin thì luôn luôn và tất yếu ở trạng thái “động”.
Bản thân các trang mạng xã hội tự nó không có lỗi, đó chỉ là sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin trong việc đa dạng hóa các hình thức chuyển tải (đảm bảo các điều kiện để thông tin vận hành). Vấn đề có lỗi ở đây chính là thái độ, trách nhiệm của người viết lên các trạng mạng đó. Khi một cá nhân, tổ chức chủ ý xây dựng nội dung thông tin xuyên tạc sự thật, bình luận thiếu thiện chí, thiếu trách nhiệm về hình ảnh đất nước, con người, về chủ trương, chính sách, pháp luật, về đảng cầm quyền Việt Nam, về truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc (vì những lý do khác nhau) và đăng tải lên các trang mạng xã hội thì ai dám chắc rằng không ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và hành động của các tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đều dựa trên sự vận hành của thông tin. Cấp dưới báo cáo lên cấp trên, cấp trên chỉ đạo cấp dưới cũng đều là sự vận hành của thông tin. Chính vì vậy, thông tin quản lý ra đời nhằm giúp tập hợp những thông tin chính xác để ban hành những quyết định quản lý đúng đắn, bởi thông tin quản lý là phân ngành của bộ môn Khoa học quản lý và Quản trị kinh doanh nhằm đạt được những mục tiêu quản lý, kinh doanh. Khi các trang mạng xã hội đăng tải những thông tin sai sự thật thì đều đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các quyết định quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp.
Đây là một thực tế đòi hỏi cần phải quản lý thông tin.
Về nội dung quản lý thông tin: Theo chúng tôi, quản lý thông tin thực chất là một quá trình đấu tranh với những thông tin xấu độc, sai trái, đồng thời cũng là một hành động cụ thể luôn luôn đòi hỏi phải kịp thời để định hướng thông tin và rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cảnh giác và tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ của toàn xã hội đối với những nội dung thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin, thái độ sống của mỗi người dân. Như vậy, có hai nội dung quản lý thông tin: đấu tranh, phản bác và định hướng thông tin (huy động, sử dụng hệ thống lực lượng thông tin tuyên truyền chính thống).
Mục đích của quản lý thông tin là xác lập bền vững môi trường thông tin lành mạnh đối với toàn xã hội. Điều đó có nghĩa là góp phần giữ gìn sự bình yên cuộc sống, bởi nó tạo được sức đề kháng đối với mỗi người dân trước sự tác động của những thông tin xấu độc.
Về đặc điểm thông tin: Như đã trình bày ở trên, thông tin hiện giờ đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực; sự vận hành, lan tỏa của thông tin trên mạng xã hội rất nhanh chóng; có những loại thông tin xấu độc rất có hệ thống, như thông tin về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc.
Về nguyên tắc quản lý thông tin: Muốn đấu tranh, phản bác có hiệu quả cần được tổ chức bài bản và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền; đề cao thông điệp của cấp ủy. Lực lượng đấu tranh, phản bác phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định.
Về phương châm, phương thức quản lý: Theo chúng tôi, cần bám sát nhiệm vụ chính trị, phong trào quần chúng cách mạng và thực tiễn sinh động của cuộc sống, Tập trung những người có kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực, đồng thời phải nhạy bén tình hình, không những phát hiện sớm những nội dung thông tin có vấn đề mà còn kịp thời xác định đúng những vấn đề cấp thiết, nóng để có định hướng phản bác, đấu tranh hiệu quả. Mặt khác công tác “phủ sóng” thông tin chính thống phải được tiến hành đồng thời với quá trình đấu tranh, phản bác.
Trong quá trình xây dựng thế trận lòng dân, công tác đấu tranh phản bác những thông tin xấu độc, định hướng thông tin, định hướng tư tưởng có vai trò quan trọng hàng đầu, bởi nó trực tiếp củng cố lòng tin, xây dựng sự thống nhất tư tưởng, hành động trong Đảng, sự đồng thuận xã hội đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực. Nói cách khác, công tác quản lý thông tin góp phần tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị xã hội, thiết thực xây dựng môi trường thông tin văn hóa lành mạnh, bảo đảm nâng cao đời sống tinh thần của mỗi người dân./.
V. L