Hội thảo do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AVV) đồng tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản lý rừng và giảm nghèo Việt Nam" do Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và Tổ chức ActionAid Việt Nam đồng tài trợ. Mục tiêu của Dự án nhằm thúc đẩy quyền tham gia của cộng đồng và người dân cấp cơ sở vào hệ thống thông tin quản lý rừng quốc gia, nâng cao tính giải trình trong quản trị rừng, góp phần giảm nghèo ở Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam Hứa Đức Nhị, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam Hoàng Phương Thảo, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam Annika Kaipola cùng gần 80 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước, các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, các chủ rừng nhà nước, cộng đồng và hộ gia đình.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam Annika Kaipola cho biết, lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Phần Lan, với chương trình hợp tác song phương đầu tiên bắt đầu từ giữa những năm 1990. Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự tài trợ bởi Chính phủ Phần Lan, Quỹ Ủy thác Lâm nghiệp và Chính phủ Việt Nam, Tổng cục lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện triển khai Dự án "Phát triển hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp" (FORMIS) Dự án FORMIS hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát và quản lý ngành lâm nghiệp bằng cách xây dựng một hệ thống thông tin hiện đại thống nhất từ trung ương đến địa phương, nhằm cung cấp thông tin chính xác cho việc ra quyết định của các cơ quan quản lý lâm nghiệp các cấp.
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: KL)
Bên cạnh dự án (FORMIS), Phần Lan còn phối hợp với Tổ chức ActionAid Việt Nam triển khai Dự án "Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản lý rừng và giảm nghèo Việt Nam" (PFG). Dự án nhằm khuyến khích mọi người tham gia quản trị rừng nhằm mục đích tạo ra một không gian lâm nghiệp mở và tương tác. Dự án tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào hệ thống quản lý thông tin lâm nghiệp quốc gia, qua đó nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản trị rừng và góp phần giảm nghèo tại Việt Nam.
Tham tán Công sứ Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam Annika Kaipola hy vọng rằng, những số liệu của Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) sẽ giúp việc triển khai Dự án "Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản lý rừng và giảm nghèo Việt Nam" thuận lợi hơn trong việc cải thiện tính minh bạch của thông tin lâm nghiệp để cộng đồng địa phương có thể phát hiện và ngăn ngừa những sai sót trong quản lý rừng cũng như những tham nhũng liên quan đến tài nguyên rừng. Dự án "Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản lý rừng và giảm nghèo Việt Nam" được thực hiện tại 4 tỉnh Cao Bằng, Đăk Lăk, Trà Vinh và Bạc Liêu của Việt Nam.
Từ thực tiễn cho thấy do tính đa dạng của các cộng đồng nên không thể có một mô hình lâm nghiệp cộng đồng chung mà cần có các loại hình lâm nghiệp cộng đồng khác nhau, phù hợp với từng điều kiện cụ thể như: rừng và đất rừng do cộng đồng tự công nhận và quản lý từ lâu đời; rừng và đất rừng sử dụng vào mục đích lâm nghiệp được chính quyền địa phương giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng ổn định lâu dài; rừng và đất rừng sử dụng vào mục đích lâm nghiệp của các tổ chức nhà nước (Lâm trường, Ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, Ban quản lý các dự án) khoán cho các cộng đồng khoán bảo vệ, khoanh nuôi và trồng mới theo hợp đồng khoán rừng; rừng và đất rừng của hộ gia đình và cá nhân là thành viên trong cộng đồng tự liên kết lại với nhau thành các nhóm cộng đồng (nhóm hộ) cùng quản lý để tạo nên sức mạnh để bảo vệ, hỗ trợ, đổi công cho nhau trong các hoạt động lâm nghiệp…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho biết, trong Luật Đất đai các năm 2003, 2013 và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và nay là Luật Lâm nghiệp 2017, cộng đồng đã trở thành một trong các chủ thể sử dụng đất, quản lý rừng, Đến nay đã có nhiều mô hình quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng tốt, vừa có ý nghĩa đối với sinh kế, văn hoá của người dân địa phương, vừa có tác dụng tích cực về môi trường, sinh thái.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Bá Ngãi hy vọng rằng, thông qua Hội thảo lần này, các đại biểu, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, đưa ra nhiều ý tưởng, khuyến nghị nhằm cải thiện công tác và chính sách quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi phát biểu tại Hội thảo
(Ảnh: KL)
Tại Hội thảo, báo cáo nghiên cứu “Tác động của mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, Tiến sĩ Trần Ngọc Thể, Trường Đại học Lâm nghiệp, đại diện nhóm Tư vấn của Dự án nêu rõ, có hai phương thức quản lý rừng cộng đồng đã được áp dụng tại Việt Nam gồm rừng được giao cho cộng đồng, cộng đồng tự quản lý và rừng được giao cho hộ gia đình, các hộ tự liên kết với nhau để quản lý rừng. Hai hình thức quản lý này đều đem đến những tác động tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, góp phần nâng cao năng lực và tính chủ động của cộng đồng; mang lại hiệu quả kinh tế và có tính bền vững cao; tăng cường tình đoàn kết và cam kết của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng...
Theo Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam Hoàng Phương Thảo, trong khuôn khổ dự án "Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản lý rừng và giảm nghèo Việt Nam", cộng đồng đã tích cực tham gia quản lý rừng dựa trên các phương thức do họ chủ động xác định và thực hiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Yếu tố tạo nên tính hiệu quả ở các mô hình mà dự án "Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản lý rừng và giảm nghèo Việt Nam" triển khai đó là hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng sử dụng công nghệ, sử dụng thông tin cập nhật từ hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp quốc gia (FORMIS), tự thành lập hợp tác xã chế biến gỗ rừng trồng, tự xây dựng hương ước bảo vệ và phát triển rừng, tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp cho đầu ra của các sản phẩm từ rừng, qua đó chủ động hơn trong lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương, giúp họ có thể phát triển kinh tế, tăng mối quan hệ, tính liên kết trong cộng đồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, các chính sách liên quan đến quản lý rừng dựa vào cộng đồng; về thực trạng và thách thức trong quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại Việt Nam…./.
Khánh Lan