|
Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh" M.P) |
Ngày 12/11 tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan (TCHQ) phối hợp tổ chức hội thảo nhằm phổ biến cho doanh nghiệp và cán bộ các Cục Hải quan địa phương những quy định mới về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan và dự thảo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Tại hội thảo, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của doanh nghiệp, năm 2019, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, hoàn thiện cơ chế đánh giá tuân thủ đối với 4 nhóm đối tượng thuộc người khai hải quan và nhóm doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng.
Đồng thời, công khai tiêu chí đánh giá phân loại mức độ tuân thủ và các nội dung quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Theo ông Cường, điểm mới đầu tiên và quan trọng nhất của Thông tư là bổ sung thêm đối tượng đánh giá tuân thủ pháp luật, cũng như đánh giá mức độ tuân thủ đối với người khai hải quan. Điểm mới thứ hai, cơ quan hải quan công khai tiêu chí phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro người khai hải quan và kết quả phân loại mức độ tuân thủ của người khai hải quan (trước đây thuộc chế độ mật) để doanh nghiệp nắm và thực hiện, tránh được sai sót, vi phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan. Điểm mới thứ ba, phân loại mức độtuân thủ được phân loại thành 5 mức; mỗi người khai hải quan được đánh giá phân loại theo một mức độtuân thủ duy nhất và công khai để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện. Việc phân loại như trên nhằm phân loại đánh giá tuân thủ được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả. Điểm mới thứ tư, phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan được phân thành 9 hạng. Bổ sung 02 mức độ rủi ro trong phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan nhằm phân loại được chính xác hơn và linh hoạt trong cách thức áp dụng các chính sách và biện pháp quản lý đối với từng loại; hình thành cơ chế tạo thuận lợi và quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với từng mức độ rủi ro. Ngoài ra, Thông tư cũng phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh gồm 03 mức: cao, trung bình, thấp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp với từng mức độ rủi ro.
Theo ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc USAID Việt Nam, Thông tư 81/2019/TT-BTC là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về quản lý rủi ro tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp bảo đảm an ninh thương mại và tạo thuận lợi thương mại mà còn tạo ra môi trường thương mại và đầu đầu tư hấp dân hơn, dễ dự đoán hơn…
"USAID cũng vui mừng hỗ trợ Tổng cục Hải quan xây dựng một Chương trình mới về hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật. Việc khuyến khích và khích lệ tuân thủ tự nguyện là rất quan trọng để thúc đẩy an ninh và vị thế của thương mại Việt Nam trên toàn cầu. Chương trình này sẽ bổ sung và hỗ trợ cho công tác áp dụng quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan. Khi được thực hiện, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật sẽ hướng dẫn và trao cho doanh nghiệp những công cụ để họ tự đánh giá và nâng cao năng lực tuân thủ các quy định hải quan, từ đó góp phần giảm bớt thời gian và chi phí thương mại", ông Bradley Bessire nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề thực thi quản lý rủi ro trong quản lý hải quan về các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan…
Theo đó, những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo đã được lãnh đạo Tổng cục Hải quan trả lời, giải thích một cách rõ ràng và cụ thể. Với các kiến nghị của doanh nghiệp cơ quan hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thực quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan./.