Theo đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu), các tỉnh miền núi là vùng sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số với nguồn ngân sách sử dụng chủ yếu dựa vào cân đối từ ngân sách Trung ương trong thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc. Đặc biệt, việc thực hiện một số chính sách đặc thù với vùng dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Tống Thanh Bình phát biểu tại hội trường (Ảnh: QH)
Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 được tiến hành rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do giao kế hoạch vốn chậm; trình tự, thủ tục phải thực hiện qua rất nhiều khâu, mất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị đầu tư. Một số nội dung như hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp chưa được các bộ chủ quản có hướng dẫn cụ thể, địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện. Cá biệt có những chính sách từ khi ban hành đến nay chưa được bố trí hoặc được bố trí rất ít nguồn lực để thực hiện.
Việc thực hiện phân bổ nguồn vốn cho thấy cũng chưa thực sự phù hợp với tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cho 2 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là 72.817 tỷ đồng, song năm 2016 mới bố trí trên 6.000 tỷ, năm 2017 bố trí 11.000 tỷ. Giai đoạn 2018 - 2020 còn lại số vốn là rất lớn, trên 55.000 tỷ. Trung bình mỗi năm phân bổ là 18.400 tỷ, trong đó, số vốn dự kiến bố trí năm 2018 cho chương trình là 11.000 tỷ. Như vậy, số vốn của chương trình sẽ dồn rất lớn vào 2 năm cuối nhiệm kỳ. Bình quân trên 22.000 tỷ đồng/năm, gấp đôi năm 2018, sẽ xảy ra tình trạng dồn nguồn, ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Tại đây, đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và Luật Đầu tư tại các tỉnh miền núi. Trong đó, quy định không phân biệt về quy mô, tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến bất cập trong quá trình thực hiện. “Hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư kinh doanh có diện tích nhỏ, mức đầu tư không lớn, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện các thủ tục, hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư… dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí cho các bước chuẩn bị đầu tư. Tôi đề nghị xem xét cho phép đối với các dự án có quy mô đầu tư kinh doanh nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền núi có diện tích thuê đất dưới 1 ha, mức đầu tư dưới 20 tỉ đồng thì không cần quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban tỉnh, mà giao cho cơ quan đăng ký đầu tư Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định cấp phép”, đại biểu Thanh Bình đề xuất.
Ngoài ra, đại biểu Tống Thanh Bình cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chủ động sớm giao kế hoạch thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất, sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về nội dung và mức chi cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo áp dụng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Tập Đoàn điện lực và các bộ, ngành, cơ quan xem xét cấp bổ sung phần vốn còn thiếu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoan 2016-2020 để các địa phương thực hiện hoàn thành đồng bộ dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện trong thời gian tới, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, đối tượng trực tiếp thụ hưởng dự án./.
Kim Sơn