Quản lý môi trường và giáo dục lao động: “Điểm cộng” để thích ứng với FDI 

(Chinhphu.vn) - Thống kê của riêng TPHCM cho thấy bình quân hàng năm, tỷ lệ lao động bị “hút” về phía khu vực doanh nghiệp FDI so với tổng số lao động làm việc ở khu vực chính thức chiếm xấp xỉ 23%.

 

 

Ảnh minh hoạ

FDI: “động cơ đốt trong” nâng tầm lao động

Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã có gần 25.700 dự án, với tổng vốn thực hiện hơn 179 tỷ USD, một con số khá ấn tượng so với quy mô GDP khoảng 220 tỷ USD vào năm 2017. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới tháng 5/2018 cũng cho thấy có khoảng 3,6 triệu lao động trực tiếp và từ 5-6 triệu lao động gián tiếp đang làm việc cho khu vực doanh nghiệp (DN) này.

TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - tin rằng khi tạo ra công ăn việc làm, đưa tác phong và kỹ năng người lao động Việt Nam chuyển biến dần lên mức chuyên nghiệp cũng chính là lúc khối đầu tư nước ngoài vô hình chung tạo ra sức hấp dẫn để thu hút thêm những dòng FDI khác còn đang “ngấp nghé” hay “ngập ngừng” trước cửa ngõ Việt Nam.

Với chế độ đãi ngộ nhân sự có phần cao hơn so với các khu vực kinh tế khác, doanh nghiệp FDI dường như đã trở thành lựa chọn hàng đầu của lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ có trình độ chuyên môn cao. Các chính sách tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chặt chẽ, thường xuyên, đặc biệt trong nhiều ngành như điện tử, ô tô - xe máy, bưu chính, viễn thông, tài chính đã gián tiếp tạo hiệu ứng lan tỏa, đưa năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam lên một tầm mức mới.

Tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), những dự án FDI của SamSung hay Intel đã và đang góp phần hình thành nên lực lượng nhân sự với chuyên môn sắc bén. Theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP, đa số các DN nước ngoài khi “đóng đô” tại SHTP đã thực hiện đúng cam kết triển khai nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và đào tạo nhân lực.

Tại dự án của SamSung ở SHTP, đa số lao động đều là người Việt, kể cả cán bộ nghiên cứu cao cấp. Tương tự, Tập đoàn Intel cũng đang làm rất tốt chức năng đào tạo nhân lực trong chương trình HEEAP (hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ) khi đã đưa hàng trăm giảng viên, lãnh đạo giáo dục từ các trường đại học và cao đẳng tại TPHCM sang Mỹ để tiếp cận các thành tựu mới nhất về công nghệ, kỹ thuật cũng như cách thức truyền bá lượng tri thức ấy đến đông đảo đồng nghiệp và nhiều thế hệ sinh viên khác ở Việt Nam.

Có lẽ vì vậy nên thống kê của riêng TPHCM cho thấy bình quân hàng năm, tỷ lệ lao động bị “hút” về phía khu vực doanh nghiệp FDI so với tổng số lao động làm việc ở khu vực chính thức chiếm xấp xỉ 23%.

Mặt trái của tấm huy chương

Tất nhiên, mọi tấm huy chương đều có 2 mặt, những điển hình DN nước ngoài có sự đóng góp đáng chú ý cho kinh tế Việt Nam như SamSung, Intel cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng vẫn còn đó những DN nước ngoài chưa nghiêm túc thực hiện các chính sách liên quan đến phúc lợi hay lương thưởng cho người lao động. Những người làm nhân sự ở nhiều DN FDI luôn tìm cách lách luật để né tránh bớt các nghĩa vụ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…) với người lao động, hay phức tạp hóa hệ thống tiêu chuẩn chi trả lương, thưởng, phụ cấp để gây thêm khó khăn khi người lao động theo dõi, giám sát nguồn thu của chính mình.

Công tác quản lý hành chính, môi trường làm việc tại DN nước ngoài cũng có lúc trục trặc khiến quan hệ giữa giới chủ và người lao động nhiều lần căng thẳng. Tại TPHCM, số vụ đình công giai đoạn 1995-2015 đã tăng gấp 3 lần (từ 25 vụ lên 84 vụ). Riêng ở doanh nghiệp FDI tăng gấp 4 lần (từ 11 vụ lên 48 vụ). Đáng chú ý, thống kê nửa đầu năm 2017 đã cho thấy trong số 30 vụ đình công ở TPHCM, đã có tới 22 vụ xuất phát từ khối FDI.

Đối với người lao động đã vậy, đối với cộng đồng dân cư lân cận, hoạt động của DN nước ngoài nhiều khi cũng gây ra khúc mắc và tranh cãi. Những vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ những cái tên như Formosa, Vedan hay Miwon đã trở thành bài học đắt giá với các cơ quan chức năng khi thẩm định cấp phép hay giám sát vận hành dự án FDI.

Tại Bình Dương - một trong những “trọng điểm” thu hút FDI của cả nước - Bí thư tỉnh ủy Trần Văn Nam cũng bày tỏ quan ngại rằng “nếu không cẩn trọng để ô nhiễm môi trường thì sẽ rất khó thống kê được công tác xử lý sẽ tốn kém cỡ nào. Hơn nữa khi môi trường đã ô nhiễm rồi thì xử lý kiểu gì cũng vẫn còn di chứng”.

Báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI của Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM cũng khẳng định “việc bảo vệ tài nguyên - môi trường là việc quốc gia hệ trọng mà theo xu thế hiện nay còn quan trọng hơn cả nhu cầu thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài bằng mọi giá”.

Quản lý nhà nước: “át chủ bài” khắc chế “điểm trừ” của FDI

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, hiện trạng ấy của khu vực FDI không chỉ có ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Nói như GS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, thì đây là mặt trái của kinh tế thị trường và hiệu năng quản lý nhà nước, “nơi nào hiệu năng quản lý nhà nước cao thì tác động tiêu cực của kinh tế thị trường nói chung và khu vực FDI nói riêng sẽ bị hạn chế. Những vi phạm của DN nước ngoài như nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm hay lách luật, tránh thuế, né bớt nghĩa vụ đối với người lao động… đều có phần nguyên nhân do buông lỏng quản lý nhà nước, thiếu sự hướng dẫn và thanh tra giám sát”.

Và thực tế là gốc rễ sâu xa của những căng thẳng trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động phần nào cũng xuất phát từ những vi phạm kỷ luật nơi làm việc, những yếu kém về trình độ tay nghề hay những hành xử thiếu chính trực của người lao động Việt Nam trong môi trường DN.

Theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet, nên khách quan để thấy rằng quan hệ giữa những người lao động với DN nói chung, hay DN nước ngoài nói riêng, là sự tương hỗ. Nhà đầu tư FDI cần đội ngũ nhân lực tinh nhuệ để nâng cao hiệu quả công việc. Còn lực lượng lao động Việt Nam cũng rất cần những phương pháp đào tạo và cách thức quản trị cấp tiến để nâng cao năng lực, kỹ năng  chuyên môn, cũng như kỷ luật nghề nghiệp.

Thấu hiểu những thách thức ấy, tại Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy cho biết “để tái cấu trúc và nâng tầm nguồn nhân lực bắt kịp đòi hỏi của khu vực FDI thì xuất khẩu lao động cũng là một lối ra. Tất nhiên không phải xuất khẩu lao động với tư duy đơn giản là để xóa đói giảm nghèo mà còn phải hướng tới mục tiêu đào tạo được lực lượng có thể thích ứng được với kỷ luật, cách thức, văn hóa làm việc của người nước ngoài”.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp còn khẳng định không chủ trương mời gọi các dự án quá lớn có tính “khép kín” mà đánh giá cao những DN có hoạt động lan tỏa được công nghệ, tay nghề, quy trình sản xuất cho đông đảo công nhân và nông dân trong vùng.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (ĐHQG Hà Nội) - cũng cho rằng để hội nhập nhiều hơn và thực sự gắn kết hơn với khối FDI thì quan trọng nhất vẫn là phải giáo dục, đào tạo được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, có thể thấu hiểu văn hóa thế giới. Qua đó mới mong thu được nhiều giá trị gia tăng hơn từ khối FDI.

Bởi suy cho cùng, có lẽ lực lượng lao động được rèn luyện mới chính là một trong những thành tựu lớn nhất mà FDI để lại cho kinh tế Việt Nam.

Phương Hiền

497 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 809
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 809
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77384182