|
Ảnh minh họa - Internet |
Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn và yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp điều tra, kiểm sát xét xử nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra và báo cáo đánh giá chính xác các trường hợp đình chỉ do không phạm tội và đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự, bảo đảm việc đình chỉ vụ án, bị can có căn cứ, đúng pháp luật, tránh oan, sai; bỏ lọt tội phạm hoặc ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường.
Hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra nếu không có căn cứ
Sau khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can của Cơ quan điều tra cùng hồ sơ vụ án, thì Viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh và Vụ nghiệp vụ phải cập nhật ngay vào sổ để quản lý, theo dõi. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ cùng hồ sơ vụ án, Lãnh đạo các đơn vị phải chỉ đạo và Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra phải kiểm sát tính có căn cứ, hợp pháp của quyết định đình chỉ điều tra.
Kiểm sát viên phải có báo cáo, đề xuất bằng văn bản gửi Lãnh đạo đơn vị. Báo cáo, đề xuất của Kiểm sát viên phải nêu rõ: Nhân thân người bị khởi tố, nội dung vụ án, căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; căn cứ, lý do đình chỉ vụ án, bị can, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và quan điểm xử lý.
Thủ trưởng đơn vị phải có ý kiến chỉ đạo và quyết định về các nội dung do Kiểm sát viên đề xuất. Nếu thấy quyết định của Cơ quan điều tra có căn cứ, hợp pháp thì ra văn bản trả lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền và thực hiện ngay các nội dung quản lý, kiểm tra, báo cáo đánh giá. Nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ và trái pháp luật, thì Thủ trưởng đơn vị ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Xác định có trường hợp oan, sai thì thụ lý ngay để giải quyết
Trong giai đoạn truy tố, nếu có căn cứ để đình chỉ vụ án, bị can, thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất quan điểm xử lý bằng văn bản gửi Lãnh đạo đơn vị. Thủ trưởng đơn vị phải đưa ra tập thể lãnh đạo để thảo luận, đánh giá căn cứ, lý do của việc đình chỉ. Viện trưởng Viện kiểm sát đang thụ lý giải quyết vụ án là người quyết định việc đình chỉ vụ án, bị can.
Sau khi tiến hành các hoạt động kiểm sát, kiểm tra, đánh giá các trường hợp đình chỉ mà xác định có trường hợp oan, sai và có yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát thì các đơn vị phải thụ lý ngay để giải quyết theo đúng quy định.