Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế tối thiểu rủi ro khi xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường Hàn Quốc, ngày 19/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc tổ chức “Hội thảo về Hệ thống quản lý Danh mục dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu của Hàn Quốc”.

Từ ngày 1/1/2017, Hàn Quốc áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật  (Ảnh: K.D)

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lee Soon-Ho, Đại diện Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã đi sâu phân tích đối sách tình hình nhập khẩu các sản phẩm nông sản an toàn của Hàn Quốc từ các đối tác thương mại chính; trong đó có Việt Nam, nhằm chỉ ra được các loại trái cây mà Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong top 20 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Hàn Quốc.

Ngoài ra, ông Lee Soon-Ho cũng khuyến cáo doanh nghiệp về danh mục 370 loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc; trong đó có gần 140 loại thuốc hiện “chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng” tại thị trường nước này.

Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức lưu tâm vì chỉ có các loại thuốc bảo vệ thực vật “đã có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng” mới được nhập khẩu vào Hàn Quốc.

Trên cơ sở đó, đại diện Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng rà soát hàng trái cây xuất khẩu của mình có sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào “chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng” tại Hàn Quốc.

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2017, Hàn Quốc đã tiến hành áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật có trong quả hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới. Vì thế, nếu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký thiết lập mức giới hạn cho phép (Maximum residue limit – MRLs) thì sẽ bị áp dụng mức mặc định chung là 0.01ppm. Mặc dù đây là biện pháp áp dụng chung đối với tất cả các nước, song biện pháp này sẽ hạn chế về số lượng, chủng loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong phòng trừ sâu bệnh tại Việt Nam (nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký theo quy định mới của Hàn Quốc sẽ bị áp mức mặc định 0,01ppm), sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như: cà phê, lạc nhân, hạt điều và các loại trái cây nhiệt đới… sang thị trường Hàn Quốc.

Theo ông Lê An Hải, trong bối cảnh Hàn Quốc sẽ tiến hành áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật từ ngày 1/1/2019, việc các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham dự hội thảo này và chủ động tiếp cận được các thông tin mới sẽ giúp hạn chế được đáng kể các rủi ro về kỹ thuật khi xuất khẩu các loại trái cây của Việt Nam sang Hàn Quốc trong tương lai.

 

 

Kim Dung