|
Các doanh nghiệp vận tải phải có trách nhiệm trong công tác phòng chống, dịch cho đội ngũ lái xe và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này. Ảnh minh họa.
|
Phát hiện nhiều vi phạm trong việc phòng, chống dịch của lái xe
Báo cáo tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác vận tải giữa Bộ GTVT và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố, ngày 2/8, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ ngày 31/7 đến ngày 2/8, tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TPHCM cơ bản thông thoáng, xe chở hàng hóa lưu thông thuận lợi, nhanh chóng. Tương tự, tại các cửa ngõ ra vào TP. Hà Nội, giao thông cũng thông thoáng, không xảy ra ùn tắc.
Riêng tại chốt kiểm soát tại Km1770+300, QL1, Bình Thuận vào khoảng 23h02 ngày 31/7 xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Xe tải biển số 29H-201.80 lưu thông theo hướng Đồng Nai - Bình Thuận tông vào xe mô tô 3 bánh biển số 61L-7639 lưu thông cùng chiều đang dừng lại để khai báo y tế khiến 1 người chết, 5 người bị thương.
Tại chốt đường tỉnh ĐT 741 thuộc địa phận Bình Phước, tối 1/8, lưu lượng xe máy qua khu vực chốt quá đông gây tình trạng ùn ứ cục bộ. UBND tỉnh Bình Phước đã phải trực tiếp xử lý, điều tiết đối với các phương tiện xe máy của người dân về quê và đi qua địa bàn tỉnh. Tình trạng ùn tắc kéo dài đến khoảng 21h30 (lượt xe máy cuối cùng được lực lượng cảnh sát giao thông dẫn qua), sau đó khu vực đã thông thoáng trở lại.
Tại Hải Phòng, tình trạng ùn tắc xảy ra tại chốt kiểm soát ga Dụ Nghĩa, Km81+500 QL5 kéo dài khoảng 5-7 km. Đoàn công tác của Bộ GTVT đã cùng UBND TP Hải Phòng khẩn trương xử lý tình trạng ùn tắc, tăng cường lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông. Đồng thời, TP Hải Phòng cũng chuẩn bị điều kiện để mở thêm chốt phụ giảm tải cho chốt Dụ Nghĩa; nếu phương tiện quá đông sẽ phân luồng cho xe container qua chốt phụ; chốt ga Dụ Nghĩa chỉ kiểm soát xe tải, xe con và các phương tiện khác.
Sau hơn 2 tuần thực hiện, "luồng xanh" quốc gia đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở GTVT các địa phương, khi thực hiện kiểm tra đột xuất với các lái xe, lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều trường hợp lái xe vi phạm như: không có giấy xét nghiệm y tế, giấy xét nghiệm hết hạn, đi không đúng lộ trình cho phép, người điều khiển phương tiện không đúng với danh sách lái xe đã được đăng ký...
Đặc biệt, khi thực hiện xét nghiệm nhanh tại các chốt, lực lượng kiểm tra đã phát hiện ra nhiều trường hợp lái xe dương tính với virus SARS-CoV-2. Thậm chí, có tình trạng lái xe lợi dụng được cấp giấy thông hành tổ chức chở người trái phép như một số vụ việc phát hiện ra tại Hải Phòng, Sóc Trăng…. Sở GTVT Bình Thuận cũng báo cáo về các trường hợp lây nhiễm COVID-19 tại đây phần lớn là do lây từ đội ngũ lái xe vận tải.
Đại diện các Sở GTVT địa phương đều bày tỏ sự lo lắng về tính tự giác và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe về chấp hành các quy định phòng chống dịch.
"Chúng ta đừng để "con sâu làm rầu nồi canh". Số ít lái xe vi phạm nhưng gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và hoạt động vận tải chung của địa phương và cả nước, làm tăng áp lực công tác kiểm soát, phát hiện, xử lý, xét nghiệm tại các chốt kiểm soát dịch bệnh… gây ra nguy cơ ách tắc giao thông. Tuy nhiên, nếu không tăng cường kiểm soát thì nguy cơ lây lan dịch bệnh từ hoạt động vận tải là rất cao.
Hiện, Hải Phòng tổ chức các bãi tập kết hàng hóa, cũng như yêu cầu doanh nghiệp tổ chức quản lý tập trung đội ngũ lái xe, không để lái xe di chuyển, tiếp xúc rộng; nếu doanh nghiệp không bố trí được thì UBND các quận, huyện nghiên cứu sắp xếp, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả kinh phí này”, ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết.
Giao trách nhiệm cụ thể, trực tiếp cho các doanh nghiệp vận tải
Để khắc phục tình trạng lái xe vi phạm quy định phòng, chống dịch, ý kiến các Sở GTVT cho rằng, cần phải công khai thông tin về các trường hợp vi phạm, đồng thời phải xử lý nghiêm theo quy định. Mặt khác, trách nhiệm quản lý phương tiện và lái xe của doanh nghiệp vận tải hiện nay chưa đầy đủ, đặc biệt với các doanh nghiệp có phương tiện và lái xe đi và đến từ vùng dịch. Do đó, cần thiết có quy định giao trách nhiệm cụ thể, trực tiếp đối với các doanh nghiệp vận tải. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ hậu kiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, đến thời điểm này, giao thông cả nước đã cơ bản thông suốt, các giải pháp đã được ngành giao thông phối hợp cùng địa phương điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở GTVT các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nắm bắt kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và các quan điểm, biện pháp phòng chống dịch của địa phương để tham mưu phương án tổ chức giao thông, phân luồng giao thông phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch.
Đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, lãnh đạo các Sở GTVT phải chủ động phối hợp, trao đổi với nhau nhằm thống nhất phương án, nguyên tắc kiểm soát để đảm bảo tổ chức giao thông thông suốt.
"Hiện nay, việc lưu thông hàng hóa (đối với hàng hóa không bị cấm vận chuyển) đã không còn bị hạn chế, việc tổ chức "luồng xanh" lưu thông hàng hóa đến vùng dịch sẽ thực hiện như thế nào; trong các vùng dịch vẫn có các "vùng xanh" an toàn thì các địa phương cũng phải chú ý việc tổ chức vận tải để không bị lây nhiễm chéo", Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ kéo dài, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các Sở GTVT căn cứ trên nguyên tắc và hướng dẫn của Bộ, chủ động xây dựng các kịch bản và phương án khác nhau. Tuyệt đối không cứng nhắc, dập khuôn, xây dựng phương án phải phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương mình. Phải có phương pháp tuyên truyền, thông tin kịp thời để doanh nghiệp, lái xe biết, hiểu quy định để chấp hành. Các địa phương cũng cần thực sự quan tâm, ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe của địa phương mình.
Đối với khu vực có lưu lượng mật độ đông như Hải Phòng và các địa phương lân cận, khi tổ chức giao thông phải phân luồng từ xa, nghiên cứu lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa điểm phù hợp, tổ chức nhiều điểm kiểm tra tại 1 chốt. Việc Hải Phòng có phương án bố trí bãi tập kết hàng hóa, quản lý lái xe tập trung là giải pháp tối ưu trong phòng, chống dịch hiện nay, tuy nhiên, với các địa phương khác có thể tùy điều kiện thực tế để triển khai đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Đối với yêu cầu trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải với lái xe, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, trong bối cảnh cả nước đang căng mình phòng chống dịch, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương đang cố gắng tháo gỡ các khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, chính vì vậy, vai trò của các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện và lái xe rất quan trọng.
"Các doanh nghiệp phải thực sự có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này. Tổ chức quản lý đội ngũ lái xe phải là nhiệm vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, chủ phương tiện. Các doanh nghiệp phải tuyệt đối chấp hành các quy định về y tế đối với lái xe, người phục vụ theo xe khi tham gia giao thông. Chúng tôi cũng đề nghị các lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm quy định phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Phan Trang