Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử 

(Chinhphu.vn) - Các quy định về giá thuốc, kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử... trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được thảo luận sôi nổi tại nghị trường.
Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử- Ảnh 1.
 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nêu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng nay (22/10), Quốc hội đã tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Tham gia đóng góp ý tại phiên thảo luận, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, việc bán thuốc tràn lan trên mạng xã hội, với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận.

Đại biểu bày tỏ tán thành với việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử.

"Chúng ta chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà. Chúng ta cấm không được, mà cần phải quy định chặt chẽ việc này", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Đồng thời nêu quan điểm các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử.

Nhà thuốc được bán online cần bảo đảm tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép; có thể thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử.

"Sau khi luật được thông qua, Bộ Y tế có Thông tư hướng dẫn, tôi tin các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay. Nếu không quản lý được mà cấm sẽ khiến rất nhiều người vi phạm pháp luật", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Đồng thời đề xuất dự thảo Luật cũng cần có điều khoản quy định Bộ Y tế có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) cho rằng, hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diện diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp. Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục.

Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử- Ảnh 2.
 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình các vấn đề về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phải quản lý giá của các loại thuốc

Nêu ý kiến về quản lý giá thuốc, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nêu ra các biện pháp quan trọng để quản lý giá thuốc như: Công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá… 

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn.

"Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?", đại biểu Trần Thị Nhị Hà đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, khi quản lý về giá, phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.

Ngoài ra, Dự thảo luật quy định tại Điều 112 sửa đổi "UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc".

Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách, các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau. 

Hơn nữa, với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn, quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược. 

Trong khi đó, ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 540 về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp dự báo thị trường theo quy định tại Luật Giá.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc, vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử- Ảnh 3.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời

Giải trình các vấn đề, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Đây là một luật rất chuyên ngành, vừa kinh tế, vừa xã hội. Kinh tế bởi vì liên quan đến các doanh nghiệp, xã hội vì liên quan đến người dân. Quan điểm của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì là trên nguyên tắc chung lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân Việt Nam".

Về vấn đề thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc. 

Chính vì vậy, trong dự thảo luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm. 

Ngoài ra, quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề bảo mật thông tin người mua, vấn đề truy xuất nguồn gốc, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, vấn đề tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử.

Về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, thuốc là mặt hàng đặc biệt, cho nên quản lý giá thuốc cũng là việc rất quan trọng. Luật Dược năm 2016 đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc bán buôn và Luật Giá năm 2023 cũng có nhiều quy định mới về quản lý giá. Các quy định đó đã góp phần quản lý giá thuốc ở Việt Nam, giúp giá thuốc tương đối ổn định trong thời gian qua. 

Bộ trưởng dẫn chứng bằng số liệu năm 2022, giá thuốc tăng 0,4%, trong tổng số CPI là 3,15%; năm 2023 tăng 1,45% trong tổng số CPI 2,96% dù bối cảnh sau COVID-19 giá tất cả các loại thuốc, nguyên vật liệu đều tăng

"Với các biện pháp như vậy, chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh sự tăng giá đột biến trên thị trường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói thêm.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành hữu quan đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ, cụ thể ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nhiều nội dung trong dự án luật.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, bổ sung một số nội dung cụ thể.

"Tinh thần chung đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật với những nội dung cấp bách, đã chín, đã rõ, đã được khẳng định trong thực tiễn, nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, để bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp dược", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói.

Trên cơ sở ý kiến các đại biểu, ý kiến của  Bộ trưởng Bộ Y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp với Bộ Y tế tổng hợp, tiếp thu tối đa những ý kiến phát biểu của các đại biểu để báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua.

Hải Giang

13 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 824
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 824
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87206374