Quản lý cây xanh bằng công nghệ 4.0 

(Chinhphu.vn) - Để tạo thuận lợi cho việc xác định địa điểm trồng, theo dõi việc quản lý và chăm sóc cây xanh trong Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Chính phủ phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam (Tree Map) thông qua ứng dụng công nghệ số 4.0 trên điện thoại thông minh.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trồng cây tại Lễ phát động Tết trồng cây tại Hà Nội

Không chỉ dừng lại ở 1 tỷ cây xanh

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đến nay, tại các thành phố lớn nhất của cả nước, trung bình tỉ lệ cây xanh vẫn chưa đạt mức quy định theo quy hoạch chung là 7 m2/người khu vực nội thành, khoảng 12 m2/người khu vực ngoại thành và 15 m2/người theo tiêu chuẩn quốc tế.

Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, Thủ tướng Chính phủ đã khởi xướng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm, góp phần phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái của những vạt rừng trên mọi miền Tổ quốc, để bừng lên màu xanh cho mỗi góc phố, con đường, từng công sở, sân trường hay mỗi ngôi nhà nhỏ ở các khu đô thị và làng quê Việt Nam.

Để hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, trong đó đề xuất các giải pháp tổng thể, bài bản, với vai trò, trách nhiệm đầu tàu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân để huy động sức mạnh tổng hợp cho hoạt động hết sức có ý nghĩa này.

“Tôi mong rằng mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi địa phương đều có riêng cho mình một sáng kiến đối với việc trồng cây. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi thái độ của cá nhân đối với tự nhiên, bởi tự nhiên đang đứng trước tác động rất lớn của việc phát triển kinh tế, việc mất cân bằng sinh thái tự nhiên đang là một nguy cơ rất lớn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét ở nhiều góc độ để triển khai sáng kiến này, để việc trồng cây không đơn thuần là phong trào, cũng không phải chỉ dừng lại ở 1 tỷ cây mà còn giúp phục hồi thiên nhiên về mặt sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, là di sản để lại cho các thế hệ sau này. Vì thế các đơn vị liên quan cần có những đánh giá hiệu quả xuất phát từ khoa học, đánh giá điều kiện thổ nhưỡng, các điều kiện đa dạng sinh học và điều kiện tự nhiên đặc thù của từng khu vực, từng địa phương.

Trên các điều kiện tự nhiên khác nhau, việc trồng cây cũng sẽ khác nhau, cây trồng tại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tại các khu công nghiệp, đường giao thông… cần phải có cách triển khai phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất.

Hình thành “Bản đồ cây Việt Nam”

Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho việc xác định địa điểm trồng, theo dõi việc quản lý và chăm sóc cây xanh sau khi được trồng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam (Tree Map) thông qua ứng dụng công nghệ số 4.0 trên điện thoại thông minh.

Theo đó, ứng dụng sẽ thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu về cây xanh, từ đó tạo lập nên kho dữ liệu lớn (Big Data) về cây xanh ở Việt Nam. Toàn bộ các thông tin về loại cây, ngày trồng, đơn vị triển khai, đơn vị đóng góp, sản lượng khai thác... sẽ được thu thập và cập nhật liên tục trên hệ thống xử lý dữ liệu của bản đồ cây Treemap.vn.

Bên cạnh đó, toàn bộ các chiến dịch trồng cây, chăm sóc hệ thống cây xanh trên phạm vi cả nước và từng địa phương do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sẽ được cập nhật thông tin, hiện trạng thường xuyên để mọi cây trồng mới đều được cập nhật thời gian thực (Real-time Updating) trên hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (BigData).

Đáng chú ý, bản đồ cây Treemap.vn sẽ có hệ thống tài khoản phân quyền để từng tổ chức, địa phương, cơ quan quản lý chuyên trách có thể đồng giám sát hiện trạng (số cây bị chặt phá, hoả hoạn, sống tốt, đang ra quả và thu hoạch...) từ đó đưa ra các quyết định điều phối hiệu quả và đồng bộ.

Mạng lưới các loài cây quý, đặc biệt là hệ thống cây cổ thụ cần bảo tồn đặc biệt sẽ được gắn series mã hoá trên bản đồ cây, từ đó tối ưu hiệu quả về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các khu vực cần bảo tồn không quản lý và giám sát được bằng nhân lực.

Đặc biệt, toàn bộ các chiến dịch, sự kiện trồng cây theo hướng xã hội hoá sẽ được cập nhật thường xuyên trên bản đồ cây, góp phần quan trọng truyền thông và định hướng cộng đồng bảo vệ môi trường, phát động và lan toả sâu rộng các phong trào trồng cây và bảo vệ môi trường.

Thu Cúc

468 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 907
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 907
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87082984