Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội trong lần kiểm tra một bếp ăn tập thể.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc)
Ngày 26/3, gần 1.000 công nhân Công ty TNHH Great Global International, thuộc Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã bỏ ăn trưa để phản đối nhà bếp của công ty sử dụng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.
Vụ việc trên chắc không phải là cá biệt, bởi thực tế cho thấy, bếp ăn tập thể sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng chỉ lộ diện, công khai khi người sử dụng bị ngộ độc hoặc cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất.
Vì vậy, vấn đề quản lý chất lượng, bảo đảm đủ dinh dưỡng và an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể hiện nay được đặt ra một cách cấp thiết. Bởi lẽ, những bữa ăn không đủ dinh dưỡng, mất vệ sinh sẽ gây tổn hại sức khỏe cấp tính hoặc lâu dài cho người sử dụng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng không dễ đo đếm bằng tiền bạc.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều yếu tố dẫn đến chất lượng suất ăn không bảo đảm, thậm chí gây ngộ độc, trước hết là do an toàn thực phẩm hiện nay trên thị trường chưa được kiểm soát tốt. Thuốc tăng trọng, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản… vẫn bị lạm dụng, sử dụng không đúng phương pháp, sử dụng tràn lan, nên lựa chọn được thực phẩm sạch không dễ. Một khó khăn khác, là mức chi cho suất ăn thấp cũng khó chọn được thực phẩm sạch, do giá thực phẩm sạch thường cao hơn thực phẩm thông thường. Bên cạnh đó, hành vi trục lợi bất chính từ các suất ăn của những người có liên quan từ cung cấp đến quản lý là một nguyên nhân quan trọng, nhưng cũng khó xử lý nhất…
Tuy nhiên, nếu quyết tâm và làm đúng phương pháp thì việc kiểm soát chất lượng bếp ăn tập thể hiện nay không quá khó. Thực tế là nhiều địa phương đã làm tốt công tác này.
Trước hết, muốn đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm thì điều kiện đầu tiên là cơ sở hạ tầng, nguồn nước cung cấp cho bếp, trang thiết bị, dụng cụ chế biến phải sạch sẽ. Mỗi bếp phải có 1 tủ lưu mẫu thực phẩm, áp phích, bảo hộ lao động, các loại dung dịch vệ sinh và các hóa chất test nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ hai là nguồn nguyên liệu, thực phẩm và phụ gia phải có nguồn gốc rõ ràng, có thể truy xuất được. Những người làm bếp phải có kỹ năng làm xét nghiệm một số test nhanh như: Cách xác định tinh bột bằng dung dịch I ốt, sử dụng kít kiểm tra nhanh hàn the trong thực phẩm, kiểm tra nhanh acid vô cơ trong dấm, màu kiềm trong thực phẩm và kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả. Những phương tiện này hiện nay khá phổ biến và chi phí sử dụng hàng ngày là không đáng kể.
Cuối cùng là yếu tố con người, ngoài các điều kiện tay nghề, có kỹ năng và kiến thức bảo đảm chất lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm thì họ phải được kiểm tra, quản lý thường xuyên, liên tục để tránh tiêu cực phát sinh.
Do đó, các bếp phải được gắn camera để người quản lý và các đối tượng sử dụng bữa ăn như: công nhân trong các khu công nghiệp, học sinh trong các trường học hay phụ huynh học sinh nếu cần có thể quan sát, giám sát được hoạt động tại nhà bếp. Ngoài ra, nên phát huy dân chủ tại cơ sở bằng cách thường xuyên có đại diện của tổ chức công đoàn, của y tế, của người lao động, phụ huynh học sinh... tham gia để giám sát quá trình nhập nguyên liệu, chế biến thức ăn của nhà bếp.
Cuối cùng là áp dụng thật tốt nguyên tắc công khai minh bạch, từ thu đến chi, từ nguyên liệu đầu vào đến các khâu chế biến đều công khai, minh bạch để dễ dàng kiểm tra, đối chiếu.
Xã hội và người tiêu dùng đang sống trong nỗi lo khi khó kiểm soát được thực phẩm bẩn. Vì vậy, cuộc chiến chống thực phẩm là cuộc chiến lâu dài cần cộng đồng trách nhiệm của cơ quan quản lý, người dân và xã hội, để bếp ăn tập thể được an toàn, cuộc sống của công nhân, học sinh, sinh viên... giảm bớt những âu lo, bất trắc./.
Thái Vũ