|
Đại diện Bộ Tài chính trao đổi tại họp báo. Ảnh: VGP. |
Thị trường chưa minh bạch, người dân gặp khó
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã nêu một số nội dung về sự cần thiết, ý nghĩa bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông và tăng cường trật tự xã hội thông qua. Cụ thể, giải quyết bồi thường bảo hiểm hỗ trợ cho nạn nhân tai nạn giao thông khắc phục hậu quả. Thời gian qua đã bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ; trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ; thực hiện tuyên truyền, giáo dục nhận thức của chủ xe và cộng đồng về an toàn giao thông với đa dạng hình thức như bằng phương tiện đại chúng và trực tiếp tới người dân... (tổng chi 21,6 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng các công trình đề phòng, hạn chế tổn thất như hệ thống biển báo giao thông, đường tránh…
Ông Khánh cho rằng, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (bao gồm xe mô tô, xe máy) ra đời và triển khai tại hầu hết các nước trên thế giới và được đánh giá như là một trong các giải pháp hữu hiệu thực hiện mục tiêu hỗ trợ một phần tài chính giúp cho chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ông Phùng Ngọc Khánh cũng thừa nhận, các kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: Quy định chưa hợp lý, đồng bộ; mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.
Một số quy định hiện hành về mẫu Giấy chứng nhận, thời hạn bảo hiểm, hồ sơ bồi thường không còn phù hợp, gây khó khăn cho chủ xe, lái xe trong việc triển khai thực hiện thanh toán đền bù.
Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có nghĩa vụ thu thập các tài liệu liên quan đến thiệt hại về tài sản (như hóa đơn sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại); các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (như biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông...); biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do DNBH hoặc người được DNBH ủy quyền lập; các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có) (Khoản 7, Điều 19).
Thực tế trong nhiều vụ tai nạn xe máy, không thể lúc nào cũng có được các biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do DNBH hoặc người được DNBH ủy quyền lập, các chủ phương tiện thường tự thoả thuận việc đền bù.
“Thiệt hại lớn không nói, còn với thiệt hại vài trăm nghìn không phải lúc nào cũng đi báo công an xác minh, giám định, hay kiếm xác nhận của chính quyền địa phương, các chủ phương tiện thường tự thương lượng bồi thường vì việc để hoàn thiện hồ sơ thanh toán bảo hiểm quá phức tạp”, ông Phùng Ngọc Khánh ghi nhận sự bất cập của quy định thủ tục.
Siết chặt giám sát doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm xe máy
Thời gian gần đây, khi cảnh sát giao thông tổng kiểm soát, dừng xe kiểm tra giấy tờ trong đó có bảo hiểm, nổi lên tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc TNDS xe máy không tuân thủ đúng quy định pháp luật (đại lý giảm giá, chiết khấu 30% cho khách hàng, thời hạn bảo hiểm xe máy 2 năm, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường đối với bảo hiểm “vỉa hè”, bảo hiểm xe máy bán với giá 20.000 đồng/năm); bên cạnh đó, hồ sơ bồi thường bảo hiểm còn có những khó khăn…
Trong khi đó, tỉ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% đối với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỉ lệ tham gia lên đến 90% đối với ô tô (trong tổng số trên 3 triệu ô tô).
Tại cuộc họp báo khi được hỏi về doanh thu tiền bán bảo hiểm cho xe máy và tỉ lệ chi trả thực tế năm 2019, cơ quan quản lý chưa thể đưa ra được số liệu chính xác ngay, điều này thể hiện quản lý dữ liệu hiện nay doanh nghiệp khá lỏng lẻo.
Đến cuối năm 2019, lượng xe máy đang lưu thông đạt khoảng 59 triệu xe. Với giá phí bảo hiểm vào khoảng 66.000 đồng/xe, thị phần của loại hình bảo hiểm này có tiềm năng hơn 3.800 tỷ đồng, trong khi số tiền chi trả là rất thấp.
Theo các chuyên gia, dường như chưa có sự hài hoà lợi ích các bên, khi đây là một mảng thị trường khá béo bở nhưng với nhiều người thì thủ tục để được bồi thường khó khăn nên hầu như không được thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm.
Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cho hay: Bộ Tài chính có Công văn số 189/QLBH-PNT ngày 20/5/2020) yêu cầu các DNBH thực hiện ngay một số công việc như: Chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, giải thích rõ cho chủ xe về chính sách bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Với trường hợp các DNBH vi phạm, tùy theo mức độ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Bộ Tài chính sẽ giám sát theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới để kịp thời có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các DNBH.
Bộ Tài chính đang có kế hoạch sớm phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Ủy ban quốc gia (UBQG) về An toàn giao thông và các cơ quan báo chí thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các DNBH vi phạm quy định…
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Để giải quyết cơ bản, căn cơ mang tính lâu dài, hạn chế việc bán bảo hiểm như báo chí đã phản ánh thời gian qua, hiện nay Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, UBQG về An toàn giao thông, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các DNBH xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo hướng: Ứng dụng thương mại điện tử trong việc bán bảo hiểm, cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm (CNBH) điện tử; tạo điều kiện cho DNBH chủ động thiết kế, xây dựng mẫu Giấy CNBH nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc; mức phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro của xe cơ giới (bao gồm xe máy), chủ xe và người lái xe; tăng mức trách nhiệm bảo hiểm cơ bản bảo đảm chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.
Quan trọng là phải xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm phục vụ mục tiêu quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (bao gồm xe máy).
Dự kiến trong tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm trình cấp có thẩm quyền vào năm 2021. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động và tiếp tục xin ý kiến rộng rãi của tất cả các bên liên quan, các đối tượng chịu tác động của chính sách để có cơ sở để xuất hoàn thiện chế độ bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, bao gồm quy định bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với xe máy.
Huy Thắng