Quản lý an toàn thực phẩm: Không thể bắt người tiêu dùng thông thái khi quản lý chưa tốt 

(ĐCSVN) – Chiều ngày 5/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Nhiều vấn đề “nóng” tiếp tục được các đại biểu đưa ra thảo luận, đề xuất giải pháp.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 5/6. Ảnh: BL

Thực phẩm “bẩn” làm ảnh hưởng thế hệ tương lai

Mở đầu phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng: An toàn thực phẩm (ATTP)  luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Trong những năm qua, nhiều chính sách pháp luật về ATTP được ban hành, bổ sung hoàn thiện. Cùng với đó công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tăng cường, nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP được phát hiện, xử lý công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người kinh doanh, tiêu  dùng về hoạt động sản xuất kinh doanh ATTP. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo đảm ATTP vẫn là vấn đề “nóng”  đối với người  tiêu dùng.

Đại biểu nêu rõ, thực tế cho thấy thực phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh ATTP có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ xe đẩy, bán hàng rong, các quầy hàng, nhà bè, chợ phiên, chợ tạm... Đặc biệt, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; các loại phẩm màu, đường hóa học trong nước giải khát, bánh kẹo; nhiều loại thịt sống bày bán trên thị trường… chưa qua kiểm duyệt vẫn tràn lan. Những vấn đề nêu trên không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hay nói xa hơn là còn ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của đất nước.

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên đại biểu Mai cho rằng, do công tác quản lý Nhà nước ở nhiều nơi còn buông lỏng. “Bởi ai cũng biết để có thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng phải qua quá trình kiểm duyệt từ khâu sản xuất đến kiểm tra, phân phối tiêu dùng. Tuy nhiên không ít mặt hàng phân phối ra thị trường rồi mới đi kiểm tra. Do đó, trong khi các cơ quan chức năng chưa kịp kiểm tra thì người tiêu dùng đã mua và sử dụng, vì vậy dẫn đến không ít vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc đã xảy ra. Chỉ đến khi xảy ra sự cố thì các cơ quan chức năng mới tá hỏa đi tìm nguyên nhân rồi phân tích, mổ xẻ, quy trách nhiệm... Nhưng đó mới là những trường hợp ngộ độc ngay để biết, còn những hệ lụy ảnh hưởng của những thực phẩm độc hại khác vẫn đang âm thầm ngấm vào cơ thể con người khi người tiêu dùng sử dụng các loại thực phẩm đó”, đại biểu nói.

Để nâng cao hiệu quả trong việc đảm bảo VSATTP trong thời gian tới, đại biểu Mai đề nghị: Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATTP. Đại biểu cũng đề xuất, Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu, chỉnh sửa rà soát hệ thống văn bản, pháp luật có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến tình hình thực tế, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý ATTP. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra vệ sinh ATTP, xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với đối tượng vi phạm, tạo động lực khuyến khích cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì kiểm tra an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất cần có giải pháp liên thông giữa các tỉnh, thành để quản lý các cơ sở sản xuất bữa ăn cho công nhân các khu công nghiệp, nhất là trên những địa bàn giáp ranh nhiều tỉnh thành, địa phương...

Không thể bắt người tiêu dùng thông thái khi quản lý chưa tốt

Nói về vấn đề quản lý an toàn VSTP hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng việc quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua có nhiều tiến bộ so với trước, bước đầu hình thành mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi...Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, chưa phân rõ trách nhiệm quản lý giữa các bộ ngành, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, tình trạng mất an toàn thực phẩm còn nhức nhối, gây bức xúc cho dư luận... Lý giải về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của cấp cơ sở.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua... Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác đại biểu cho rằng: Chúng ta quá nhấn mạnh biện pháp hành chính, hình sự, vấn đề là cần xây dựng một xã hội với những người tiêu dùng thông thái. 

Đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc quy định việc để lại 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính cho địa phương để tránh tình trạng địa phương nào quản lý tốt thì tiền xử phạt ít, còn địa phương nào quản lý chưa tốt, xử phạt nhiều thì tiền nhiều. Đồng thời, cần phải nghiên cứu mã ngành đào tạo nhân lực an toàn thực phẩm trong giai đoạn hiện nay.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi: Vấn đề đặt ra là công tác quản lý của chúng ta vừa qua đã tốt chưa? Vì sao một số cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc chưa quyết liệt? Vì sao xử lý chưa nghiêm?... Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng: Nếu quản lý chưa tốt thì không thể bắt người tiêu dùng phải thông minh, thông thái được.

Để quản lý tốt vấn đề ATTP, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tốt hơn nữa các cơ quan trong việc phối hợp quản lý an toàn thực phẩm; có cơ chế tài chính phù hợp để bảo đảm kinh phí cho công tác này. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, giám sát các hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm; tiếp tục ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhất là những loại sản phẩm liên quan trực tiếp đến thức ăn, thức uống hằng ngày của người dân...

Về việc tuyên truyền vấn đề ATTP nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, các đại biểu cũng cho rằng, việc tuyên truyền phải khách quan, tránh đưa tin một chiều gây hoang mang dư luận. Theo đó, bên cạnh việc phê phán các cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn cho công chúng...

Cũng trong phiên thảo luận buổi chiều, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tranh luận với đại biểu Phương (Cần Thơ) và đại biểu Lợi (Thanh Hóa) về sự cần thiết phải có một tổ chức quản lý xuyên suốt về an toàn thực phẩm. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận về nội dung: Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin đúng về an toàn thực phẩm; đại biểu cho rằng, để quản lý hiệu quả an toàn thực phẩm thì cả xã hội phải vào cuộc, nhất là phải phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở.../.

 

 

 

Nhóm PV
472 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 881
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 881
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88313410