Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ma-lai-xi-a (Malaysia) Tun Ma-ha-thia Mô-ha-mét (Tun Mahathir Mohamad), và Phu nhân tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-28/8/2019. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Tun Ma-ha-thia Mô-ha-mét kể từ khi nhậm chức tháng 5/2018.
Thủ tướng Ma-lai-xi-a, Tun Ma-ha-thia Mô-ha-mét
|
Ma-lai-xi-a là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á có diện tích 329.847 km2, dân số 32.150.135 người (2018), thu nhập bình quân đầu người: Hơn 10.800 USD (2016); phấn đấu đạt 15.000 USD vào năm 2020. Nhà nước Ma-lai-xi-a là nhà nước quân chủ lập hiến, đứng đầu là Quốc Vương do Hội đồng Tiểu vương bầu ra và được lựa chọn trong số 9 Tiểu vương của 9 bang theo nhiệm kỳ 5 năm.
Tình hình chính trị nội bộ Ma-lai-xi-a một năm sau Tổng tuyển cử (5/2018) cơ bản ổn định. Chính phủ Liên minh Hy vọng (PH) thời gian qua tập trung kiện toàn nội các, dàn xếp quyền lực trong Liên minh, đồng thời đẩy mạnh điều tra các vụ tham nhũng liên quan đến chính quyền cũ. Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 22/6/2019, Thủ tướng Ma-ha-thia khẳng định sẽ không làm Thủ tướng quá 03 năm trước khi bàn giao lại vị trí này cho ông An-oa I-bra-him (thủ lĩnh đảng Công lý của Nhân dân PRK – chính đảng lớn nhất trong PH), Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân Ma-lai-xi-a theo đúng cam kết tranh cử.
Về kinh tế, Chính phủ Ma-lai-xi-a chú trọng giữ ổn định vĩ mô, tập trung thi hành một loạt cam kết bầu cử như bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), khôi phục thuế buôn bán và dịch vụ (SST), khôi phục trợ cấp một số mặt hàng xăng dầu, hoãn/điều chỉnh hoặc hủy các dự án hạ tầng lớn nhằm giảm sức ép nợ công…, gây một số tác động tiêu cực ngắn hạn đối với nền kinh tế (thu ngân sách sụt giảm, các nhà đầu tư ngoại thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán, đồng Ring-git mất giá…) và làm tăng trưởng năm 2018 chậm lại (4,8% so với 5,7% năm 2017). Chính phủ đã phát hành 200 tỷ yên trái phiếu do Chính phủ Nhật Bản bảo lãnh để xử lý vấn đề nợ công.
Nhân kỷ niệm 1 năm lên nắm quyền, Thủ tướng Tun Ma-ha-thia Mô-ha-mét đã chính thức công bố mô hình kinh tế mới mang tên Chia sẻ Thịnh vượng với mục tiêu bảo đảm mức sống cơ bản cho mọi người dân Ma-lai-xi-a không phân biệt địa vị kinh tế, sắc tộc, khu vực địa vào năm 2030. Kinh tế Ma-lai-xi-a quý I/2019 tăng trưởng 4,5%, dự kiến cả năm 2019 đạt từ 4,3 đến 4,8%.
Về đối ngoại: Ma-lai-xi-a cơ bản tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại truyền thống thực dụng, cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, mở rộng quan hệ với các nước lớn (Nhật , Ấn Độ…), ưu tiên quan hệ với ASEAN và cộng đồng Hồi giáo. Về Biển Đông, Ma-lai-xi-a cơ bản giữ lập trường tích cực và thực dụng, có tuyên bố mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền và mong muốn giữ gìn khu vực hòa bình, ổn định, không bị nước lớn can thiệp. Ngày 24/4/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Sai-phút-đin Áp-đu-la khẳng định Ma-lai-xi-a không thảo luận song phương với Trung Quốc về Biển Đông, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN khi thảo luận với Trung Quốc. Thủ tướng Ma-ha-thia nhiều lần khẳng định quan điểm không ủng hộ tàu chiến các nước vào Biển Đông, trong đó có cả tàu Trung Quốc và Mỹ.
Việt Nam và Ma-lai-xi-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/3/1973. Trong suốt hơn 45 năm qua, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa…
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah Ibni Sultan Haji Ahmad Shah Al Musta’in Billah (tháng 3/2009, tháng 9/2013); Thủ tướng Na-díp Tun Ra-dắc (Najib Tun Razak) (tháng 4/2014); các chuyến thăm Ma-lai-xi-a của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 9/2011) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 8/2015).
Hai nước đã ra Tuyên bố chung về khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Ma-lai-xi-a của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 8/2015); thông qua Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược (tháng 3/2017). Năm 2018, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hợp tác quốc phòng được hai bên duy trì thông qua trao đổi đoàn các cấp và giao lưu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng. Về hải quân, từ năm 2009 (gần đây nhất là tháng 7/2017), Hải quân hai nước đã tiến hành trao đổi dự thảo Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tuần tra chung và liên lạc đường dây nóng. Bên cạnh đó, hai bên liên tục cử tàu thăm lẫn nhau. Về không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đón đoàn doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Malaysia sang tìm hiểu khả năng hợp tác về một số lĩnh vực liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng máy bay Su-30, tên lửa và radar Không quân.
Cùng với đó, hợp tác an ninh không ngừng đẩy mạnh. Hai bên tăng cường trao đổi thông tin liên quan công tác phòng, chống khủng bố, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia. Năm 2015, hai bên đã ký kết Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là một điểm nhấn nổi bật trong quan hệ hai nước. Về thương mại, hai nước là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của nhau; trong đó, Ma-lai-xi-a là đối tác thương mại thứ 8 của Việt Nam, ta là đối tác lớn thứ 10 của bạn. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng tốt, năm 2018 đạt 11,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017; trong đó, Việt Nam xuất chủ yếu sang Ma-lai-xi-a dầu thô, gạo, cà phê, hải sản; nhập chủ yếu sắt thép, xăng dầu, dầu mỡ động thực vật, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, máy vi tính và sản phẩm điện tử.
Về đầu tư, tính đến tháng 4/2019, Ma-lai-xi-a có 586 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD, đứng thứ 8/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là bất động sản và công nghiệp chế biến. Việt Nam có 19 dự án đầu tư sang Ma-lai-xi-a với tổng vốn đầu tư đạt 1,53 tỷ USD, trong đó có hai dự án trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí với tổng vốn đầu tư 558 triệu USD.
Trong những năm gần đây, Việt Nam và Ma-lai-xi-a đã hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu. Về hợp tác lao động, hiện có khoảng 29.000 lao động hợp pháp Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản… Tháng 11/2018, hai bên đã họp Nhóm công tác chung (JWG) lần thứ nhất bên lề Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 25 tại Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) để triển khai thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác lao động (ký năm 2015).
Về lĩnh vực giáo dục, hiện đang có khoảng hơn 1.000 lưu học sinh Việt Nam du học tại Ma-lai-xi-a. Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục ngày 6/3/2019 (thay thế cho Bản ghi nhớ ký năm 2004). Hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác du lịch từ năm 1994. Năm 2018, khách Malaysia đi du lịch Việt Nam đạt hơn 540 nghìn lượt, tăng 12,4% so với năm 2017. Đây là thị trường gửi khách đứng thứ 7 của Việt Nam.
Đặc biệt, trong hợp tác dầu khí, Petro Việt Nam và Petronas Ma-lai-xi-a có quan hệ hợp tác từ năm 1991 trên tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến, dịch vụ. Hai bên đang triển khai 10 dự án hợp tác với tổng trữ lượng khoảng 72.000 thùng dầu/ngày.
Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực, quốc tế nhất là ASEAN và Liên hợp quốc. Hai nước đang phối hợp tốt trong thúc đẩy phát triển Cộng đồng ASEAN.
Cộng đồng người Việt tại Ma-lai-xi-a hiện có khoảng 65.000 người, sinh sống rải rác tại 13 bang, trong đó phần lớn là người lao động, ngoài ra còn 7.200 cô dâu Việt và 700 sinh viên.
Có thể thấy, quan hệ giữa Việt Nam - Ma-lai-xi-a luôn được các thế hệ lãnh đạo hai nước không ngừng vun đắp, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác sâu rộng giữa hai nước, đem lại lợi ích, phồn thịnh chung cho nhân dân hai nước vì mục tiêu hòa bình, ổn định cho khu vực và trên thế giới./.
Mạnh Hùng