Tại Vương quốc Bỉ cũng như trước đó tại Cộng hòa Áo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp có những cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn của châu Âu cũng như phát biểu tại các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và nước chủ nhà.
Một nội dung trọng tâm trong chuyến công tác châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về kinh tế với Cộng đồng châu Âu, với các nước là bạn hàng truyền thống của Việt Nam, nhất là bối cảnh chuyến thăm tiến hành vào thời điểm Nghị viện châu Âu đang xem xét phê chuẩn các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam-Hiệp định Thương mại tự do EVAFTA.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng ta, Thủ tướng Bỉ Charles Michael đã khẳng định sự ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định để bảo đảm các lợi ích thiết thực cho EU, tạo cầu nối gắn kết chặt chẽ về kinh tế giữa châu Âu và khu vực Đông Nam Á cũng như với châu Á-Thái Bình Dương.
Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế trên đà phát triển thuận lợi với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt mức 2,7 tỷ USD.
Những lĩnh vực hợp tác được xác định là thế mạnh của Bỉ và Việt Nam có nhu cầu. Đó là vận tải, cảng biển, dịch vụ hậu cần, công nghệ xanh, nông nghiệp, dược phẩm, năng lượng tái tạo... Đặc biệt là việc hai bên ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp; hợp tác trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo thuận lợi cho hàng nông sản, thủy sản chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường Bỉ đồng thời hỗ trợ ngành nông nghiệp hai nước mở rộng sản xuất đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ cao.
Trong chuyến thăm Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu trước đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, Bỉ và châu Âu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU-Bỉ lần đầu tiên được tổ chức.
Chủ tịch Liên minh Hữu nghị Bỉ-Việt Nam Andries Gryffoy cho biết các doanh nghiệp tham dự diễn đàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đang rất quan tâm tìm kiếm những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, đều là những nhà đầu tư tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Gryffoy, Bỉ nằm ở trung tâm châu Âu, một thị trường 420 triệu dân với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, những lĩnh vực Bỉ đang tập trung phát triển như hoá chất, năng lượng, công nghệ xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ hậu cần, trí tuệ nhân tạo... mở ra nhiều cơ hội hợp tác làm ăn cho doanh nghiệp hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu tại diễn đàn đã nêu rõ một tầm nhìn rộng mở, quan hệ kinh tế Việt Nam-Bỉ cần đặt trong tổng thể quan hệ Việt Nam-EU, một khối kinh tế hùng cường hàng đầu thế giới. “Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ mở ra cánh cửa rộng để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn. Tôi mong rằng cộng đồng doanh nghiệp EU và đặc biệt là doanh nghiệp Bỉ, có tiếng nói ủng hộ để Hiệp định sớm được ký kết”, Thủ tướng bày tỏ. Trên quan điểm một tầm nhìn về sự liên kết kinh tế rộng mở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trông đợi Việt Nam sẽ là cầu nối tốt để doanh nghiệp EU tiến vào thị trường ASEAN, hướng tới một nền thương mại tự do, công bằng và thuận lợi.
Thủ tướng nhắc đến một lợi thế là Việt Nam, Bỉ và nhiều nước châu Âu có hệ thống cảng biển thông suốt, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá của hai bên. Cùng với EVAFTA, Việt Nam đã và đang đàm phán, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điều đó có nghĩa các doanh nghiệp Bỉ vào làm ăn ở Việt Nam là vào một thị trường gần như toàn cầu.
Diệu Vi