1. Khung lý thuyết cơ bản về quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp
Theo Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) trong “Khung tiêu chuẩn về đảm bảm an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu”, dựa vào bốn nhân tố chính xây dựng nên khung tiêu chuẩn WCO: (1) Khung tiêu chuẩn hài hoà hoá những yêu cầu thông tin trước về hàng hoá vào, ra, chuyển tải; (2) Mỗi nước tham gia Khung tiêu chuẩn cam kết thực hiện cách thức tiếp cận quản lý rủi ro nhằm chỉ ra những yếu tố đe doạ đến an ninh; (3) Khung tiêu chuẩn yêu cầu theo đề nghị hợp lý của nước nhận hàng, cơ quan hải quan nước gửi hàng sẽ tiến hành kiểm tra hàng hoá xuất khẩu có độ rủi ro cao dựa trên phương thức đánh giá rủi ro. Tốt nhất là sử dụng những thiết bị kiểm tra từ bên ngoài như máy soi tia X cỡ lớn và các thiết bị phát hiện phóng xạ; (4) Khung tiêu chuẩn chỉ ra những ưu đãi hải quan dành cho các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của an ninh dây chuyền cung ứng và thực hiện tốt. Quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp là một trong hai trụ cột của Khung tiêu chuẩn này (trụ cột còn lại là mạng lưới hải quan – hải quan). Mỗi cơ quan hải quan sẽ thành lập mối quan hệ đối tác với khu vực tư nhân – cụ thể là với các doanh nghiệp nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của đối tượng này trong việc đảm bảo an ninh và thiết lập một hệ thống quốc tế để đảm bảo an toàn trong dây chuyền cung ứng thương mại quốc tế. Bản thân doanh nghiệp cần nhận thức được các lợi ích hữu hình từ mối quan hệ đối tác như hàng hóa được xử lý nhanh chóng và các hình thức khác. Theo nhận định của Tổ chức WCO thì mối quan hệ giữa hải quan và doanh nghiệp kiến tạo thêm một lớp bảo vệ cho thương mại quốc tế. Đồng thời khi cơ quan hải quan có thể tin cậy vào các đối tác trong cộng đồng thương mại để đánh giá và giải quyết các nguy cơ đối với dây chuyền cung ứng, thông qua đó các rủi ro liên quan vấn đề quản lý nhà nước về hải quan mà cơ quan hải quan đối mặt sẽ giảm. Chính bản thân doanh nghiệp cũng thể hiện sự sẵn sàng để tăng cường an ninh cho dây chuyền cung ứng thương mại sẽ được hưởng lợi. Từ việc giảm thiểu các nguy cơ này sẽ giúp cơ quan hải quan vừa thực hiện chức năng đảm bảo an ninh vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp. Các hệ thống trụ cột hải quan – doanh nghiệp của Khung tiêu chuẩn phải được dựa trên chất lượng của thủ tục hải quan có sử dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho các thủ tục nói chung liên quan đến thương mại qua biên giới và tạo ra các lợi ích hướng đến các chủ thể như nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, người khai thuê, giao vận, vận tải và các nhà cung cấp dịch vụ khác có đủ tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn của trụ cột hải quan – doanh nghiệp được đưa ra gồm 6 tiêu chuẩn: quan hệ đối tác; an ninh; cấp phép; công nghệ; trao đổi thông tin; và tạo thuận lợi.1
Hiệu quả quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp được đánh giá trọng tâm dựa trên mức độ hài lòng của doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ. Sự hài lòng của doanh nghiệp chính là sự hài lòng của khách hàng và đây là tiêu chí cơ bản của Quản lý chất lượng toàn diện (TQM), theo quan điểm của nhà kinh tế học Cohen và Emicke (1994) trong định nghĩa về TQM. Đối với quản lý hải quan, để tạo sự hài lòng của doanh nghiệp theo định hướng ngành hải quan là phải chuyển từ “người quản lý và thu thuế” sang “người tạo thuận lợi cho thương mại” đồng thời phải xem khách hàng từ chỗ “đối tượng quản lý của hải quan” sang “đối tượng hợp tác của hải quan”2. Do đó, mức độ hài lòng của doanh nghiệp là tiêu chí quan trọng trong đánh giá kết quả hoạt động quản lý hải quan.
Việc xác định nhu cầu của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hải quan rất quan trọng trong thực thi quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp yêu cầu quy trình thủ tục hải quan phải hài hòa chính sách với thông lệ quốc tế, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi thương mại. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan hải quan thông quan nhanh chóng, tự động hóa nhiều khâu trong quy trình thủ tục hải quan; cải cách để sẵn sàng và phù hợp với biến đổi của thực tiễn hoạt động thương mại; chi phí thấp khi làm thủ tục; được hỗ trợ, tư vấn trong quá trình làm thủ tục; và đòi hỏi tính liêm chính của hải quan. Để xác định các tiêu chuẩn chất lượng, cơ quan hải quan thực hiện việc chuyển hóa các nhu cầu của doanh nghiệp thành các tiêu chuẩn chất lượng mang tính đo lường, định lượng được (nếu có thể) và dễ hiểu, dễ thực thi.
2. Kiểm định thang đo và kết quả nghiên cứu chứng thực từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo
Bài viết sử dụng phương pháp kiểm định thang đo các yếu tố tạo nên quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp với phân tích độ tin cậy Cronbach alpha. Thang đo được thiết kế dựa trên một nghiên cứu định tính với kỹ thuật thảo luận nhóm với các cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quản lý hải quan tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ. Thang đo trong nghiên cứu này trước hết được hình thành dựa trên các lý thuyết quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp và được điều chỉnh, bổ sung thêm các yếu tố đặc thù gắn liền với thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Kết quả nghiên cứu ở phần này tiếp tục được kiểm tra và điều chỉnh bằng nghiên cứu định lượng sơ bộ với mẫu có kích thước 231 đại diện doanh nghiệp đã và đang có giao dịch tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Với kiểm định này, các biến quan sát có hệ số tương quan giữa biến và tổng thể (item-total correlation) thấp hơn 0,3 sẽ bị loại. Nguyên tắc này sẽ được áp dụng để sàng lọc biến quan sát cho đến khi đạt được bộ biến quan sát phù hợp làm thang đo cho từng nhân tố, thỏa mãn tiêu chuẩn Cronbach alpha cao hơn mức tham chiếu 0,6. Kết quả sau khi dữ liệu được xử lý như sau:
+ Hệ số Cronbach’s Alpha: 0,724
+ Hệ số Cronbach’s Alpha chuẩn hóa: 0,766
+ Số quan sát: 6
Thang đo cho nhân tố này gồm 6 biến quan sát với hệ số Cronchbach’s alpha đạt 0,724, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Về ý nghĩa thực tiễn, thang đo này đã bao quát các tiêu chuẩn từ tính minh bạch, tính cập nhật, tính hỗ trợ kịp thời, tính trách nhiệm, sự lắng nghe – hợp tác của đội ngũ cán bộ hải quan đối với doanh nghiệp.
Bảng 1: Thang đo nhân tố quan hệ hải quan - doanh nghiệp
Mã biến quan sát
|
Thang đo
|
Hệ số tương quan biến - tổng
|
Cronbach's Alpha nếu bỏ quan sát
|
c76
|
Pháp luật và thông tin về thủ tục hải quan thường xuyên được tuyên truyền công khai, minh bạch
|
0,637
|
0,648
|
c78
|
Pháp luật và thông tin về thủ tục hải quan được cung cấp kịp thời
|
0,656
|
0,646
|
c81
|
Tổ tư vấn Hải quan - Doanh nghiệp tại cửa khẩu giúp doanh nghiệp giải quyết công việc nhanh chóng thuận lợi
|
0,375
|
0,715
|
c82
|
Tổ tư vấn Hải quan - Doanh nghiệp tại cửa khẩu làm việc có trách nhiệm
|
0,317
|
0,75
|
c83
|
Cán bộ hải quan đã đồng hành cùng doanh nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh hàng ngày ngay mỗi lần thực hiện thủ tục hải quan đối với mỗi lô hàng
|
0,587
|
0,654
|
c84
|
Các ý kiến, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được lắng nghe, ghi nhận trong các hội nghị đối thoại gặp mặt giữa hải quan và doanh nghiệp
|
0,387
|
0,708
|
Bảng 2: Thang đo nhân tố quan hệ hải quan - doanh nghiệp
STT
|
Nội dung đánh giá
|
Trung bình
|
Sai số chuẩn
|
Kết luận
|
1
|
Tổ tư vấn Hải quan - Doanh nghiệp tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo giúp doanh nghiệp giải quyết công việc nhanh chóng và thuận lợi
|
1,87
|
1,058
|
Đồng ý
|
2
|
Tổ giải quyết vướng mắc và đường dây nóng tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo làm việc có trách nhiệm
|
2,07
|
1,238
|
Đồng ý
|
3
|
Cán bộ hải quan đã đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc phát sinh hàng ngày ngay mỗi lần thực hiện thủ tục hải quan đối với mỗi lô hàng
|
2,23
|
0,813
|
Đồng ý
|
4
|
Các ý kiến, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được lắng nghe, ghi nhận trong các cuộc hội nghị đối thoại, gặp mặt giữa hải quan và doanh nghiệp
|
3,08
|
0,969
|
Trung lập
|
5
|
Các ý kiến, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được giải quyêt sau các cuộc hội nghị đối thoại, gặp mặt giữa hải quan và doanh nghiệp
|
2,88
|
1,045
|
Trung lập
|
6
|
Doanh nghiệp cảm nhận mình là đối tượng quản lý của hải quan
|
2,96
|
0,961
|
Trung lập
|
7
|
Doanh nghiệp cảm nhận mình là đối tượng hợp tác của hải quan
|
2,24
|
0,711
|
Đồng ý
|
Công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã ghi nhận đạt được những kết quả tích cực, phản ánh qua con số 76% doanh nghiệp đã cảm nhận mình đang là đối tượng hợp tác của hải quan chứ không chỉ là đối tượng quản lý. Điểm trung bình toàn mẫu là 2,24 (0,711) cũng là minh chứng giúp khẳng định điều này.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, sau thời gian tham gia thực hiện giao dịch thường xuyên với Hải quan Lao Bảo, họ đã nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ cơ quan này. Cán bộ hải quan đã đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc phát sinh hàng ngày ngay mỗi lần thực hiện thủ tục hải quan đối với mỗi lô hàng (điểm trung bình chung toàn mẫu đạt 2,23). Sự hỗ trợ rõ rệt nhất và hiệu quả nhất đến từ Tổ tư vấn hải quan - doanh nghiệp qua kênh tư vấn trực tiếp và qua đường dây nóng (điểm trung bình chung toàn mẫu đạt 1,87). 91% doanh nghiệp khẳng định tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp này.
Hình 1: Kết quả khảo sát đánh giá của doanh nghiệp về Tổ tư vấn hải quan - doanh nghiệp làm việc có trách nhiệm
Hình 2: Kết quả khảo sát đánh giá của doanh nghiệp về Tổ tư vấn
hải quan - doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giải quyết công việc
nhanh chóng, thuận lợi
Những kết quả trên cho thấy đang có sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ hải quan – doanh nghiệp tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chuyển dần từ quan hệ quản lý sang quan hệ đối tác, đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ trong cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương chưa duy trì hoạt động tương tác thường xuyên và cộng tác, hợp tác với cơ quan hải quan. Mặt khác, về phía hải quan, công tác phát triển quan hệ đối tác tuy đã được chú trọng, hỗ trợ doanh nghiệp cơ bản tích cực nhưng một số hoạt động như tổ chức đối thoại doanh nghiệp vẫn chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng. Chính những doanh nghiệp có tần suất giao dịch cao nhất với Hải quan Lao Bảo lại có tỷ lệ đồng ý với mối quan hệ hợp tác hải quan – doanh nghiệp này (37,5% đồng ý). Với nhóm 126 doanh nghiệp có tần suất giao dịch trung bình 1 lần 1 tuần thì tỷ lệ này đạt 79,37%, vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 81,82% đối với nhóm giao dịch 1 lần 1 tháng và so với tỷ lệ 88,89% đối với nhóm giao dịch 1 lần 1 quý.
Bảng 3: Thống kê doanh nghiệp cảm nhận mình là
đối tượng hợp tác hải quan
STT
|
Tần suất giao dịch
|
Đồng ý
|
Tổng số doanh nghiệp
|
Tỷ lệ đồng ý
|
Trung bình
|
Kết luận
|
1
|
Hàng ngày
|
6
|
16
|
37,50%
|
2,87
|
Trung lập
|
2
|
1 lần 1 tuần
|
100
|
126
|
79,37%
|
2,19
|
Đồng ý
|
3
|
1 lần 1 tháng
|
18
|
22
|
81,82%
|
2,09
|
Đồng ý
|
4
|
1 lần 1 quý
|
16
|
18
|
88,89%
|
2,11
|
Đồng ý
|
5
|
1 lần 1 năm
|
12
|
18
|
66,67%
|
2,33
|
Đồng ý
|
6
|
Trung bình toàn mẫu
|
|
|
|
2,24
|
Đồng ý
|
Khảo sát về sự lắng nghe, ghi nhận ý kiến doanh nghiệp chỉ đạt điểm trung bình 3,08 (trung lập). Tương tự, khảo sát về sự giải quyết ý kiến của doanh nghiệp chỉ đạt điểm trung bình 2,88 (trung lập). Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận hiện tượng khách quan là các doanh nghiệp cũng chưa phát huy tích cực trách nhiệm cũng là quyền lợi là tham gia đóng góp ý kiến giúp cho cơ quan hải quan xây dựng quy trình thủ tục vừa chuẩn mực vừa phù hợp thực tiễn. Phần lớn ý kiến doanh nghiệp đi vào các vướng mắc cá biệt, các hiện tượng, sự vụ riêng lẻ hơn là vấn đề có tính hệ thống và phạm vi ảnh hưởng rộng.
3. Giải pháp tăng cường quan hệ dối tác Hải quan – Doanh nghiệp
Từ kết quả kiểm định và một số bất cập hiện tại về quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ này.
Thứ nhất, phát huy vai trò doanh nghiệp: Thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ và phát huy vai trò doanh nghiệp trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của doanh nghiệp thông qua việc Nhà nước phải coi doanh nghiệp vừa là đối tượng thụ hưởng chính sách, vừa là khách hàng của cơ quan quản lý nhà nước và hoạch định chính sách. Các phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp về cải tiến, hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách và thủ tục hành chính trong đó có lĩnh vực hải quan phải được xử lý kịp thời. Nhà nước còn phải cam kết chi trả bồi thường các thiệt hại cho doanh nghiệp vì các lý do “rủi ro chính sách”.3
Thứ hai, thay đổi nhận thức và quan điểm: Doanh nghiệp là chủ thể chính trong các nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh, Nhà nước chỉ đóng vai trò thúc đẩy, hỗ trợ. Do đó, cơ quan hải quan thực hiện quản lý nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng, khuyến khích doanh nghiệp phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đề ra: “Nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp theo các nội dung chủ yếu sau: xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện xã hội đối với các chính sách, văn bản pháp luật, quy trình thủ tục hải quan; xây dựng cơ chế thu thập thông tin phản hồi, đánh giá của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc thực thi pháp luật hải quan; từng bước áp dụng các chuẩn mực, khuyến nghị quốc tế trong phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp”.4
Thứ ba, tổ chức tập huấn tập trung về thủ tục cho nhân viên trực tiếp đảm nhiệm thủ tục hải quan tại doanh nghiệp. Giải pháp này xuất phát từ thực tiễn năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp còn ở mức thấp và sự thiếu chủ động trong việc trang bị và xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Mục tiêu của giải pháp này là giúp doanh nghiệp giảm sự bị động và sự phụ thuộc vào sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ hải quan, từ đó, làm giảm các vấn đề khác phát sinh. Giải pháp này cũng thể hiện tinh thần tương hỗ của hải quan đối với cộng đồng doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là đối tượng hợp tác của hải quan.
Thứ tư, mặc dù không có sự khác nhau lớn giữa nhận xét của doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh, nhưng các kiểm định so sánh ý kiến giữa hai nhóm này đều thống nhất khẳng định có tồn tại sự khác biệt. Nhóm doanh nghiệp trong tỉnh có mức độ hài lòng cao hơn. Kết quả này chưa thể khẳng định có hay không sự ưu tiên hơn đối với doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, có thể khẳng định là chính sách thu hút và khuyến khích doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu tại tỉnh của địa phương chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
Thứ năm, để đạt được mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Hải quan – Doanh nghiệp, Hải quan cần lưu ý không chỉ phát huy vai trò hỗ trợ mà cần phát huy cả vai trò lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu và giải trình ý kiến từ khu vực doanh nghiệp. (Đối chiếu khảo sát về sự lắng nghe, ghi nhận ý kiến doanh nghiệp tại Cửa khẩu Lao Bảo chỉ đạt điểm trung bình 3,08 (trung lập). Tương tự, khảo sát về sự giải quyết ý kiến của doanh nghiệp chỉ đạt điểm trung bình 2,88 (trung lập).
Thứ sáu, cơ quan Hải quan thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua đó củng cố thêm niềm tin, phát huy vai trò chủ động đối với doanh nghiệp, công dân vào tính công minh, liêm chính, tuân thủ pháp luật nhà nước của cơ quan hải quan.
Thái Thị Hồng Minh
Tài liệu tham khảo:
1. Tổ chức Hải quan thế giới: Khung tiêu chuẩn về đảm bảm an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu, 2005.
2. Cohen, Steven and Eimicke William, Project-Oriented Total Quality Management in the NYC Department of Parks and Management, Public Administration Review.