|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long trong chuyến thăm chính thức Singapore tháng 2/2023. |
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng nước Cộng hoà Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 – 29/8.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng nước Cộng hoà Singapore Lý Hiển Long diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, là điểm nhấn quan trọng, ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore.
Ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (1/1973), Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào ngày 1/8/1973. Singapore là một trong những nước ASEAN đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược cách đây 10 năm (9/2013).
Trải qua nửa thế kỷ và nhất là sau khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam-Singapore ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thực chất. Hai nước hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư tới ngoại giao, an ninh, quốc phòng...
Hợp tác chính trị giữa hai nước được triển khai hiệu quả với tần suất trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tiếp xúc song phương gia tăng, đặc biệt chuyến thăm Singapore (tháng 2/2023) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thành công tốt đẹp với nhiều kết quả cụ thể, thiết thực.
Hợp tác giữa hai Quốc hội thời gian qua cũng được đẩy mạnh. Chủ tịch Quốc hội hai bên đã tổ chức Hội đàm trực tuyến (ngày 14/7/2021) thảo luận thực chất về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp. Chủ tịch Quốc hội Singapore đã đến Việt Nam dự SEAGAMES 31 (từ ngày 12-18/5/2022) và thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 18-20/5/2022). Hai bên đã ký MOU hợp tác giữa hai Quốc hội nhân dịp này.
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Singapore tiếp tục phát triển. Ngay khi cơ bản kiểm soát được đại dịch COVID-19, từ tháng 3/2022, Việt Nam và Singapore đã sớm dỡ bỏ các hạn chế đi lại với nhau, nối lại đường bay thương mại. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ USD năm 2021 và 9,15 tỷ USD năm 2022 (tăng 11,6% so với năm 2021), trong đó ta xuất khẩu 4,3 tỷ USD và nhập khẩu 4,8 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022 (trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu 2,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỷ USD, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 22,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 12,1 triệu USD/dự án. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với 163 dự án cấp mới, 72 lượt điều chỉnh và 164 lượt góp vốn mua cổ phẩn với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành). Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với 775 dự án và 28,6 tỷ USD (khoảng 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký), thứ 2 là kinh doanh bất động sản với 214 dự án, vốn đăng ký hơn 19,1 tỷ USD (26%), thứ 3 là sản xuất, phân phối điện, khí, điều hòa với 47 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11,8 tỷ USD (16%). Nếu theo địa bàn thì SGP đã đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh (19,3%), Hà Nội đứng thứ 2 (10,8%), thứ 3 là Bắc Ninh (7,6%), tiếp đó là Bình Dương (thủ phủ của VSIP), Long An, Quảng Nam.
Một số dự án tiêu biểu là: (i) dự án lớn nhất của Singapore tại Việt Nam là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (vốn đăng ký 4 tỷ USD); (ii) dự án công ty TNHH phát triển Nam Hội An, vốn đăng ký 4 tỷ USD; (iii) dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, tổng đầu tư 3,1 tỷ USD.
Các Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước. Từ khu VSIP đầu tiên tại Bình Dương được khởi động tháng 1 năm 1996, đến nay đã có 14 VSIP hiện diện tại 10 tỉnh, thành của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000 Ha, gồm VSIP Bình Dương 1, 2, 3; VSIP Cần Thơ; VSIP Quảng Ngãi; VSIP Bình Định; VSIP Quảng Trị; VSIP Nghệ An; VSIP Bắc Ninh 1, 2; VSIP Hải Dương; VSIP Hải Phòng; VSIP Lạng Sơn. Các VSIP đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 690 triệu USD (đứng thứ 10/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam), tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ; thông tin truyền thông; bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Hợp tác chuyên ngành: Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Về quốc phòng - an ninh, hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế đối thoại và hợp tác thường niên hiện có; năm 2022 đã ký Hiệp định giữa Chính phủ 02 nước về hợp tác quốc phòng song phương. Về giao thông vận tải, Singapore là một trong những thị trường hàng không có tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam với dung lượng hành khách đến Việt Nam đứng thứ 6 (theo số liệu năm 2019). Hiện nay các hãng hàng không Việt Nam -Singapore đã cơ bản khôi phục chuyến bay thương mại thường lệ chở khách giữa hai nước. Tháng 11/2022, kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban hợp tác Du lịch hai nước được tổ chức tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 154.955 lượt khách Singapore (tăng 7,39% so với cùng kỳ năm 2019); trong 5 đầu năm 2023, Singapore đón 178.460 lượt khách Việt Nam (đã phục hồi được 84% so với cùng kỳ 2019). Singapore là thị trường khách quan trọng trong khu vực, luôn nằm trong nhóm 15 thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác trên các lĩnh vực khác như tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo, tài nguyên-môi trường, pháp luật-tư pháp giữa hai nước tiếp tục được tăng cường.
Hợp tác phòng chống dịch COVID-19: Hai bên phối hợp chặt chẽ trong hợp tác phòng chống dịch COVID-19. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Singapore là một trong những nước ASEAN đầu tiên hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam. Tháng 9/2021, Singapore đã tặng Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế quan trọng, trị giá gần 5 triệu USD. Tháng 3/2022, Chính phủ Singapore viện trợ 122.400 liều vắc-xin cho Việt Nam. Quốc hội Việt Nam hỗ trợ Bạn 30.000 khẩu trang (13/5/2020); Tập đoàn Vingroup tặng Chính phủ Singapore 200 máy thở sản xuất tại Việt Nam theo bản quyền của Medtronic (Mỹ).
Cộng đồng người Việt tại Singapore hiện có khoảng 15.000 người, gồm 4 thành phần chính: học sinh, sinh viên (chiếm chủ yếu), nghiên cứu sinh, trí thức, cô dâu Việt và lao động. Nhìn chung người Việt tại Singapore là cộng đồng trí thức, tuân thủ tốt luật lệ sở tại, hướng về quê hương đất nước, chỉ có một bộ phận nhỏ sang lao động theo thị thực du lịch không hợp đồng nên gặp một số vấn đề pháp lý.
Nằm trong mạch trao đổi chuyến thăm cấp cao sôi động giữa Việt Nam và Singapore trong thời gian qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long tiếp tục củng cố, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước vì hòa bình, ổn định chung trong khu vực và thế giới.