Quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện và ý nghĩa, tầm quan trọng của hiệp ước hữu nghị Việt Nam – Lào  

Sau năm 1975, quan hệ giữa 2 nước Việt Nam – Lào bước sang một trang hoàn toàn mới, chuyển từ liên minh chiến đấu sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Đi vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam và Lào đều phải ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, ổn định xây dựng đất nước, từng bước mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện trong giai đoạn khảo nghiệm, mở đường đổi mới (1976-1986).

 

Hội đàm giữa Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn dẫn đầu và Trung ương Đảng Nhân dân Lào do Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng Nhân dân Lào Cayxỏn Phômvihản, Hà Nội năm 1967.

Ngày 30/4/1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyêt về tăng cường giúp đỡ và hợp tác với Lào trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định: việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Để đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào ngày 18-7-1977, sự kiện này khẳng định quyết tâm của lãnh đạo, Nhân dân hai nước tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước. Thành quả mười năm hợp tác toàn diện quan hệ Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam (1976 -1986) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quan hệ Việt Nam - Lào về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước dần thay đổi. Từ viện trợ không hoàn lại và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay. Bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi. Với những thành tựu to lớn đạt được, thế và lực của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày càng được củng cố vững chắc. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc để quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào không ngừng được củng cố và tăng cường trong giai đoạn đổi mới tiếp theo.

Trước những khó khăn gay gắt của khủng hoảng kinh tế - xã hội ở cả Việt Nam và Lào cuối thập kỷ 70 và thập kỷ 80 thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã nhìn thẳng vào sự thật, nhận ra những sai lầm chủ quan duy ý chí, nóng vội muốn đi nhanh lên CNXH theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) và Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (11-1986), hai Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện ở cả hai nước, trước hết là đổi mới kinh tế.

Từ khi hai nước tiến hành đổi mới vào năm 1986 đến nay, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được củng cố, tăng cường và đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo thế mạnh cho cả hai nước trong sự nghiệp đổi mới cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kết quả tốt đẹp mà hai nước đạt được trong quá trình thực hiện Hiệp ước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa – xã hội, khoa học kỹ thuật là động lực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào không ngừng phát triển.

Cụ thể, quan hệ chính trị Việt Nam - Lào ngày càng gắn bó, tin cậy, phát triển và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực; có sự đồng thuận cao trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước và việc giữ vững hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Đặc biệt, các cơ chế hợp tác như cuộc hội đàm thường niên giữa hai Bộ Chính trị, Ủy ban liên Chính phủ (sau khi kiện toàn thêm một bước) tiếp tục phát huy hiệu quả cao.

Hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao trong năm đầu nhiệm kỳ và hoạt động trao đổi đoàn các cấp; các chuyến thăm của các đồng chí Bộ Chính trị hai bên đã góp phần đưa quan hệ hai Đảng, hai nước lên một tầm cao mới. Phối hợp tốt trong hợp tác về quốc phòng-an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào ổn định và phát triển toàn diện; đấu tranh hiệu quả chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý...Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã hoàn thành; Hiệp định và Nghị định thư liên quan đã được ký kết ngày 16/3/2016. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường quản lý đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào, góp phần xây dựng cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc hợp tác và phối hợp giữa hai bên trong vấn đề bảo vệ và quản lý biên giới lãnh thổ.

Đầu tư Việt Nam vào Lào tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương Lào. Thương mại giữa hai nước được chú trọng, các hoạt động xúc tiến được đẩy mạnh; Hiệp định Thương mại song phương mới và Hiệp định Thương mại biên giới được hai bên tích cực phối hợp triển khai. Các cơ chế ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được hai bên tiếp tục thực hiện; Danh mục các mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0% ngày càng mở rộng.

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực cho Lào ngày càng được tăng cường về số lượng, cải thiện về chất lượng với các phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Lào; các cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam được quan tâm đầu tư nâng cấp. Quan hệ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là các địa phương có chung đường biên giới, tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Cùng với sự hợp tác trong khuôn khổ song phương, tình đoàn kết anh em giữa Việt Nam và Lào còn được thể hiện rõ nét tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như LHQ, Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Tổ chức hợp tác kinh tế chiến lược ba dòng sông (ACMECS), Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.

Có thể thấy, quan hệ giữa hai nước đang ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức hợp tác phong phú, đa dạng trên các kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữa các ngành và các địa phương; cả hợp tác song phương và đa phương. Với những thành tựu đạt được, quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào sẽ không ngừng được củng cố, phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước. Đặc biệt, 2017 là năm đánh dấu 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2017) và 40 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào sẽ càng được phát triển, đẩy mạnh, phát huy tình đoàn kết giữa hai dân tộc và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác.         

 - Ý nghĩa, tầm quan trọng của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào (được ký ngày 18-7-1977).

Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên CNXH, quan hệ hai nước chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Ngày 18-7-1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai nước thúc đẩy ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này. Trong quá trình hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sau chiến tranh, Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Lào bảo đảm an ninh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quan hệ hợp tác đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, hai nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới. Việc hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác là mở ra mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước và càng khẳng định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt liên minh đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc không chỉ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau chiến tranh.

Việc ký kết Hiệp ước còn có ý nghĩa quốc tế trong sáng giữa hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội và phát huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực. Trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, hai nước đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu tập trung mọi nỗ lực nhằm nâng quan hệ hữu nghị truyền thống tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt - Lào lên tầm cao mới, với phương châm thực chất, chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế./ Từ Quang Hóa

11277 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1094
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1094
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87150619