Quan hệ đa lĩnh vực là then chốt cho tương lai thịnh vượng của Việt Nam, Canada 

(Chinhphu.vn) - Đây là nhận định của học giả Elizabeth McIninch, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam trong bài viết mới đây đăng tải trên tạp chí Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp thăm Canada và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Dưới đây là nội dung bài viết.

Khi Canada chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 thì mọi con mắt đang đổ dồn về thành phố xinh đẹp Charlevoix thuộc tỉnh Quebec, nơi lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển sẽ có mặt dự họp từ ngày 8-9/6 tới đây. Canada, với vai trò là nước Chủ tịch G7 năm 2018, đã mời Việt Nam lần đầu tiên tham gia hội nghị này và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự hội nghị. Lời mời là sự khẳng định với vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trên trường quốc tế và minh chứng cho sự trân trọng của Canada trong thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam, nhất là trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ song phương vào năm nay.

Cách đây 30 năm, Việt Nam từng là nước nghèo nhất thế giới do sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Ngày nay, Việt Nam là một ngôi sao đang lên của khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hết sức ấn tượng. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam Quý 1/2018, có thể tự hỏi rằng: “Đã bao lâu các nước G7 không đạt được tốc độ tăng trưởng 7,38% như Việt Nam?”

Nền kinh tế tự do và quyết tâm hội nhập toàn cầu đã đưa Việt Nam trỗi dậy trên lĩnh vực chế tạo, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc ở mức 13% vào Quý 4/2017. Lĩnh vực sản xuất điện tử và xuất khẩu đang tăng trưởng như vũ bão. Các nhà máy sản xuất của Samsung đặt tại Việt Nam chiếm 20% xuất khẩu nội địa. Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị công nghệ của thế giới. Chỉ tính riêng Canada, nhập khẩu máy móc và thiết bị điện tử từ Việt Nam đã tăng 1.500% trong 5 năm qua.

Với dân số 95 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, trong đó 60% dân số ở độ tuổi lao động và 70% dân số ở độ tuổi dưới 30. Ước tính, Việt Nam sẽ có thị trường tiêu thụ khoảng 35 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2020. Mục tiêu dài hạn hơn của Việt Nam là sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp, chăm chỉ, hiểu biết công nghệ và thân thiện. Năm 2017, mạng 4G phủ kín Việt Nam đã tạo nền tảng cho công nghệ kết nối vạn vật (internet of things), xử lý dữ liệu lớn (big data and analytics), công nghệ tài chính và các lĩnh vực khác. Tốc độ 4G của Việt Nam tốt hơn nhiều so với của Mỹ và nhanh hơn phần còn lại của châu Á và một số khu vực ở Singapore.

Một khía cạnh nổi bật khác trong lịch sử 45 năm quan hệ song phương chính là số lượng đông đảo thanh niên Việt kiều đang sống tại Canada, những người này đang trở về quê hương Việt Nam với lối nghĩ hoàn toàn khác biệt so với cha mẹ họ, những người đến Canada theo hình thức di cư hoặc tị nạn. Với tố chất năng động, thông minh và tiến bộ, những công dân toàn cầu này sẽ mang tinh thần đổi mới và cải tiến đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại quê nhà Việt Nam.

Đối với Canada, Việt Nam là nước thực sự đáng quan tâm. Việt Nam là đối tác phát triển nhanh nhất ở Đông Á của Canada với kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 6 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo tăng khoảng 20% trong các năm tới. Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam với 149 dự án, giá trị hơn 5 tỷ USD. Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 5 toàn cầu về nguồn cung du học sinh quốc tế cho Canada, với khoảng 14 nghìn học sinh Việt Nam học tập tại Canada trong năm 2017.

Các sản phẩm công nghệ cao của Canada như máy móc, sản phẩm sinh học và hóa chất luôn có nhu cầu cao tại Việt Nam. Canada là nước tiên phong trong công nghệ sạch, công nghệ nông nghiệp, chế biến thực phẩm và dược phẩm. Đồng thời, Canada cũng có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực vận tải công suất lớn và xây dựng hạ tầng đường xá, công nghệ tiên tiến và hệ thống giám sát thông minh, quy hoạch thành phố thông minh, năng lượng tái tạo như mặt trời, gió và biến rác thải thành năng lượng.

Rất nhiều khách hàng Việt Nam đã thưởng thức tôm hùm, cua và ốc vòi voi của Canada. Các sản phẩm nông nghiệp của Canada chiếm 50% xuất khẩu sang Việt Nam. Ngoài bột mỳ và ngũ cốc, Canada đang có cơ hội lớn xuất khẩu các sản phẩm đậu tương, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm biến đổi gen và các loại hạt có dầu sang Việt Nam.

Triển vọng đầu tư và kinh doanh tại thị trường Việt Nam là rất khả quan. Nhưng các doanh nghiệp Canada vẫn còn khá thờ ơ với Việt Nam và với hầu hết các nước châu Á khác.

Kinh tế Canada dựa chủ yếu vào thương mại nên sự thịnh vượng cũng như an ninh của Canada ràng buộc chặt chẽ với kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, quan hệ thương mại và đầu tư với Mỹ, đối tác thương mại chủ chốt của Canada, tiếp tục xấu đi. Trong bối cảnh đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang vấp phải bế tắc thì các doanh nghiệp Canada cần đa dạng hóa quan hệ và tìm kiếm các đối tác mới. Để thực hiện điều này, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Canada cần thấy rõ con đường phía trước. Con đường mà Chính phủ Canada đã mở lối.

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Trudeau tới Việt Nam nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 đã đặt dấu mốc mới trong 45 năm quan hệ song phương với Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada đã thể hiện quyết tâm nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới, tăng cường hữu nghị và hợp tác ở nhiều cấp độ. Đối với Canada, đa dạng thương mại là mục tiêu chính của quốc gia. Đối với Việt Nam, chuyến thăm của Thủ tướng Canada là bước đi quan trọng để thiết lập quan hệ hệ toàn diện với Canada, mở đường cho việc tiếp cận với các nước công nghiệp phát triển khác.

Tương tự như vậy, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cả Việt Nam và Canada đều là thành viên của hiệp định này từ tháng 3/2018, đã tái lập quan hệ thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo chiều hướng tích cực, nhất là trong tình cảnh thị trường quốc tế đối mặt với nhiều thách thức. Đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp Canada, CPTPP tạo ra sân chơi thương mại minh bạch, dễ dự báo hơn và xây dựng tiêu chuẩn cao để bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Canada là nhà cung cấp khổng lồ các sản phẩm nông nghiệp, do đó việc tiếp cận với các thị trường phi thuế quan là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, CPTPP còn tạo cơ sở để mở rộng kênh hợp tác và liên kết giữa Việt Nam và Canada.

Rõ ràng Chính phủ Canada và Việt Nam đang sẵn sàng làm cầu nối, vì vậy tương lai quan hệ song phương sẽ phụ thuộc đồng thời vào sự chăm chỉ, tích cực và nỗ lực của nhân dân cả hai nước. Việc thiết lập quan hệ trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh, nghệ thuật và khoa học, ngoại giao, du lịch, giáo dục quốc tế sẽ là then chốt để xây dựng tương lai thịnh vượng cho cả hai quốc gia.

Hương Thảo (theo bản dịch đăng trên báo Tổ quốc)

375 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1035
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1035
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87089256