Toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ mới, vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng được các quốc gia - dân tộc quan tâm mạnh mẽ hơn. Ở nước ta, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã và đang dành cho an ninh phi truyền thống sự quan tâm mạnh mẽ và thiết thực. Mặc dù, xem xét kỹ cách tiếp cận và các hệ vấn đề đã và đang được quan tâm thì có thể thấy vấn đề an ninh văn hóa còn lộ ra nhiều khoảng trống cần phải được làm rõ và bổ khuyết.
* Về quan điểm:
Một là, phải đảm bảo khoa học, hài hòa, chủ động, tích cực và hiệu quả trong công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa. Không thể quay lại thời kỳ “bế quan tỏa cảng”, nhưng cũng không được phép buông lỏng, mất cảnh giác. Như đã chỉ ra ở trên, cả hai xu hướng cực đoan trong đời sống văn hóa, nhất là trong lãnh đạo và quản lý văn hóa, đều có thể đưa tới những hậu quả khôn lường. Nếu bảo thủ, trì trệ, cực đoan, võ đoán thì sẽ xâm hại quyền và lợi ích văn hóa của cộng đồng và cá nhân bị xâm hại, làm xói mòn và hạn chế việc phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển bền vững. Nhưng nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý thì sẽ dẫn đến sự chệch hướng, hòa tan, mở đường cho tự diễn biến, tự chuyển hóa từ bên trong, thậm chí có thể dẫn đến mất nước về mặt văn hóa.
Hai là, cần xác định dứt khoát công tác đảm bảo an ninh văn hóa là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của nhiều giải pháp, trên nhiều phương diện, từ chính trị, hành chính, kinh tế, giáo dục, khoa học,… nhưng giữ vai trò chủ đạo vẫn phải là các giải pháp văn hóa, của lĩnh vực văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt của dân tộc và là một nguồn nội lực cho sự phát triển, hơn nữa văn hóa lại không tồn tại độc lập, bên ngoài con người và các hoạt động của con người. Văn hóa thẩm thấu vào các phương diện của xã hội và vào tất cả các hoạt động của con người. Cho nên, đảm bảo an ninh văn hóa là trách nhiệm của toàn dân, cần có sự chung tay góp sức của toàn dân, của tất cả các ngành, các cấp. Song, văn hóa lại có đặc thù riêng, cho nên đảm bảo an ninh văn hóa phải xuất phát từ văn hóa và bằng các giải pháp văn hóa, nguồn lực văn hóa là chủ yếu.
Bốn là, phải coi an ninh văn hóa như một hợp phần hữu cơ quan trọng của an ninh quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Vì vậy, đảm bảo an ninh văn hóa cũng là đảm bảo an ninh của quốc gia; mặt trận văn hóa cũng là một mặt trận trọng yếu của công tác an ninh. Bảo đảm an ninh văn hóa là góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là trách nhiệm của toàn dân tộc, của từng công dân và của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong bối cảnh ngày nay thì đảm bảo an ninh văn hóa cũng còn là đảm bảo môi trường phát triển, đảm bảo an ninh cho một loại nguồn lực nội sinh quan trọng và cho một phương thức phát triển bền vững của đất nước.
* Về giải pháp
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ mục đích, phương hướng và nhiệm vụ của sự nghiệp chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam nhằm khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc và khát vọng phát triển để xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu phát triển bền vững, vừa là nguồn sức mạnh nội sinh, văn hóa “phải soi đường cho quốc dân đi” trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp mới (4.0), tức là đảm bảo cho dân tộc Việt Nam không những chủ động hội nhập mà không bị hòa tan, mà còn hội nhập để tỏa sáng trong thế giới hiện đại. Vì vậy, trong công cuộc đảm bảo an ninh văn hóa, cần thiết phải triển khai thành công một số giải pháp chủ đạo sau đây:
Thứ nhất, đảm bảo an ninh văn hóa thông qua phát triển thành công công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo
Trong thời đại ngày nay, thế giới toàn cầu hóa với sự bùng nổ mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, truyền thông công nghệ cao, tính hai mặt của công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Đó vừa là một lĩnh vực kinh tế sôi động, giàu tiềm năng, có thể đưa về nguồn thu nhập khổng lồ, tạo ra nhiều công ăn việc làm, lại ít gây ra ô nhiễm môi trường tự nhiên. Đó lại cũng là nơi hình thành và phát triển những đội quân hùng mạnh để tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, đủ sức xuyên thủng mọi tuyến đường biên giới, mở rộng tầm ảnh hưởng và gia cường đáng kể năng lực cạnh tranh và chi phối của các quốc gia trên thế giới toàn cầu hóa.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam từ năm 2016, nhưng cho đến nay sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn còn đang rất khó khăn, chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế là thị trường văn hóa Việt Nam vẫn đan bị chi phối đáng kể bởi các ngành công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo của nước ngoài. Đây chính là một trong những biểu hiện của tình hình an ninh văn hóa chưa được đảm bảo thật tốt ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu bước đầu, phần lớn các địa phương còn lúng túng khi triển khai, nhất là chưa đặt vấn đề đảm bảo an ninh văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo. Nhiều hiện tượng, sự cố đáng tiếc vẫn tiếp tục xảy ra, như hiện tượng tiếp nhận xô bồ một số sản phẩm văn hóa từ nước ngoài, trong khi đó các cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo Việt Nam thì rất chậm được đổi mới ...
Nếu chúng ta tiếp tục kéo dài tình hình này thì tức là chúng ta đang bỏ ngỏ thị trường văn hóa cho ngoại bang, tiếp tục “thua ngay trên sân nhà” trong cuộc cạnh tranh văn hóa toàn cầu.
Vậy, để phát triển tốt, hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo Việt Nam cần có sự chung tay, góp sức, sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là phải khơi thông những ách tắc về cơ chế; đa dạng hóa và tối đa hóa nguồn lực đầu tư, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, những ngành công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo mà Việt Nam có thế mạnh; đặc biệt tập trung, nâng cao chất lượng vốn hóa các nguồn lực văn hóa để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng vượt trội của các sản phẩm công nghiệp văn hóa, xác lập được chuỗi phân chia lợi nhuận bền vững … Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tạo nên bước phát triển đột phá cho công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trên cơ sở đó cần có những giải pháp để bảo vệ thị trường văn hóa quốc nội. Các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực để kiểm soát những sản phẩm và dịch vụ văn hóa nhập khẩu, xâm nhập vào thị trường văn hóa nước ta, nhất là qua các mạng xã hội, internet. Kiên quyết loại bỏ, trừng phạt thích đáng những tổ chức, cá nhân du nhập và truyền bá những sản phẩm văn hóa phản động, độc hại, chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý. Tiếp theo, rất cần những chương trình đầu tư về tài chính và hỗ trợ về mọi mặt để công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể “đánh chiếm”, làm chủ được thị trường văn hóa quốc nội, từng bước vươn ra thị trường toàn cầu bằng những thế mạnh ưu trội, vốn có, để quảng bá cho đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, để hội nhập và tỏa sáng.
Sự nghiệp đảm bảo an ninh văn hóa nói riêng và đảm bảo an ninh quốc gia nói chung đã và đang là nhiệm vụ của toàn dân, của từng công dân Việt Nam, của tất cả những người Việt Nam yêu nước. Để mỗi người Việt Nam, dù sinh sống và làm việc ở đâu, trên cương vị nào cũng có thể là một “đại sứ văn hóa”, một “chiến sĩ an ninh văn hóa”, thì trước tiên cần phải thể chế hóa, coi đó là một trong những quyền và bổn phận của công dân, của con dân đất Việt. Đồng thời, phải không ngừng bồi bổ ý thức, bồi dưỡng năng lực bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam của các thế hệ người Việt Nam.
Thứ hai, đảm bảo an ninh văn hóa bằng sự lãnh đạo và quản lý văn hóa khoa học và chuyên nghiệp
Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa phải được đổi mới trên cơ sở nhận thức khoa học, đúng đắn về cấu trúc của nền văn hóa dân tộc. Cho đến nay, tư duy văn hóa của chúng ta chủ yếu mới khám phá văn hóa theo chiều phẳng ngang, do đó mới chỉ nhận thấy sự phân biệt giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Và do vậy, công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa mới chủ yếu diễn ra trên bình diện này.
Nhưng nếu chúng ta tiếp cận nền văn hóa theo chiều cấu trúc dọc, chúng ta sẽ thấy một cấu trúc khác của nền văn hóa, có tính chất “tầng bậc”. Trong nhân cách văn hóa của mỗi cá nhân hay mỗi cộng đồng người, đóng vai trò nền tảng, quan trọng nhất là các giá trị và hệ giá trị. Nhưng tự bản thân nó, các giá trị, ví dụ như lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái,... không trực tiếp bộc lộ ra bên ngoài theo bất kỳ một hình thức nhất quán nào, mà trái lại, nó phải được chuyển tải thông qua các tiêu chí, quy phạm đạo đức, thông qua các xu hướng hay lựa chọn lối sống. Đến lượt nó, các lối sống lại phải được bộc lộ thông qua các hoạt động sống hay là các hoạt động văn hóa. Các hoạt động này lại được cấu thành bởi các hành vi, các ứng xử văn hóa.
Trong mô hình cấu trúc như vậy, có thể thấy hệ giá trị, đạo đức và lối sống là ba thành tố có tính nền tảng trong nhân cách văn hóa của cá nhân và cộng đồng, đồng thời là những yếu tố tương đối ổn định nhất. Trong khi đó, đời sống văn hóa và hành vi, ứng xử văn hóa là “phần nổi”, là cái được biểu hiện ra bên ngoài trong các đối thoại văn hóa liên nhân cách và trong tương tác xã hội. Hai thành tố này luôn luôn đa dạng, phong phú và dễ biến đổi nhất. Vì hai nhóm thành tố trên có vai trò, vị trí và đặc điểm khác nhau, cho nên nội dung, mục đích và phương thức lãnh đạo đối với chúng cũng khác nhau. Có nhiều phương thức và mô hình lãnh đạo khác nhau, song tựu trung lại có hai phương thức chính là gây ảnh hưởng và cưỡng chế và sự kết hợp giữa hai phương thức đó.
Lãnh đạo bằng phương thức gây ảnh hưởng là phương thức mà theo đó, nhân tố lãnh đạo sử dụng các biện pháp như tuyên truyền, thuyết phục, nêu gương,… nhằm làm cho nhân tố được lãnh đạo thấu hiểu, tin cậy và tự nguyện làm theo những chỉ bảo, yêu cầu hay khuyến nghị của nhân tố lãnh đạo. Phương thức lãnh đạo này, một khi đã phát huy tác động thì sẽ đưa lại hiệu quả rất to lớn, tích cực và bền vững. Đối với các tầng “hệ giá trị” và “đạo đức” thì chỉ có thể lãnh đạo bằng phương thức này, tuyệt đối không được sử dụng phương thức cưỡng chế.
Trong khi đó, lãnh đạo bằng phương thức cưỡng chế lại là phương thức lãnh đạo được sử dụng phổ biến bởi các chủ thể quản lý. Các thành tố đời sống văn hóa và hành vi, ứng xử văn hóa cần được lãnh đạo chủ yếu theo phương thức cưỡng chế trên cơ sở có hướng dẫn và các giải pháp quản lý khác. Có thể nói đây chính là phạm vi của công tác quản lý văn hóa của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, thành tố “lối sống” lại là đối tượng cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển giữa hai phương thức tác động nói trên.
Sự phân biệt về tính chất và loại hình, nội dung giải pháp và các công cụ lãnh đạo và quản lý văn hóa đối với các thành tố trong cấu trúc văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Đây chính là bí quyết để đảm bảo lãnh đạo và quản lý văn hóa khoa học, chuyên nghiệp và thành công. Việc nhầm lẫn trong việc lựa chọn phương thức lãnh đạo, quản lý để áp dụng cho từng đối tượng sẽ khiến cho công tác lãnh đạo, quản lý không đạt được hiệu quả như mong đợi, thậm chí kém hiệu quả, phản tác dụng. Anh Đào (nguồn Ban TGTW)