Theo V.I. Lênin, lý luận cách mạng là điều kiện tiên quyết để hình thành và thúc đẩy phong trào cách mạng cũng như khẳng định vai trò tiên phong của đảng cách mạng. Người khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”.
Và từ đó, Người cho rằng, lý luận cách mạng duy nhất của giai cấp vô sản và đảng cách mạng tiên phong để lãnh đạo phong trào cách mạng đó là chủ nghĩa Mác. Bởi vì, đây là lý luận chân chính nhất, cách mạng nhất, khoa học nhất. Mặt khác, đây là lý luận duy nhất luôn xuất phát từ thực tiễn, bắt nguồn từ hiện thực, đặc biệt là tìm ra nguyên nhân của cuộc đấu tranh đang diễn ra giữa các giai cấp xã hội và giữa những lợi ích kinh tế. Đồng thời, đó là lý luận đầu tiên biến CNXH từ không tưởng trở thành khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho CNXH khoa học, vạch rõ con đường, cách thức để phát triển và làm phong phú thêm cho khoa học đó.
Để học thuyết cách mạng và khoa học đó trở thành ánh sáng soi đường, dẫn dắt và giác ngộ giai cấp công nhân, để họ hiểu rõ tình cảnh thực sự của mình, tính tất yếu của việc xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột và xây dựng một xã hội tốt đẹp không còn người bóc lột người, thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải tuyên truyền, giáo dục để đưa học thuyết ấy vào trong phong trào công nhân. Bên cạnh đó, cần phải phát huy tính chủ động sáng tạo của quần chúng nhân dân lao động trên cơ sở trình độ giác ngộ cách mạng đã được nâng cao. Cuối cùng, công tác tư tưởng còn có nhiệm vụ xây dựng cho giai cấp công nhân lòng tin tưởng và tình yêu sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng, tinh thần kiên định biết bảo vệ đến cùng những nhiệm vụ cách mạng của mình, ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đạt tới mục tiêu cuối cùng của cuộc đấu tranh. Để làm tốt công tác tư tưởng, đạt hiệu quả cao, trước tiên phải làm tốt công tác lý luận, đề cao vai trò của lý luận, làm cho lý luận cách mạng thực sự có tính khoa học, thể hiện đúng bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác. V.I. Lê-nin nói: "Thái độ coi thường lý luận, thái độ lảng tránh quanh co đối với hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa nhất định làm lợi cho hệ tư tưởng tư sản". Đồng thời, V.I. Lê-nin cũng đã nêu ra một cách cụ thể, sinh động những biện pháp tổ chức để tiến hành công tác tư tưởng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí của từng địa phương, từng dân tộc, phù hợp với những đối tượng khác nhau về lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, v.v.. Một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác tư tưởng là phải gắn việc tuyên truyền lý tưởng với việc đem lại những lợi ích thiết thực trong đời sống thường ngày cho quần chúng nhân dân lao động. Đặc biệt, V.I. Lênin cũng chỉ ra rằng, xây dựng một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân là một trong những điều kiện quan trong nhất và quyết định nhất để hoàn thành cả công tác lý luận lẫn công tác tư tưởng. Bởi vì, không có lý luận cách mạng thì không thể có đảng cách mạng của giai cấp công nhân; ngược lại, nếu không có đảng cách mạng của giai cấp công nhân thì sẽ không có người tổ chức, lãnh đạo biến lý luận thành hiện thực.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận đối vợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quán triệt quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng, lý luận, Đảng ta luôn luôn quan tâm chú trọng đến công tác này, đã có những đường lối, chính sách khẳng định vai trò của công tác tư tưởng, lý luận trong sự nghiệp cách mạng, tạo điều kiện cho công tác này tiến hành một cách có hiệu quả. Xuất phát từ vị trí, vai trò đó, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề công tác tư tưởng, lý luận. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả” đã góp phần nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta. Bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh một lần nữa được khẳng định một cách đúng đắn, có căn cứ lý luận khoa học cũng như căn cứ thực tiễn sinh động. Nhận thức của Đảng ta về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng rõ nét, cụ thể hơn. Nhiều vấn đề phức tạp về lý luận và thực tiễn đã có được lời giải đáp một cách thuyết phục.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, tiến bộ đáng ghi nhận, công tác tư tưởng, lý luận còn có những hạn chế, khuyết điểm. Nhìn chung, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Kết quả nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn dàn trải, tính hệ thống chưa cao, chưa gắn kết chặt chẽ với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị còn hạn chế về chất lượng, trùng lắp về nội dung, chương trình, giáo trình; chậm đổi mới về phương pháp. Đấu tranh tư tưởng, lý luận chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển mạng thông tin toàn cầu. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thậm chí là những cán bộ, đảng viên cao cấp có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống gây mất niềm tin của nhân đối với Đảng. Điều này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận định: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Chính vì vậy,để khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao vị trí, vai trò của công tác tư tưởng, lý luận, nhất là bệnh “lười học lý luận” của cán bộ, đảng viên ngày 09/10/2014 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 37 “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”. Nghị quyết này đã cho thấy, Đảng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, là khẳng định công tác tư tưởng phải đi trước một bước, mở đường trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kỷ niệm lần thứ 145 ngày sinh của V.I.Lênnin vĩ đại, trong tình hình mới, chúng ta vô cùng biết ơn Người về những chỉ dẫn quan trọng mà Người đã để lại cho các đảng cộng sản đang có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng rằng: “Riêng đối với những người lãnh đạo, nhiệm vụ của họ là phải học tập, ngày càng nhiều hơn, tất cả các vấn đề lý luận; phải tự giải thoát ngày càng nhiều hơn, khỏi ảnh hưởng của những câu của thế giới quan cũ, và không bao giờ được quên rằng chủ nghĩa xã hội, từ khi đã trở thành một khoa học, đòi hỏi phải được coi là một khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu”
Lý luận tiên phong không bao giờ chỉ là những điều có sẵn, nó phải thông qua đấu tranh trên mặt trận lý luận và tổng kết thực tiễn mà có. Vì vậy, trong thời gian tới để hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 và tiến tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Đại hội lần thứ XIII của Đảng chúng ta cần phải thấm nhuần sâu sắc những quan điểm của V.I.Lê-nin về công tác tư tưởng, lý luận và vận dụng những quan điểm đó một cách sáng tạo vào thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.
Trần Văn Toàn, Trường Chính Trị Lê Duẩn