1. Quan điểm của Ph.Ăngghen về dân chủ
Một trong những cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen về lý luận là tư tưởng về nguồn gốc nhà nước, bản chất dân chủ, về tiếp cận dân chủ từ góc độ một hình thức nhà nước. Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhiệm vụ của cách mạng vô sản là sau khi dành được chính quyền, phải biết sử dụng có hiệu quả quyền lực nhà nước để xây dựng một thiết chế kinh tế, chính trị - xã hội mới, ở đó nhân dân lao động từng bước trở thành người chủ của xã hội, đó là chủ thể tối cao, duy nhất của mọi quyền lực. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: Giai cấp vô sản sau khi giành được chính quyền cần: “Tạo ra một chế độ dân chủ và nhờ đó mà trực tiếp hay gián tiếp tạo ra quyền lực thống trị chính trị của giai cấp vô sản”.
Theo Ph.Ăngghen, từ dân chủ chủ nô đến dân chủ tư sản và đến dân chủ vô sản (dân chủ XHCN) là những bước tiến của lịch sử. Ph.Ăngghen đã đánh giá một cách khách quan nền dân chủ tư sản, mặc dù là bước tiến bộ so với chế độ chuyên chế phong kiến nhưng dân chủ tư sản còn rất nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Ph.Ăngghen viết: “Tự do chính trị là tự do giả, là chế độ nô lệ tồi nhất; nó chỉ là cái vẻ bề ngoài của tự do, và vì thế, trên thực tế, nó là chế độ nô lệ. Bình đẳng chính trị cũng như vậy, vì thế chế độ dân chủ, giống như bất kỳ mọi hình thức quản lý nào khác, cuối cùng phải tan rã; sự giả dối không thể tồn tại lâu dài, mâu thuẫn che đậy ở trong đó tất yếu sẽ bộc lộ ra; hoặc là chế độ nô lệ thực sự, tức là chế độ chuyên chế không che đậy, hoặc là tự do thực sự và bình đẳng thực sự, tức là chủ nghĩa cộng sản”. Như vậy, Ph.Ăngghen đã vạch trần bản chất giai cấp của dân chủ tư sản, đó là dân chủ đối với thiểu số bóc lột và chuyên chính đối với đa số nhân dân lao động. Đó là nền dân chủ chứa đầy mâu thuẫn. Với những tên gọi, chiêu bài như: “Nhà nước phúc lợi chung”, “nhà nước tự do”, “sản phẩm lao động toàn vẹn”… đã che đậy bản chất bóc lột của giai cấp tư sản, nhằm biện hộ cho giai cấp tư sản, những mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa tính chất xã hội hóa của sản xuất và quan hệ tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn này làm cho các cuộc khủng hoảng về kinh tế xã hội của chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu sắc.
Cách mạng XHCN là bước đi tất yếu để tiến tới một xã hội dân chủ chân chính. Ph.Ăngghen cho rằng, xã hội XHCN - cộng sản chủ nghĩa sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện trong thực tế nguyên tắc: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Theo Ph.Ăngghen, trong giai đoạn thứ nhất của cách mạng XHCN, giai cấp vô sản phải trở thành giai cấp thống trị, phải “giành lấy dân chủ”. Chỉ có giành được chính quyền nhà nước, giai cấp vô sản mới xây dựng và phát huy được nền dân chủ XHCN, mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình là đưa Nhân dân, trước hết là nhân dân lao động trở thành người chủ của xã hội, là chủ thể tối cao và duy nhất của mọi quyền lực, hướng tới mục đích tự do, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân.
Trong xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân, Ph.Ăngghen đặc biệt chú trọng đến vấn đề dân chủ trong đảng. Sau khi Liên đoàn những người cộng sản - chính đảng cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân giải tán, khi nói về cách tổ chức của Liên đoàn, Ph.Ăngghen khẳng định: “Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ với những BCH được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn”. Tinh thần dân chủ của Liên đoàn thể hiện từ cách thành lập, quyền hạn, cách kiểm soát BCH - cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn, đến cách kết nạp hội viên; từ quy định quyền hạn của cơ quan lãnh đạo đến quyền của các thành viên. Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản do chính Ph.Ăngghen soạn thảo quy định: Tất cả hội viên của Liên đoàn đều bình đẳng; cơ quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn từ chi bộ đến Đại hội Liên đoàn do bầu cử lập ra; “Các ủy viên BCH khu bộ và BCH Trung ương được bầu hằng năm, có quyền được bầu lại và có thể bị những người bầu ra mình bãi miễn bất cứ lúc nào”.
Với những quy định về cách tổ chức Liên đoàn những người cộng sản cho thấy cách tổ chức “hoàn toàn dân chủ” mà Ph.Ăngghen nói tới đã được vận dụng vào thực tiễn tổ chức, hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Tư tưởng Ph.Ăngghen về dân chủ đã gợi mở rất có ý nghĩa về dân chủ Đảng và dan chủ trong xã hội ở nước ta hiện nay.
2. Vận dụng quan điểm của Ph.Ăngghen về dân chủ ở Việt Nam hiện nay
Đảng cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Ph.Ăngghen về dân chủ, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền làm chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật đảm bảo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là một hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định Nhân dân là chủ thể của quyền lực. Đảng ta khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân”.
Nhà nước tôn trọng và đảm bảo các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và Pháp luật quy định. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật đảm bảo. Cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là khẳng định quyền lực của nhân dân, là giải quyết mối quan hệ giữa quyền và lợi ích, quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm.Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhờ thực hành và phát huy tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa vì vậy, hơn 37 năm đổi mới đất nước ta thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thể chế thực thi các quyền làm chủ của nhân dân từng bước được xác lập, cụ thể hóa và đi vào cuộc sống như một lẽ đương nhiên. Ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ làm chủ của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều chủ trương, biện pháp phát huy vai trò tích cực, chủ động của Nhân dân đã được thực hiện hiệu quả. Niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước được củng cố và trở thành quan hệ hữu cơ, bền chặt. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và chính trong hoàn cảnh đó dễ nhận thấy tính ưu việt của thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời của chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các ngành, các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội; sự đồng hành, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa những thiệt hại, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội của Nhân dân, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh để hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có bước phát triển quan trọng là cơ sở cho sự bảo đảm dân chủ trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước, đoàn thể và xã hội trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử được mở rộng và phát huy hiệu quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ, phát huy tốt hơn vai trò giám sát và phản biện xã hội. Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội được đẩy mạnh và thực thi hiệu quả hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các giải pháp hữu hiệu trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, công nghệ, môi trường… ngày càng hoàn thiện và đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Chính nhờ thực hành và phát huy tốt dân chủ, nên đất nước ta chưa bao giờ có “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục khẳng định và giữ vững “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”, trước hết cần đảm bảo phát huy dân chủ trong Đảng, đây chính là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Mặt khác, cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát và phản biện, xây dựng Đảng và Nhà nước. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật kỷ cương. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân nhằm góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển vững mạnh, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hải Đăng