Xuất phát từ tầm quan trọng đó, Đảng ta đã ban hành các quy định về đánh giá cán bộ như: Bộ Chính trị ban hành Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm trong đó bài học thứ ba là: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là "then chốt" của công tác xây dựng Đảng, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”.
Trong những năm qua, trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, công tác đánh giá cán bộ trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo tính dân chủ, khách quan, chính xác. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện hằng năm, theo nhiệm kỳ hay trước khi đề bạt, bổ nhiệm.
Trong đánh giá cán bộ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cá nhân người đứng đầu. Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, gắn với vị trí việc làm, mức độ hoàn thành khối lượng công việc, gắn với sản phẩm cụ thể. Kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hằng năm. Nhờ đánh giá đúng nên chất lượng đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được nâng lên.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đã chỉ rõ hiện nay, một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, việc phát hiện và đánh giá cán bộ; chưa đánh giá đúng người tài, người tốt, người tận tâm với công việc; đánh giá cán bộ còn chủ quan, cảm tính, tức thời, thiếu suy xét và theo dõi, chưa căn cứ vào hiệu quả công việc được giao làm thước đo. Có nơi công tác đánh giá cán bộ chưa trở thành nề nếp, còn biểu hiện hình thức, chưa phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.
Để nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ của Đảng trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, đánh giá cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn. Đánh giá cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn hóa từng chức danh chứ không chỉ qua lời nói, hay nhìn vào bằng cấp, học hàm, học vị. Người đánh giá cán bộ phải nắm đường lối, quan điểm, nhiệm vụ chính trị của Đảng. Phải lấy hiệu quả công việc và uy tín trước nhân dân làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ. Phải gắn đánh giá cán bộ với tinh giản, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Thứ hai, đánh giá cán bộ cần phải: khách quan, toàn diện. Để đánh giá cán bộ một cách công tâm, chính xác, khách quan và toàn diện cần phải sử dụng các phương thức khác nhau như thông qua việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, thông qua ý kiến đánh giá của nhân dân, đây chính là kênh thông tin rất quan trọng. Bên cạnh đó, người đánh giá cán bộ phải có thái độ đúng, công tâm, vô tư. Cần khắc phục tình trạng hình thức, chiếu lệ, làm qua loa trong đánh giá cán bộ cán bộ.
Thứ ba, đánh giá cán bộ phải đúng quy trình. Đánh giá cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ là phát huy cao nhất sức mạnh trí tuệ tập thể, cấp ủy có thẩm quyền. Những nhận xét về cán bộ nhất thiết do tập thể có thẩm quyền quyết định sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến cơ quan, tổ chức liên quan. Thực hiện đúng quy trình đánh giá, tuyển chọn theo tiêu chuẩn mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Thứ tư, các cấp ủy, tổ chức đảng cần rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó. Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm minh những sai phạm trong công tác đánh giá cán bộ. Hải Nam