Trước mỗi kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương đều có những hướng dẫn nhằm bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ trong cấp ủy. Nhờ có sự quan tâm tích cực của các cấp ủy Đảng, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy trong những năm qua đã tăng lên, đặc biệt là ở các cấp địa phương1. Chẳng hạn, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 11,4%, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 13,3% và nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 16%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp huyện ủy tương ứng là: 15,0%; 14,3% và 20,1%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy cũng tăng lên, mặc dù không mạnh: Cấp tỉnh: từ 7,85% nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến 10,75% nhiệm kỳ 2020 - 2025; cấp huyện: Từ 12,0% đến 13,2 %; cấp xã: Từ 10,7% đến 13,2%2.
Ngày 29/11/2006, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu bình đẳng nam nữ đã được Đảng ta nêu ra từ Luận cương chính trị năm 1930. Tiếp đó, ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW thể hiện rõ quan điểm về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”. Điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Nghị quyết 11-NQ/TW xác định một số nội dung định hướng quan trọng đối với công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ: Xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương; Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ để chủ động về nhân sự; Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm. Chỉ tiêu phát triển đội ngũ cán bộ nữ đến năm 2020, trong đó tỷ lệ tham gia cấp ủy Đảng đạt từ 25% trở lên. Với việc triển khai tích cực Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngay trong những năm cuối của thập niên thứ nhất thế kỷ 21, một số mục tiêu bình đẳng giới về chính trị, trong đó có chỉ tiêu cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đã được thực hiện bước đầu. Số cán bộ nữ được sắp xếp vào các vị trí lãnh đạo cấp ủy đã tăng lên. Chẳng hạn, theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương3 và Đảng đoàn Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam4 thì cấp Bí thư Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương5 cũng như cấp ủy viên các cấp tỉnh/thành và cơ sở của nhiệm kỳ 2006 - 2010 đều tăng so với nhiệm kỳ trước đó6.
Tiếp theo sau Nghị quyết 11-NQ/TW, Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện các chỉ tiêu về sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy, cụ thể như:
(1) Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư ban hành ngày 18/01/2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW.
(2) Thông báo số 196-TB/TW, ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”.
(3) Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
(4) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
(5) Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(6) Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 28/7/2020 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp và Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ở Chỉ thị này, Ban Bí thư nhấn mạnh việc phải phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước.
(6) Ngày 14/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Tuy nhiên, trong Chỉ thị này, mức độ phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ vẫn giữ nguyên là từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Đồng thời, quy định về độ tuổi tái cử và lần đầu tham gia cấp ủy vẫn giữ nguyên như các khóa trước, như vậy là cán bộ nữ vẫn có hạn chế hơn trong việc tham gia cấp ủy do độ tuổi về hưu chưa thay đổi nhiều so với trước thời điểm ban hành Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, trong thời gian qua Đảng đã ban hành khá nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường đội ngũ cán bộ nữ nói chung và sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy nói riêng. Cùng với điều đó là những hướng dẫn cụ thể và việc triển khai các hoạt động cần thiết ở địạ phương. Tuy nhiên, qua các văn bản nêu trên cũng thấy được rằng các chỉ tiêu nêu ra chủ yếu mang tính định hướng phấn đấu, yêu cầu ràng buộc chưa thật sự chặt chẽ. Ngoài ra, căn cứ vào thực tiễn, chỉ tiêu cần đạt được về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy hạ xuống thấp hơn mức phấn đấu ban đầu.
Cũng như vấn đề bình đẳng giới trong chính trị nói chung, kết quả về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy chịu tác động của các yếu tố cấu trúc7, thể chế8, văn hóa9. Tùy thuộc vào đặc điểm ở từng địa phương mà kết quả sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy có thể khác nhau./. Mai Diệu Linh (nguồn Ban TGTW)
---------------------------------
1. Tỉnh, huyện, xã.
2. Báo cáo của Đồng chí Trương Thị Mai, UVBCT, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, tại hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới” do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 08/4/2023.
3. Hội LHPNVN.
4. Kể cả ủy viên dự khuyết.
5. Đảng đoàn Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 2009.
6. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực, học vấn,…
7. Luật pháp, chính sách, bộ máy thực hiện,…
8. Phong tục tập quán.
9. Hồ Chí Minh. Thế nào là Liêm - Toàn tập, Tập IV, NXB Sự thật, H, 1984, tr.444-466.