Quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường và nhận diện âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay 

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề mang tính chất toàn cầu. Xét đến cùng, đó là một trong những “mặt trái” của sự phát triển kinh tế - xã hội. Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam khó tránh khỏi vấn đề mang tính quy luật chung đó. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường và chủ trương “phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường”; cố tình quy chụp, ngụy tạo dẫn chứng, đánh tráo khái niệm và “thổi phồng” các vấn đề môi trường, gây hoang mang, bức xúc trong Nhân dân. Vậy, đâu là câu trả lời cho vấn đề bảo vệ môi trường - một đề tài không mới nhưng mang tính thời sự nóng hổi?

1. Quan điểm và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ môi trường và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là vấn đề hệ trọng của đất nước. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian viết tác phẩm “Đời sống mới” (bút danh Tân Sinh) kêu gọi xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ gắn với giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường: “Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng... Luôn luôn cố gắng, làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng”… “Làm cho làng mình thành một làng phong thuần tục mỹ”. Sau đó, trong rất nhiều bài nói, bài viết, Người vẫn luôn nhắc nhở tầm quan trọng đặc biệt của bảo vệ môi trường.

Cùng với sự phát triển của đất nước, nhất là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, bảo vệ môi trường và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường càng là vấn đề vô cùng khó và phức tạp. Tuy vậy, Đảng ta luôn xác định mục tiêu nhất quán là phải bảo vệ môi trường. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (năm 1991) khẳng định: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”. Từ thực tiễn và những vấn đề phát sinh do thực tiễn đặt ra, Đảng, Nhà nước luôn có sự tổng kết, bổ sung, phát triển quan điểm về bảo vệ môi trường. Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân...; bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục bổ sung: “… bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

Trước yêu cầu ngày càng cấp bách về vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 nhấn mạnh: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước”.

Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bổ sung quan điểm rất quan trọng: “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra quan điểm, chủ trương thể hiện tính chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu: “…lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…”. Phát biểu nhận chức ngày 26/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng đinh: “Tuyệt đối không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Như vậy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, về quan điểm, chủ trương, Đảng, Nhà nước ta luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân làm mục tiêu trong chiến lược phát triển đất nước. Bởi vậy, cái gọi là “Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm bảo vệ môi trường”, hay Việt Nam “đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”… rõ ràng chỉ là những luận điệu vu khống, xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm kích động nhân dân “xuống đường” theo kiểu “cách mạng đường phố”, “cách mạng cây”, “cách mạng màu” của các thế lực phản động, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.

2. Từ quan điển, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến hiện trạng môi trường ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề thực tiễn đặt ra

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Bởi phát triển kinh tế đi liền là nhà máy, xí nghiệp, dự án, khu công nghiệp, khu đô thị, khu chế xuất…, trong đó để lường hết mọi khả năng ảnh hưởng và đánh giá đầy đủ, chính xác một cách tuyệt đối các tác động đối với môi trường là điều vô cùng khó khăn, phức tạp. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh, không có bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào phát triển kinh tế mà không phải chịu những ảnh hưởng, tác động nhất định đối với môi trường. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, nhưng rõ ràng mục tiêu bảo vệ môi trường là “dĩ bất biến” phải được đặt trong tổng thể hài hòa với mục tiêu phát triển kinh kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ở Việt Nam, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn xác đinh bảo vệ môi trường là vấn đề hệ trọng, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài, bền vững của đất nước. Giai đoạn từ 2016 - 2020, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao (bình quân 6,8%/năm; riêng năm 2020 đạt 2,91%). Nhưng Việt Nam đã giải quyết khá tốt nhiều vấn đề phát sinh về môi trường để không tạo “điểm nóng”, mang lại sự yên tâm hơn trong toàn xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực… Công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường được tăng cường, xỷ lý nghiêm theo pháp luật một số vụ gây ô nhiễm môi trường sống, nghiêm trọng… Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được đẩy mạnh”.

Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Nhà Xuất bản Dân trí phát hành tập sách “Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020” đánh giá tổng thể như sau: “… Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ mội trường được chú trọng, đã chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm. Việc hình thành và duy trì hàng loạt hoạt động giám sát tại các cơ sở có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao (Leeman, Formosa Hà Tĩnh, Núi Pháo, Bôxit Tây Nguyên, Nhiệt điện Vĩnh Tân...) đã mang lại hiệu quả rõ rệt, sự cố môi trường đã được kiểm soát; nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu được xử lý…; các nguồn ô nhiễm, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, vận hành ổn định”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thẳng thắn chỉ rõ: “… Vai trò, trách nhiệm các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ. Vẫn còn để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả. Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên một số mặt còn lỏng lẻo”.

Hẳn chúng ta chưa quên sự cố môi trường biển do Công ty Formusa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) năm 2016 và phát biểu gây phẫn nộ của một nhân viên công ty này: “Muốn bắt cá tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được”[1]. Tất nhiên, sau đó đại diện công ty này phải cúi đầu nhận lỗi trước Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân Việt Nam, đồng thời đã bồi thường 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng) để khắc phục sự cố nghiêm trọng này. Hay gần đây là vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt liên quan đến vụ án đổ dầu thải ở nhà máy nước sạch Sông Đà, gây lo lắng trong Nhân dân. Đây thực sự là những bài học “đắt” đối với chúng ta trong công tác quản lý môi trường. Rất may, các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc giải quyết, khắc phục các sự cố để trả lại môi trường và cuộc sống bình thường cho Nhân dân.

Những thông tin, số liệu và phân tích ở trên để thấy rằng, tuy còn những hạn chế, khó khăn, bách cập, nhưng quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nhằm bảo vệ môi trường trước áp lực rất lớn của sự phát triển kinh tế - xã hội là điều không thể phủ nhận. Vẫn còn những vấn đề môi trường cần phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết để đảm bảo một đất nước Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững nhưng niềm tin của Nhân dân vào công tác bảo vệ môi trường là nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Theo kết quả điều tra xã hội học năm 2021: tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 12,53% năm 2016 xuống còn 4,03% năm 2020; môi trường từ chỗ là vấn đề mà người dân lo lắng thứ 2 năm 2016, xuống thứ 5 năm 2018[2].

Những thông tin lan truyền thất thiệt như “Người nước ngoài rời Việt Nam vì môi trường ô nhiễm”, “Ô nhiễm môi trường đe dọa ổn định ở Việt Nam”, “Người dân không còn tin tưởng chính quyền trong việc bảo vệ môi trường”; hay những khẩu hiệu hô hào, kích động như “Hãy trả lại cho nhân dân những gì đã bị cướp đi”, “Hãy đấu tranh vì môi trường”… hoàn toàn mang tính chủ quan, cố tình “thổi phồng” vấn đề; không chỉ nhằm xuyên tạc, đánh lạc hướng dư luận, mà còn ra sức đơm đặt, dệt thêu, đánh tráo khái niệm, đánh đồng giữa vấn đề ô nhiễm môi trường với vấn đề chính trị, lợi dụng vấn đề môi trường để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết dân tộc, làm lung lay niềm tin của Nhân dân với Đảng và chế độ. Những âm mưu, thủ đoạn chống phá, thù địch cần phải được toàn xã hội nhận diện, đấu tranh, loại bỏ.

Trong thời đại xã hội thông tin đa chiều, khó kiểm soát, để Nhân dân hiểu biết đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường là một vấn đề bức thiết đặt ra. Thiết nghĩ, thời gian tới cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:

1. Tuyên truyền sâu rộng quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng ta về bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, chủ động, đồng bộ của các cơ quan làm công tác tuyên truyền, trong đó vai trò dẫn nguồn, định hướng thông tin của các cơ quan báo chí là rất quan trọng, đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở để trạng bị cán bộ, đảng viên và nhân dân kiến thức, hiểu biết làm “tấm khiên” bảo vệ, vô hiệu hóa sự trước những thông tin xấu độc.

2. Nâng cao kiến thức, hiểu biết, ý thức trách nhiệm công dân trong sử dụng mạng xã hội. Theo thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông, năm 2021, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, riêng mạng xã hội facebook đã có trên 75 triệu tài khoản. Đây là “cơ hội” để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, chống phá. Việc nâng cao kiến thức, hiểu biết cho người dân, để mỗi người dân chỉ tiếp cận thông tin ở những trang chính thống; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân nhận diện những trang mạng “xấu độc” để tránh xa là giải pháp thiết thực cần sớm được triển khai và nhân rộng. Mặt khác, phải có chế tài đủ mạnh để xử phạt những trường hợp cố tình chia sẻ, lan tỏa các thông tin xấu, sai sự thật để nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong sử dụng mạng xã hội.

3. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với địa bàn cư trú trong công tác tuyên truyền, định hướng thông tin và đấu tranh loại bỏ thông tin xấu độc. Thời gian qua, việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu tại địa bàn dân cư trong tuyên truyền, định hướng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước được cấp cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, nhưng trên thực tế vẫn chưa tranh thủ, phát huy hết trí tuệ, kinh nghiệm và vai trò ảnh hưởng của đội ngũ này. Đây là một sự “lãng phí” nguồn lực rất lớn, bởi thực tế cho thấy, thông tin từ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đã và đang giữ vị trí, trọng trách có “sức nặng”, tầm ảnh hường và vài trò định hướng rất lớn ở khu dân cư và trong xã hội.

4. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ, tìm ra các đối tượng cầm đầu, đứng sau những trang, nhóm núp bóng bảo vệ môi trường chống phá Đảng, Nhà nước, ngụy tạo dẫn chứng và thông tin gây hoang mang trong Nhân dân; xử lý nghiêm minh theo quy định của Pháp luật hiện hành. Đồng thời, thu thập, cung cấp đầy đủ bằng chứng vi phạm pháp luật Việt Nam của các facebooker, bologer, youtuber, yêu cầu các nhà mạng… phối hợp, sớm gỡ bỏ thông tin xấu độc, không để tạo tiền lệ xấu.

5. Tiếp tục giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng. Thể chế cụ thể, rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường. Hoàn thiện các quy định pháp luật thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật môi trường. Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ mội trường trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết dứt điểm những sự cố, vấn đề phát sinh về môi trường, tạo sự yên tâm đối với toàn xã hội.

Khát vọng về một đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc đã và đang thôi thúc toàn thể Nhân dân, dân tộc Việt Nam hành động. Cần lắm sự đoàn kết, đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong mọi quyết sách của Đảng, Nhà nước để khát vọng Việt Nam sớm thành hiện thực. Lương tâm và trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải đưa “ý Đảng” đến với “lòng dân”, trong đó nội dung hết sức quan trọng là quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nguyễn Ngọc Tuấn – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

[1] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Sau phát biểu gây sốc, ông Chu Xuân Phàm bị Formosa sa thải, số ra ngày 28/4/2016

[2] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Quán triệt, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường, số ra ngày 15/10/2021

 

4563 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 962
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 962
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76850542