Quan điểm “kế thừa di sản văn hóa, văn nghệ trong quá khứ” của Lênin trong quá trình xây dựng nền văn hóa – văn nghệ cách mạng Việt Nam 

Nền văn hoá của một dân tộc không phải là sự ngẫu nhiên mà có, không từ trên trời rơi xuống, không do một cá nhân nào bịa đặt ra. Nó là cả một quá trình kết tinh những thành tựu, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá từ trong quá khứ, cải biến sáng tạo và phát triển lên, làm phong phú thêm cho nền văn hoá đó. Thế nhưng, việc kế thừa di sản này ở mỗi giai đoạn lịch sử là không giống nhau; nó tuỳ thuộc vào lý luận, quan điểm, đường hướng của những nhà lãnh đạo khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã gánh lấy trọng trách lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc, đem lại no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo con thuyền cách mạng đó, Đảng ta mà đặc biệt là đồng chí Trường Chinh đã có nhiều lần đề cập đến những đường lối xây dựng văn hoá – văn nghệ, trong đó có vấn đề "kế thừa di sản văn hoá văn nghệ trong quá khứ". Quan điểm này của Đảng, cụ thể là đồng chí Trường Chinh thể hiện lần đầu tiên trong bản Đề Cương về văn hoá Việt Nam (1943) được học tập từ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, rõ hơn là từ quan điểm của Lênin.

I. Vấn đề kế thừa di sản văn hoá văn nghệ trong quá khứ theo quan điểm của Lênin

Theo Lênin, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá vô sản là thái độ đối với di sản văn hoá cũ của dân tộc. Phải thấy rằng, chỉ có hiểu được đúng đắn toàn bộ nền văn hoá được sáng tạo ra trong quá trình phát triển của loài người, chỉ có cải tạo nền văn hoá đó mới có thể xây dựng được nền văn hoá vô sản. Như vậy, văn hoá vô sản không phải từ trên khoảng không rơi xuống, cũng không phải do những người tự xưng là chuyên gia văn hoá vô sản bịa đặt ra. Văn hoá vô sản phải là sự phát triển hợp với quy luật của toàn bộ kho tàng tri thức được loài người sáng tạo ra dưới áp bức của xã hội tư bản, xã hội địa chủ và xã hội quan liêu, phải trên cơ sở kế thừa nền văn hoá cũ, sáng tạo và phát triển nó lên. Nói cách khác, nền văn hoá mới phải được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có phê phán những giá trị tinh thần của truyền thống văn hoá của dân tộc. Nguyên tắc về tính kế thừa không phải chỉ được đặt ra với văn học mà nói chung là với toàn bộ hoạt động của con người trong đó có sự kế thừa trên mặt trận tư tưởng.

Trong Hệ tư tưởng Đức, Mác và Ăng-ghen cho rằng: “Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị”. Từ cơ sở nhận thức đó, Lênin phát hiện mặt thứ hai của vấn đề dựa trên cuộc đấu tranh về tư tưởng của quần chúng lao động chống lại giai cấp thống trị. Cuộc đấu tranh đó tất yếu sản sinh ra một dòng văn hoá thứ hai biểu hiện trực tiếp tư tưởng, tình cảm và lợi ích của quần chúng lao động. Đây là cơ sở để tạo nên mọi giá trị tinh thần của truyền thống văn hoá dân tộc. Từ đó, Lênin đưa ra quan điểm “có hai nền văn hoá dân tộc”. Người phát biểu như sau: “Mỗi một nền văn hoá dân tộc đều có những thành phần, thậm chí không phát triển, của một nền văn hoá dân chủ và xã hội chủ nghĩa, vì trong mỗi dân tộc, đều có một quần chúng lao động và bị bóc lột mà điều kiện sinh sống của họ nhất định phải sản sinh ra một hệ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong mỗi dân tộc cũng còn một nền văn hoá tư sản (nền văn hoá này, phần lớn là một nền văn hoá cực kì phản động và có tính chất tăng lữ), không phải chỉ ở trong tình trạng là những “thành phần” mà là dưới hình thức nền văn hoá chiếm địa vị thống trị”[1, 342].

Thông qua luận điểm trên, Lênin khẳng định tính chất lành mạnh tiến bộ của nền văn hoá của quần chúng lao động. Luận điểm của Lênin về hai dòng văn hoá của dân tộc đã thể hiện rõ cách vận dụng sáng tạo quan điểm giai cấp để phân tích các hiện tượng văn hoá tư tưởng. Luận điểm này cũng khẳng định tính nhân dân là tiêu chuẩn chủ yếu để bình giá các hiện tượng văn học trong quá khứ; thừa nhận và tôn trọng phần đóng góp xứng đáng của nhân dân vào nền văn hóa của dân tộc. Tuy chỉ là những “yếu tố” nhưng nó biểu thị sự khác nhau về chất so với dòng văn hoá của giai cấp thống trị. Luận điểm về hai dòng văn hoá của dân tộc cũng chỉ ra sự kết hợp sâu sắc giữa tính nhân dân và tính dân tộc. Nền văn hoá chân chính của dân tộc phải là nền văn hoá do quần chúng lao động sáng tạo ra. Lênin đã kịch liệt phê phán phái Bund – phái này tự mệnh danh là đại diện cho văn hoá dân tộc, nhưng thực chất là chủ nghĩa dân tộc tư sản và bọn họ chỉ là những tên phi – li – xtanh dân tộc chủ nghĩa mà thôi. Người viết: “Bởi vậy, nói chung, “nền văn hoá dân tộc” là nền văn hoá của địa chủ, thầy tu, giai cấp tư sản. Cái chân lí cơ bản đó, cái chân lý sơ tối thiểu đó đối với một người Mác xít, cái ngài thuộc phái Bund đó đã bỏ qua không nói đến, đã đem “dìm” vào trong những lời nói tràng giang đại hải của ông ta, nghĩa là thực ra, ông ta không làm nổi bật cái hố sâu ngăn cách giai cấp, mà lại chỉ giấu cái hố sâu đó đi không cho độc giả biết. Thực tế thì cái ngài thuộc phái Bund đó đã đứng về lập trường của giai cấp tư sản là giai cấp hoàn toàn có lợi trong việc truyền bá lòng tin vào một nền văn hoá dân tộc siêu giai cấp” [1, 342],

Từ đây, ta có thể rút ra những vấn đề sau: Thứ nhất, đối với nền văn hoá của giai cấp thống trị phản động thì đấu tranh chống lại chúng, loại trừ chúng ra khỏi nền văn hoá mới, trong đó có văn học nghệ thuật. Thứ hai, đối với nền văn hoá của quần chúng lao động trong quá khứ thì Lênin có một thái độ rất rõ ràng, cụ thể: thứ văn hoá trong đó có văn học nghệ thuật của quần chúng bị tiêm nhiễm tư tưởng của giai cấp thống trị phản động, lạc hậu thì cương quyết bác bỏ đi. Thứ ba, ngay đối với cả những yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa (hoặc tinh hoa) thuộc văn hoá văn học quá khứ cũng cần đứng trên quan điểm lịch sử để phân tích và kế thừa.

Có thể nói, khi đánh giá một hiện tượng văn học hay bất kì một giá trị tinh thần nào trong quá khứ, Lênin luôn luôn chú ý đến qua điểm lịch sử: hoàn cảnh xã hội nào đã là tiền đề làm nảy sinh hiện tượng đó và những đóng góp mới so với phần đã có của lịch sử. Đây là một tiêu chuẩn đánh giá vô cùng quan trọng dựa trên tinh thần nhận thức lịch sử là một quá trình vận động và phát triển không ngừng và mỗi thời đại, mỗi dân tộc đều có khả năng thúc đẩy quá trình đó bằng sức sáng tạo riêng của mình. Muốn đánh giá được đầy đủ những đóng góp đó cần phải xác lập những giới hạn cần thiết: giới hạn của thời kì lịch sử tiếp cận vừa qua đã đạt được và đã tạo tiền đề cần thiết cho những đóng góp mới, và giới hạn mà hoàn cảnh lịch sử của xã hội đương thời cho phép có thể vươn tới. Lênin đã từng chỉ rõ: “mọi hệ tư tưởng đều do điều kiện lịch sử chế ước”, và những giới hạn của việc nhận thức đều “chịu sự chế ước của những điều kiện lịch sử”. Chỉ ra những giới hạn này không nhằm hạn chế khả năng nhận thức mà là những căn cứ để đánh giá mọi hoạt động nhận thức.

Khi một nhà văn có những đóng góp mà giới hạn lịch sử của xã hội đương thời có thể cho phép hoặc trên một vài phương diện lại có những đóng góp vượt bậc, thì sự nghiệp ấy trở thành cái vốn quý giá của dân tộc và có thể cả của nhân loại. Với sự phát triển của thời gian, sự đánh giá của các thế hệ sau không phải là một phép trừ mà là một phép cộng. Nhận thức sự phát triển của một hiện tượng văn học trong tiến trình lịch sử với tất cả mặt mạnh và phần hạn chế của nó, với phép cộng và phép trừ, là một nguyên tắc đánh giá quan trọng, Lênin cho rằng: “Không nên quên mối liên hệ lịch sử cơ bản và nghiên cứu từng vấn đề theo quan điểm là hiện tượng này đã phát sinh trong lịch sử ra sao, nó đã trải qua những giai đoạn phát triển nào, và từ quan điểm phát triển đó, xét xem hiện tượng ấy bây giờ đã trở thành thế nào”. Như vậy, đối với văn nghệ, tinh hoa trong lịch sử chưa hẳn đã giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay, vì vậy mà kế thừa phải được xem xét và phát triển một cách thận trọng trong sự vận động của lịch sử.

II. “Đề cương về văn hoá Việt Nam” (1943) của Trường Chinh với vấn đề kế thừa di sản văn hoá văn nghệ trong quá khứ. Thành tựu và giới hạn trong sự kế thừa quan điểm của Lênin

Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa văn nghệ, ra đời trong bối cảnh đầu những năm bốn mươi của thế kỷ XX, phát xít Nhật, Pháp đang dùng mọi thủ đoạn để trói buộc và thủ tiêu văn hoá Việt Nam. Thời kỳ này, nền văn học công khai hợp pháp đang ngày càng lâm vào tình trạng khủng hoảng, kẻ thù dân tộc thẳng tay đàn áp và khủng bố mọi tư tưởng tiến bộ và cách mạng, đồng thời gieo rắc các thứ văn hóa tiêu cực và phản động. Sự ra đời của Đề cương văn hoá Việt Nam, với nội dung cốt lõi là ba nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa, và đại chúng hóa, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phục hưng những giá trị tinh thần truyền thống đang bị suy thoái và đồng hóa nghiêm trọng do chính sách thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, phát xít thời bấy giờ. Việc đề ra chủ trương tranh đấu chống các xu hướng bảo thủ, chiết trung, bi quan và thần bí; chống sai lầm trên các phương diện triết học và nghệ thuật, mặc dù vẫn có ý nghĩa lâu dài, nhưng chủ yếu xuất phát từ mục tiêu trước mắt là thực hiện bằng được ba nguyên tắc cơ bản đó. Văn kiện có tính cương lĩnh này cũng thể hiện rõ tư tưởng chiến lược trên các mặt chủ yếu: mục đích và đường lối, tổ chức và nhiệm vụ, v.v... đã vạch rõ phương hướng và triển vọng của nền văn hóa tương lai: “nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xô Viết”. Có thể nói, Đề cương về văn hoá Việt Nam đã giúp những người hoạt động trên lĩnh vực văn hoá nhận rõ nhiệm vụ trước mắt cũng như con đường đi tới của văn hoá Việt Nam và sự cần thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua Hội Văn hoá Cứu quốc - một tổ chức tập hợp giới văn hoá văn nghệ yêu nước - Đề cương văn hoá Việt Nam nhanh chóng đến với giới trí thức ở những trung tâm văn hoá lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế... và giải toả những băn khoăn, trăn trở, gạt bỏ những bi quan, yếm thế trong lòng họ, thu hút nhiều người công tác trong lĩnh vực văn hoá - văn nghệ vào con đường cách mạng.

Bản Đề cương văn hoá Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng - họp từ ngày 25 đến 28-2-1943 tại thôn Võng La (Đông Anh - Hà Nội). Khi ấy, nước ta chưa được độc lập, dân ta chưa được tự do. Đề cương không dài (chưa tới 2000 từ) nhưng là văn kiện đầu tiên đề cập tới vấn đề văn hoá một cách có hệ thống, thể hiện rõ quan điểm cơ bản của Đảng ta về văn hoá, văn nghệ ngay trong giai đoạn cách mạng dân tộc - dân chủ. Đề cương chỉ nêu những luận điểm lớn một cách khái quát, cô đọng trên cơ sở đúc rút thực tiễn và vận dụng lý luận một cách sáng tạo.  

Bản Đề cương gồm 5 phần: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hoá; Nguy cơ của văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng văn hoá Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hoá mác-xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hoá mác-xít ở Việt Nam. Trong Đề cương, nhiều luận điểm cơ bản về văn hoá và cách mạng văn hoá lần đầu tiên được Đảng ta xác định, như: Phạm vi vấn đề văn hoá bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) mà ở đó người cộng sản phải hoạt động; Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa; Ba nguyên tắc vận động của văn hoá là dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá. Đề cương cũng xác định tính chất của nền văn hoá mới Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung đồng thời vạch ra chương trình hành động về văn hoá (bao gồm mục tiêu trước mắt, những việc phải làm, cách thức vận động giới văn hoá văn nghệ, các hình thức tổ chức hoạt động và đấu tranh).

Trên cơ sở kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Trường Chinh cũng bước đầu nhắc đến vấn đề kế thừa di sản văn hoá văn nghệ trong quá khứ trong văn kiện này, song vẫn chưa phải là một luận điểm độc lập mà chỉ được thể hiện đây đó trong các luận điểm khác của bản đề cương.

Tuy nhiên, do được soạn thảo trong điều kiện hết sức khó khăn nên văn kiện lịch sử này đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Tại lễ kỷ  niệm lần thứ 40 ngày ra đời của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (27-12-1983), đồng chí Trường Chinh nêu rõ: “Đề cương về văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam”. Cụ thể, quan điểm của Lênin về hai dòng văn hoá dân tộc không chỉ có ý nghĩa đối với việc phân loại văn hóa mà cả với sự chọn lọc, kế thừa di sản tinh thần quá khứ. Nhưng do “nhận thức được soi sáng bởi triết học Mác trong buổi đầu tiếp nhận, còn mang tính chất sơ khai và đơn giản”[7] đã dẫn đến một số nhận định đánh giá chưa thật chính xác. Ví dụ như: Trong phần lịch sử và tính chất văn hoá Việt Nam, đề cương chưa cho thấy được một vấn đề: xã hội có thể là phong kiến - thuộc địa, nhưng văn chương học thuật lại không như thế, hoặc không hoàn toàn như thế. Hay khi đề ra nhiệm vụ trước mắt của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam, đề cương đã chủ trương: “Chống lại văn hóa phát-xít phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân; phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương”[5]. Như vậy là Bản đề cương chưa nhìn thấy những yếu tố “dân chủ và xã hội chủ nghĩa” trong văn hóa của thời kỳ phong kiến để kế thừa, phát triển khi xây dựng nền văn hóa mới. Sự bất cập trong nhận thức về văn hóa là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế tương tự trong nhận thức về văn nghệ, nên trong việc chỉ ra công việc phải làm, đề cương có mục viết: “Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v.v...) làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”[5]…

Nhưng, dẫu với tất cả những bất cập có tính lịch sử, sau quãng lùi thời gian, vẫn có điều cần được nhận thức và khẳng định. Đó là, ngay từ 1943, khi chưa nắm được chính quyền, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có sự quan tâm đến mặt trận văn hoá. Và khi đặt mối quan tâm vào văn hoá, Đảng cũng đã sơ bộ nắm được phép biện chứng trong tác động trở lại của văn hoá đối với đời sống kinh tế, chính trị. Qua việc soạn thảo nên bản đề cương văn hoá , mặc dù còn sơ lược nhưng nó có một sứ mệnh lịch sử lớn lao, là sự chuẩn bị lực lượng trên mặt trận tư tưởng cho một cuộc cách mạng sắp nổ ra hai năm sau, cũng như là tiền đề cơ sở để đảng ta tiếp tục hoàn thiện, bổ sung nhằm xây dựng một nền văn hoá cách mạng Việt Nam.

Đến nay, nhiều luận điểm của Đề cương văn hoá Việt Nam đã được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện ở mức cao hơn. Nhiều thế hệ nghiên cứu lý luận đã làm sáng tỏ tư duy khoa học đúng đắn của Đảng ta về các nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng của văn hoá Việt Nam. Những quan điểm cơ bản của Đề cương được Đảng vận dụng khéo léo, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng ở từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Minh Huyền

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Sách nghiên cứu phê bình

1. C. Mác - Ph. Ăngghen - V.I. Lênin (1977), Về văn học và nghệ thuật, NXB Sự thật, Hà Nội.

2. Hà Minh Đức (1982), C.Mác – Ph. Ăngghen – V.I.Lênin và một số vấn đề Lý luận văn nghệ, NXB Sự thật, Hà Nội.

3. Trần Thái Học (2007), Quan điểm văn hoá văn nghệ của đồng chí Trường Chinh, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

II. Báo, tạp chí

4. Báo Hà Nội Mới, 23/08/2003, Hội thảo 60 năm Đề cương văn hoá Việt Nam : Vẫn nguyên vẹn ý nghĩa của một bản cương lĩnh về văn hoá.

5. Trường Chinh, Đề cương về văn hoá Việt Nam, Tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc VN, số 1 (10.11.1945), in lại trong Sưu tập trọn bộ "Tiên phong" 1945-1946, tạp chí của Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam, Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, tập 1 (1945). Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996, tr. 32-35.

6. Trần Thái Học, Mấy vấn đề lý luận văn nghệ cách mạng trong giới hạn lịch sử, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 – 2008.

7. Phong Lê, Đề cương về văn hoá Việt Nam – 1943; 60 năm, đọc lại, Tạp chí Sông Hương, 19/06/2009.

8292 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 739
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 739
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77585535