Bên những khu đồi bạt ngàn cà phê, bời lời, dong riềng và những ruộng lúa nước là những trang trại chăn nuôi, sản xuất theo mô hình AVCR. Bà con không còn sản xuất độc canh cây lúa rẫy mà đã biết sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa để vươn lên thoát nghèo. Theo bà con dân bản, trong sự đổi thay đó có sự đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4.
Đại tá Uông Đình Tân, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cho biết: Đứng chân trên địa bàn hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi và đời sống của nhân dân. Hàng năm thường xảy ra thiên tai, hạn hán và đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào việc phát rừng làm rẫy nên hầu như thiếu đói quanh năm. Lợi dụng những khó khăn đó, các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách mua chuộc, lôi kéo đồng bào đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước tình hình đó, nhằm giúp đồng bào “miễn dịch” với các âm mưu xấu độc, vươn lên thoát nghèo bền vững, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn ngoài việc tăng cường tuyên truyền truyền cho đồng bào cảnh giác trước âm mưu xấu độc của kẻ thù, Đoàn khai hiệu quả các dự án, xây dựng các mô hình kinh tế, đưa vào nuôi trồng thí điểm một số giống cây, con nhằm giúp nhân dân phá thế độc canh trong sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn phát động phong trào và phân công các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu giúp đỡ các hộ đặc biệt khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi. Từ sự đồng lòng, đoàn kết của quân dân nơi miền biên viễn này, đến nay bà con các xã trong trong Khu Kinh tế - Quốc phòng Khe Sanh không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ chăn nuôi, sản xuất.
|
Đội sản xuất 5 trao con giống hỗ trợ gia đình khó khăn ở xã Hướng Lập, theo mô hình đỡ đầu hộ nghèo. |
Để chủ trương đó đạt kết quả tốt nhất, cán bộ, nhân viên trong toàn Đoàn tăng cường bám bản, bám dân để nghiên cứu đưa vào nuôi trồng một số mô hình phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng từng khu vực, trong đó, việc đưa các giống cây, con vào chăn nuôi, trồng trọt và phát triển diện tích ruộng lúa nước được hết sức chú trọng. Cùng với cây lúa nước, qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, Đoàn đã tập trung đưa vào nuôi, trồng một số cây, con chủ lực như cây cà phê, nuôi bò lai sin, nuôi dê... Theo số liệu thống kế từ năm 2015 đến nay, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã hỗ trợ bà con trong vùng dự án hàng trăm con bò, hàng trăm con dê và gần 10 vạn cây cà phê; gần 100 tấn phân NPK, giúp nhân dân khai hoang hơn 10 ha đất hoang hóa đưa vào sản xuất; đầu tư mô hình giảm nghèo cho trên 80 hộ với số tiền gần 500 triệu đồng....
Đứng trước ruộng lúa nước mênh mông được cơ cấu theo mô hình ruộng bậc thang đang vào kỳ phát triển, ông Hồ A Ban ở thôn Coóc, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phấn khởi nói: “Ngày trước bản mình chủ yếu phát rừng làm rẫy nên thiếu đói quanh năm. Từ ngày có cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 xây cho cái đập nước, khai hoang ruộng làm lúa nước đến nay bản ta không còn lo cái đói nữa. Bộ đội 337 còn cấp cho con bò, cấp phân bón ruộng và hướng dẫn cho kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất nhiều hộ dân ở bản ta đã biết làm giàu rồi”.
Không chỉ thôn Coóc mà những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 còn giúp các bản trong vùng dự án từng bước vươn lên trong cuộc sống. Nhằm giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, các cơ quan, đơn vị thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã lặn lội vào các bản vùng sâu, vùng xa vận động bà con di dời thành lập các điểm dân cư mới để áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi... Các điểm dân cư có từ 20 đến 30 hộ ở bản Hoong, Coóc (xã Hướng Linh), bản Tân Pun, bản Kà Tiêng (xã Hướng Việt), bản Ra Hùn (xã Hướng Lập) được thành lập không những góp phần cùng địa phương quy hoạch, giữ ổn định dân cư, đưa thêm đồng bào lên sinh sống giữ vững vùng biên mà còn thay đổi diện mạo cuộc sống bà con. Để bà con yên tâm với cuộc sống nơi ở mới, cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị đã tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và hướng dẫn bà con trồng các loại cây phù hợp với thời tiết, khí hậu nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, như sắn cao sản, ngô lai... lựa chọn một số gia đình làm điểm để nhân rộng toàn thôn.
Đại tá Nguyễn Đức Thạo, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tâm sự: “Đảng ủy, chỉ huy Đoàn xác định, nếu như chỉ hỗ trợ bà con về vật chất thì có lẽ cái đói, cái nghèo sẽ không bao giờ chấm dứt. Do vậy, cùng với việc giúp đỡ về phát triển sản xuất, chăn nuôi, Đoàn tập trung đầu tư vào việc nâng cao đời sống văn hóa, trình độ dân trí cho đồng bào, xây dựng các tổ đoàn kết từu 5 đến 7 hộ ở các thôn bản. Theo đó, các tổ đoàn kết có trách nhiệm giúp nhau ngày công lao động, hỗ trợ vật liệu xây dựng nhà ở… Ngoài ra, chúng tôi phát động và phân công chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục tới trường và tăng cường khai thác các nguồn vốn xây dựng các điểm trường lẻ tạo điều kiện cho con em đồng bào trong quá trình học tập; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăn nuôi cho bà con...”.
Với sự tận tâm, hướng về cuộc sống Nhân dân, cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã góp phần giúp đồng bào các dân tộc nơi vùng biên cương này từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo./.
Chế Thị Kim Dung