Đô thị vàng trên đồi Lao Bảo giờ đã thành hiện thực, đã được báo chí nhắc nhiều như một kỳ tích của sự phát triển. Nhưng cái thị trấn yêu kiều qua nẻo Làng Vây nằm ở đâu, giờ ra sao? Xin thưa, đó phải chăng là “kinh đô chuối” Tân Long?
“Kinh đô chuối” dưới chân dốc Làng Vây
Đứng ở dốc Làng Vây, nơi có khu di tích cứ điểm Làng Vây, phóng tầm nhìn về phía tây nam thấy một màu xanh bạt ngàn. Đã hơn một lần, tôi nói với vợ “bòn tiền” (theo cách nói của dân Quảng Trị) mua ít mét đất ở con dốc này, nơi có góc “view” rất đẹp nhìn về thung lũng Lìa, buổi sáng ngắm sương giăng từ đỉnh núi này qua đỉnh núi nọ như một chiếc cầu mây của người Vân Kiều (Vân Kiều dịch nghĩa cũng là cầu mây).
Và từ đỉnh dốc này, trên chiếc xe tăng mang số hiệu 268, 50 năm trước đã xuất hiện một cách “lạ lùng và kinh dị” làm các tướng lĩnh phía Mỹ phải đau đầu không biết từ đâu tới. Nhìn qua các nương chuối trĩu quả, lòng thầm hỏi nửa thế kỷ trước, từ bến sông Sê Pôn xe tăng lầm lũi và đốn cây chỉ hướng cứ điểm Làng Vây mà tiến nay đã qua bao lớp trầm tích? Nhưng lòng người còn mãi bài ca chiến thắng còn vang bên dòng suối La La…
Bây giờ vào các xã Lìa qua ngã ba xã Tân Long đông như hội. Dường như mọi con đường đều đổ về Tân Long, nơi thiên hạ mệnh danh là kinh đô chuối. Thứ trái làm giàu có cái tên rất lạ là chuối mật mốc. Hỏi một người chở chuối dừng ven đường để chờ khách vì sao có cái tên lạ thế? Rằng chuối khi chín vàng có lượng đường rất cao. Vỏ lúc này bắt đầu nổi thâm đen trông như bị mốc rất xấu xí. Nhưng trái lại ăn rất ngọt và thơm.
Tại sao không phải là Khe Sanh hay các vùng khác mà là vùng Lìa này mới cho cây chuối chính hiệu? Rằng nếu cứ lấy giống ở đây đem về Khe Sanh hay các xã bắc Hướng Hóa trồng thì cho ít quả và không được như ý. “Chỉ có vùng đất mang phù sa từ dòng Sê Pôn mới có”, người này cho hay.
Chuối mật mốc từ lâu đã trở thành thương hiệu của xã Tân Long. Ảnh: YMS.
Từ ngã ba đảo mắt nhìn quanh, đâu đâu cũng màu xanh của chuối. Chuối được chở bằng xe máy có giá đỡ phía sau. Mỗi xe chở khoảng 1,5 đến 2 tạ. Cố tìm một người để hỏi nhưng xem ra ai cũng bận rộn với việc bán buôn của mình. Xe máy đông như nêm, những ngày sắp rằm hay cuối tháng, các lực lượng chức năng phải làm việc cật lực mới giải quyết tắc nghẽn giao thông do lượng chuối lấn luôn Quốc lộ 9 làm chợ.
Quẹt mồ hôi trên gương mặt rạng rỡ, anh Hồ Văn Câu (30 tuổi, người Vân Kiều ở xã Thuận) ngước nhìn tôi nhưng tay phải vẫn đếm tiền phát ra tiếng xoẹt xoẹt trông rất chuyên nghiệp. Như nhận ra sự thán phục của tôi trên nét mặt, anh cho biết: “Hôm nào cũng đếm tiền triệu nên lâu thành thuần thục. Phải nhanh, cơ động mới theo kịp người khác”. Hỏi, thế hôm nào không được đếm như thế này có… nhớ không? Anh Câu cười hiền lành: “Không đếm như ri là đói đấy. Miềng đếm như ri đã 5 năm rồi”.
Dọc đường 9 và đường vào Lìa có hơn 10 điểm thu mua chuối với hàng trăm thanh niên làm việc. Chuối được gói ghém bằng mút xốp để tránh bầm dập. Kẻ cân, người gói, người bốc lên xe tạo thành một dây chuyền chuyên nghiệp.
Tranh thủ phút nghỉ ngơi, chị Hoàng Thị Thư cho biết đã theo nghề gom chuối xuất sang Trung Quốc đã gần 3 năm. Cùng làm với chị gồm 10 thanh niên làm công, gồm bốc xếp, cân chuối. Theo chị Thư, điểm thu mua của chị mới dạng trung bình, mỗi ngày cân và xuất khoảng 20 tấn. Chuối đẹp thì bán về Đông Hà, Huế để phục vụ thờ cúng, chuối xấu hơn thì cân xuất khẩu. Làm nghề này tuy vất vả, người lúc nào cũng mồ hôi, mủ chuối đen thui nhưng cũng có thu nhập ổn định.
“Chưa kể chuối đi tiêu thụ thị trường trong nước, mỗi ngày trên địa bàn có 5 xe tải loại 20 tấn chở chuối ở ngã ba này đi Trung Quốc. Cứ tính giá trung bình 5.000 đồng/kg thì mỗi ngày dòng tiền chảy về qua “nẻo Tân Long” cũng nửa tỷ đồng”, chị Thư kể.
Tuy nhiên, nghề trồng chuối cũng còn nhiều điều trăn trở khi thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Chị Thư cho hay: “Bấp bênh lắm chú ạ. Nếu quanh năm thị trường “năng” như này thì các đại gia gỗ ở Lao Bảo cũng chào thua chúng tôi. Nhưng do hàng năm cứ đến mùa hè là bên Trung Quốc cắt giảm thu mua vì là mùa mưa, mùa của các loại trái cây khác nên giá rớt thảm hại”.
Chị Thư cho hay cứ mỗi lần giá thấp đến sát đáy thì thương lái hướng đến thị trường Thái Lan. Nghe qua có vẻ rất nghịch lý nhưng lại có lý, bởi bình thường chuối Tân Long không đủ chất lượng để cạnh tranh với chuối nội địa Thái Lan nên việc xuất khẩu với giá sát đáy, rẻ như cho (từ 1 ngàn đến 1.5 ngàn đồng/kg) để họ làm thức ăn gia súc. Nhưng dù như thế nào, thực tế những năm qua đã chứng minh, xã Tân Long đã có một thương hiệu đó là chuối mật mốc. Thứ đã làm giàu, thay da đổi thịt cho vùng đất nằm bên nẻo Làng Vây này.
Mưa nắng không chia Lìa
Con đường tỉnh lộ 586 nối Quốc lộ 9 với 7 xã vùng Lìa giờ phẳng lì không còn ổ gà ổ voi như ngày xưa. Một ai đó đã nói nơi nào có ngã ba, ở đó có sự lựa chọn. Quả nhiên xét về khía cạnh kinh tế, ngã ba Tân Long được xem “thiên đường mua sắm” của người dân 7 xã vùng Lìa (gồm Thuận, Thanh, A Xing, Xy, A Túc, A Dơi và Pa Tầng) thỏa sức lựa chọn khi buổi sáng chở chuối, sắn ra nơi này nhập cho các điểm bán, chiều chở tivi, tủ lạnh về bản.
Rửa tay trước khi ăn không còn là điều xa lạ với trẻ vùng Lìa. Ảnh: YMS.
Tôi đang bon bon trên đường Lìa với những ý nghĩ mông lung thì điện thoại reo. Đầu dây bên kia nói: “Mi vào Lìa sao không báo tao biết”. Chưa kịp trả lời thì bên kia lại tiếp: “Phây- xờ- búc báo cho tao biết là mi đang ở rất gần”…
Và rồi hết đường thoái thác nên chúng tôi phải ghé ông bạn người Vân Kiều ở xã Thanh. Phải công nhận tay Mark Zuckerberg cha đẻ của phây- búc thật thông minh, đã góp phần nâng sự tiện nghi trong đời sống hàng ngày đến nỗi giám sát cả người ta có nói dối với nhau hay không!
Ngôi nhà sàn của ông bạn đẹp, sạch sẽ với các tiện nghi tân thời. Bây giờ mà đem cái tivi, tủ lạnh ra để làm đại diện cho cái gì đó mang dáng dấp hiện đại có vẻ sẽ không thuyết phục cho lắm. Nhưng cái tivi màn hình phẳng mỏng tang và bên ngoài là cái chảo K+ thì cũng ít nhiều làm cho tôi ngầm phục về đời sống của ông bạn người thiểu số.
Mồi rượu được bày sẵn để tiếp đãi khách. Nhấp xong ly rượu, ông bạn khà một cái nghe rõ, nói với sang đứa con trai: “A Sơm, rửa tay vào ăn cơm với mẹ”. Rồi chỉ tay về phía mâm cơm bên cạnh được vợ dọn sẵn. Ly rượu xông lên mũi tôi cay xè nhưng nó không “nồng” bằng lời dặn của ông bạn vừa nói với con trai mình: Rửa tay. Cái hành động rửa tay trước khi ăn cho thấy “ngọn gió văn minh” đã chạm đến nốc nhà này, bản này. Có lẽ từ khá lâu!
Cùng với những sự ngạc nhiên đó, chúng tôi đến gia đình ông Hồ Văn Ương ở thôn Kỳ Rĩ, xã A Xing khi ông vừa đi làm về. Sở hữu nhiều hecta bời lời, sắn và đàn gia súc số lượng lớn nhưng nhìn người đàn ông này có vẻ là một doanh nhân hơn là một nông dân. Ông Ương tiếp chúng tôi với ấm trà nóng, ngoài kia cơn mưa rừng rả rích.
Nhìn mưa, ông nhớ những cơn mưa rừng của ngày xưa, nói: “Xưa vô đường Lìa coi như lìa… đời luôn” nói xong ông cười khà khà. “Muốn đi từ ngã ba Tân Long vô trong này phải bới xôi theo chứ bới cơm là thiu (ý nói đường xa quá phải bới xôi theo ăn vì xôi lâu ôi thiu hơn cơm). Các con khe, con suối nước dâng cao, chảy xiết phải đợi nước rút mới dám qua”. Ông Ương chỉ tay về hướng chiếc xe tải, nói tiếp: “Bây giờ đường đẹp, có con này (chiếc xe), chỉ trong “vài nốt nhạc” là có mặt ở ngã ba Tân Long. Cho dù nắng mưa, lụt bão thì cũng khó chia cắt Lìa.
Ông Hồ Văn Ương bên chiếc xe kinh doanh dịch vụ vận tải của mình. Ảnh: YMS.
Với cốt cách của một “con buôn”, ông Ương đã nhận thấy sắn khoai, gừng… và gia cầm ở các xã vùng Lìa nhiều nhưng xe vận chuyển thì ít. Chớp lấy cơ hội làm ăn, ông đã bỏ hơn hai trăm triệu mua chiếc xe tải để kinh doanh dịch vụ vận tải. Nhưng đó chưa phải là động lực chính để ông bỏ số tiền lớn để mua. “Thương con gái lấy chồng ở xã Ba Tầng, mỗi lần chở heo, gà, dê bằng xe máy ra ngã ba Tân Long quá vất vả nên sắm cái xe chở cho tiện”, ông Ương cho hay.
Nhưng dù động lực nào đi nữa, ông vẫn là một “điểm sáng” giữa vùng rẻo cao huyện Hướng Hóa này. Ông Ương chào chúng tôi rồi lên đường vào công việc sau khi nhận được điện thoại của một khách hàng thuê xe ông chở rạp đám cưới vào xã A Dơi.
Những người như ông Hồ Văn Ương với sự nhạy bén đã đưa mình trở thành người kết nối. Kết nối đường làng với tỉnh lộ, tỉnh lộ với quốc lộ; kết nối người bán người mua, kết nối nương rẫy và chợ đò… trên những đổi thay của cơ sở hạ tầng, đường sá của các xã vùng Lìa.
Chúng tôi đem điều này trao đổi với Chủ tịch UBND xã A Xing Hồ Văn Thuần, anh cho biết bây giờ các xã vùng Lìa đường sá thuận tiện, không còn chia cắt, cách trở. Đơn cử như xã A Xing, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, văn thư của xã có thể phát hết công văn cho 7 thôn bản. Điều mà trước đây phải mất nửa ngày!