Qua 25 năm, Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 413.140 tỷ đồng 

(Chinhphu.vn) – Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong 25 năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt công tác, trong đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 413.140 tỷ đồng.

 

 

 

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp thứ 40 của UBTVQH. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
 

Tại phiên họp thứ 40 diễn ra vào chiều 17/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét dự thảo Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, hoạt động kiểm toán của KTNN trong 25 năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt công tác. Nổi bật là quy mô hoạt động kiểm toán đều tăng dần một cách hợp lý qua từng năm. KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh kiểm toán hoạt động và các lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường, tài nguyên, khoáng sản, BOT, BT.

Chất lượng kiểm toán của KTNN đã không ngừng được nâng cao, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát, hoàn thiện pháp luật và phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội và HĐND các cấp.

Hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN đã được phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, từng bước tiến tới đồng bộ. Hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN ngày càng mở rộng về phạm vi và tăng cường về chiều sâu; KTNN đã tổ chức thành công Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 tại Hà Nội và được bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 – 2021. Hạ tầng CNTT được đảm bảo phục vụ việc triển khai các ứng dụng và dịch vụ trên môi trường mạng; việc xử lý văn bản, công tác điều hành tác nghiệp được thực hiện thông qua môi trường mạng, hướng đến văn phòng không giấy tờ; các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán cũng đang được tích cực triển khai, hỗ trợ tích cực trong công tác kiểm soát và quản lý hoạt động kiểm toán...

Đặc biệt, trong 25 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 413.145 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng nghìn văn bản; cung cấp hàng trăm báo cáo, hồ sơ cho các cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;...

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của KTNN vẫn phải đối mặt với một số hạn chế và thách thức như nhận thức của một bộ phận trong xã hội về giá trị cốt lõi và hoạt động của KTNN còn chưa rõ, ảnh hưởng đến tính độc lập của KTNN. Hằng năm, KTNN mới kiểm toán được một phần ngân sách các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức kinh tế của Nhà nước, tỷ trọng các cuộc kiểm toán hoạt động còn thấp, hiệu lực kiểm toán chưa cao. Tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của KTNN chưa được hoàn thiện đầy đủ, vấn đề giữ gìn đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên luôn là thách thức lớn. Hạ tầng và ứng dụng CNTT của KTNN chưa đồng bộ...

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, từ thực tiễn hoạt động của ngành, một số bài học kinh nghiệm được rút ra cho thời gian tới, trong đó phải thường xuyên có sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt của Đảng bộ KTNN và lãnh đạo KTNN, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Phát huy được những ưu việt về tổ chức bộ máy ngành dọc, tinh gọn, chuyên nghiệp, cán bộ kiểm toán viên có trình độ cao, chuyên môn giỏi, được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên. Tăng cường ứng dụng CNTT và công nghệ cao, đổi mới phương pháp kiểm toán, cải cách thủ tục hành chính. Lập kế hoạch kiểm toán sát, đúng, phối hợp tránh chồng chéo. Tăng cường hợp tác quốc tế để đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của KTNN./.

Nguyễn Hoàng

252 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1275
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1275
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87124893