Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (19/12), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm.
Nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số cho doanh nghiệp…
Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được quốc tế đánh giá cao. Tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII), chỉ số xếp hạng về thể chế tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022.
"Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ngoài việc phát triển các chủ thể hệ sinh thái, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.
Trong nội dung phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Techfest Việt Nam 2022 cách đây 2 tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tại Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 do Bộ KH&ĐT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng đã đề ra định hướng rà soát, sửa đổi thể chế về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ.
Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng.
"Tôi đề nghị các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, các startups cùng đồng hành với Bộ trong việc nghiên cứu, thành lập cơ chế đầu tư, hỗ trợ thật hiệu quả, khai thác tốt các nguồn lực dành cho đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu tại Diễn đàn.
Với chủ đề "Dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu", Diễn đàn phản ánh sự dịch chuyển không chỉ ở dòng vốn mà chính là dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính tri thức, công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ được tạo nên từ quá trình đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo giá trị cho hoạt động đầu tư tài chính.
Ông Nguyễn Chí Dũng gọi đây là những "dòng chảy giá trị' bao gồm cả tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn vốn trên thị trường. Từ đó, thấy được những xu hướng, những thách thức và cả cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng các nhà đầu tư và cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ tìm được những kết nối mới, cơ hội mới và quan trọng hơn là nhìn thấy Việt Nam như một điểm đến tin cậy.
Minh Ngọc