Trường hợp học sinh này bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, phải dùng các thuốc chuyên khoa, đặc trị, trong đó có thuốc Kedrigamma – được Quỹ BHYT thanh toán khoảng 720 triệu đồng. Số tiền khoảng 1,1 tỷ còn lại là chi trả cho các chi phí khám chữa bệnh khác.
“Do tham gia BHYT, nên sau quá trình điều trị 6 đợt tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, bệnh nhân đã được chi trả với số tiền lớn như vậy. Số tiền này tương đương với mức đóng BHYT của hơn 3.400 học sinh, sinh viên”, ông Đàm Hiếu Trung phân tích.
Tuy nhiên, chính điều này cho thấy tính chia sẻ, hỗ trợ của BHYT đối với người tham gia BHYT khi không may ốm đau, bệnh tật, đặc biệt khi phải điều trị các bệnh nặng, dài ngày.
Riêng trong năm học 2017-2018, Quỹ BHYT cũng đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho 237 trường hợp học sinh, sinh viên với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên.
Hiện nay, theo quy định, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhà trường, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại.
Khi tham gia BHYT, học sinh, sinh viên được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.
Đối với học sinh, sinh viên thường trú, tạm trú có thời hạn trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà không có cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám chữa bệnh ban đầu thì được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, Trung ương sau khi có văn bản của Giám đốc Bảo hiểm Xã hội và Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố.
Vũ Khoa