Quỹ bảo trì đường bộ: Thiếu tiền cho tổng thể, thiếu năng lực giải ngân kịp thời 

(Chinhphu.vn) – “Chúng ta thiếu tiền để duy tu bảo trì tổng thể nhưng khi có một khoản tiền (Quỹ bảo trì đường bộ) ta lại không đủ năng lực giải ngân kịp thời để sửa chữa cho con đường đó”.

 

Đây là ý kiến của PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ GTVT tổ chức sáng nay (27/8). Tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội nói về vai trò của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương hiện nay.

Không đủ năng lực giải ngân để sửa chữa kịp thời

 

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô (VATA), quy định ban đầu về việc xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương là để chuyên lo về bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ, thời gian đầu thiếu kinh phí có thể được ngân sách hỗ trợ, nhưng về lâu dài sẽ giảm bớt dần phụ thuộc vào ngân sách.

“Hiện nguồn tiền của Quỹ Bảo trì đường bộ theo Luật Ngân sách đã nhập chung vào dòng tiền của ngân sách rồi lại từ ngân sách chi xuống là không hợp lý. Trong Luật Giao thông đường bộ đã quy định Bộ trưởng Bộ GTVT phải là Chủ tịch Quỹ Bảo trì đường bộ nhưng vừa rồi lại xoá bỏ việc này, nhập về ngân sách khiến thủ tục rườm rà hơn, phức tạp hơn. Sắp tới sửa Luật Giao thông đường bộ, cần phải làm rõ về Quỹ Bảo trì đường bộ trong Luật. Người dân có thể chấp nhận đóng nhiều tiền hơn để đi con đường êm thuận hơn rồi hậu kiểm, đường xuống cấp thì truy trách nhiệm Bộ trưởng”, ông Nguyễn Văn Thanh nêu quan điểm.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cũng đưa ra một số bất cập trong hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương hiện nay. Theo ông Cường, việc thu trên đầu phương tiện như hiện nay là không hợp lý mà phải thu theo tác động của người sử dụng phương tiện.

“Tốt nhất là thu theo xăng dầu nhưng thu như vậy lại chồng chéo lên phí bảo vệ môi trường hoặc xăng dầu không sử dụng cho đường bộ mà chạy tàu, chạy máy… Đây cũng là vấn đề rất phức tạp. Trong khi đó, thu như hiện nay theo đầu phương tiện thì xe cá nhân đang “gánh” cho xe kinh doanh vận tải rất nhiều”, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường nói.

Một vấn đề nữa được ông Cường nói đến là hiện Quỹ bảo trì mới đáp ứng được 45% nhu cầu duy tu bảo trì đường bộ. Ngân sách của Bộ GTVT dành cho bảo trì cũng chỉ khoảng 10%, trong khi đó phải cần đến 30-35% mới đủ để đảm bảo đường vận hành êm thuận. Trong khi đó, sửa chữa duy tu cho đường bộ lên đến 3.000 USD/km.

“Chúng ta đang có câu chuyện khi mức chi dành cho sửa chữa chỉ từng đấy mà đơn giá lại cao thì một là, tăng thu để đảm bảo 100% đường được bảo dưỡng; hai là kiểm soát làm sao để mức giá làm đường hạ xuống bởi mức giá hiện tại đang cao gấp đôi các nước trong khu vực”, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường cho hay.

Một vấn đề quan trọng nữa được nhắc đến là việc giải ngân Quỹ bảo trì đường bộ, theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Quỹ mỗi ngày thu gần 30 tỷ đồng nhưng cơ chế giải ngân đang rất kém vì cơ chế quản lý phức tạp, mấy năm vừa qua giải ngân chỉ đạt 60-70%. Mà nguyên tắc là đường xá càng để lâu càng hỏng nặng.

Kiến nghị giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ

 

Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất về việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, đồng thời, đề xuất Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng làm Chủ tịch quỹ này, giải thể Văn phòng Quỹ, chuyển toàn bộ nhiệm vụ của Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ cho Chủ tịch Quỹ bảo trì đường bộ.

Các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng tham mưu cụ thể tương ứng theo nhiệm vụ được phân công cho Chủ tịch Quỹ. Việc quản lý thu, chi của Quỹ thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 5/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ là Bộ trưởng Bộ GTVT; 4 phó chủ tịch là Thứ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, GTVT và Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Lý do khiến cơ quan điều hành Quỹ quản lý hơn 10.000 tỷ đồng này đứng trước nguy cơ bị giải thể là từ năm 2017, thực hiện quy định của pháp luật về Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp  toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Toàn bộ nhu cầu chi cho Quỹ Bảo trì đường bộ đều do ngân sách cấp. Việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho các địa phương.

“Theo cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT nhận thấy vai trò của Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương có hạn chế, không đảm bảo hiệu quả như trước đây”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cho biết.

Cùng quan điểm trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, Bộ GTVT được giao dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó có kinh phí duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do bộ này quản lý.

Tuy vậy, do hiện nay vẫn còn duy trì tổ chức Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, nên dự toán chi ngân sách nhà nước cho công tác duy tu, bảo trì đường bộ được Chính phủ giao về Bộ GTVT, nay lại phải chuyển sang Quỹ để quản lý, sử dụng. Hằng năm, Bộ GTVT phải xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, gửi sang Quỹ để phê duyệt. Sau khi được Quỹ phê duyệt với một loạt thủ tục hành chính không cần thiết này, Bộ GTVT mới có kinh phí để thực hiện hoạt động bảo trì.

Như vậy, cùng một công việc duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ đang được giao cho 2 cơ quan, tổ chức thực hiện. Đồng thời, dù được Chính phủ giao nhiệm vụ và ngân sách để thực hiện, nhưng khi sử dụng ngân sách lại phải báo cáo và chịu sự phê duyệt của Quỹ - một tổ chức không thuộc Bộ GTVT.

Do Hội đồng Quản lý Quỹ bị giải thể, nên Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương - trong vai trò cơ quan tham mưu cho Hội đồng - cũng sẽ hết nhiệm vụ.

Trước đó, tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ GTVT cho biết, năm 2013, Quỹ bảo trì đường bộ chính thức đi vào hoạt động với số thu phí của Quỹ Bảo trì Trung ương năm 2013 đạt 5.434 tỷ đồng, năm 2014 đạt 4.923 tỷ đồng, năm 2015 đạt 5.750 tỷ đồng và năm 2016 là 6.388 tỷ đồng...

Quỹ Bảo trì đường bộ trước mắt chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu quản lý, bảo trì, ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn phải cấp bù. Cụ thể, đối với hệ thống quốc lộ, số thu của Quỹ năm 2013 đáp ứng 70%, năm 2014 đáp ứng được 45,12%, năm 2015 đáp ứng được 47,36%, năm 2016 đáp ứng được 47,8% và năm 2017 đáp ứng được 50,3%...

Tại dự thảo lần này, cơ quan quản lý cho rằng, theo lộ trình từ các nguồn thu, Quỹ sẽ dần là nguồn lực chính cho công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ.

Phan Trang

401 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1191
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1191
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87126512