PVN phải chấm dứt trì trệ trong xử lý 5 dự án yếu kém 

(Chinhphu.vn) - Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiều 7/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu PVN triển khai quyết liệt việc xử lý các dự án yếu kém theo lộ trình được Bộ Chính trị đặt ra.

Trước đó, ngày 5/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã phê bình PVN trì trệ trong việc xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém.

 Trong số 12 dự án, bên cạnh những dự án đã có chuyển biến thời gian qua, theo Phó Thủ tướng, nhóm các dự án của PVN "hầu như không có chuyển biến gì mà tình hình còn tệ đi". Cụ thể là 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ, Bình Phước và Quảng Ngãi, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) và nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Tại cuộc họp chiều 7/7, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PVN đã nhận lỗi khi chưa quyết liệt trong việc triển khai giải quyết những tồn tại của 5 dự án thua lỗ, yếu kém thuộc Tập đoàn.

Ông Sơn thừa nhận, việc xử lý các dự án nêu trên mới chỉ dừng ở việc tranh luận, thảo luận và “chưa có chuyển biến gì” mặc dù PVN đã có phương án, đề xuất cụ thể hướng xử lý đối với từng dự án, gửi Ban chỉ đạo và Bộ Công Thương nhưng do khách quan và chủ quan, vướng mắc tài chính nên công việc hiện nay chưa triển khai được nhiều.

Nhắc lại chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, yêu cầu PVN cần phải chỉ đạo triển khai quyết liệt theo lộ trình được Bộ Chính trị đặt ra là năm 2017 hoàn thành phương án xử lý để 2018 cơ bản giải quyết khó khăn và năm 2020 hoàn thành.

“Phó Thủ tướng quyết liệt yêu cầu dự án khó khăn không có chuyển biến thì phải thay thế nhân sự, cán bộ. Ban chỉ đạo đã thông qua phương án xử lý từng dự án, nhưng để thực hiện phương án mà Ban chỉ đạo đã thông qua thì phải giải quyết khó khăn tồn tại thế nào, đưa ra cách giải quyết ra sao, còn khó khăn vướng mắc gì, đề xuất kiến nghị ra sao, trên cơ sở đó thống nhất triển khai để có chuyển biến rõ ràng hơn”, ông Hoàng Quốc Vượng nói.

Đưa ra phương án cụ thể cho từng dự án, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ, trong 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học, cụ thể là dự án Ethanol Dung Quất, quan điểm của Ban chỉ đạo là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn.

Trong khi đó, với dự án Ethanol Phú Thọ, Tổ công tác thống nhất phương án dừng dự án, tiến hành phá sản Công ty và đề nghị PVN làm việc với cổ đông để thực hiện lộ trình này.

Với dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu PVN và phía nhà máy cần làm việc với đối tác để sớm khởi động lại dự án.

Với 2 dự án còn lại, đặc biệt là dự án PVTex, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, phương án đưa ra là khởi động lại dự án cũng như hợp tác với đối tác nước ngoài sau đó thực hiện việc chuyển nhượng vốn. Trong khi dự án Công ty Đóng tàu Dung Quất, Ban chỉ đạo lựa chọn phương án phá sản công ty...

Trên cơ sở cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng hai phương án. Trong đó, phương án một là phương án như Ban chỉ đạo đã quyết định ở trên với điều kiện cho phép cổ đông bỏ vốn xử lý khó khăn. Phương án thứ hai là nếu không được cổ đông chấp nhận thì tiến hành đàm phán hoặc phá sản ngay từ đầu.

Phan Trang

779 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1161
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1161
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87084682