PVF, HAGL và những lò đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam 

PVF, HAGL và những lò đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam

PVF, Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An là ba trong số những trung tâm đào tạo trẻ chất lượng và tiêu biểu tại Việt Nam hiện nay.

PVF: Hơn cả Manchester United và giấc mơ World Cup 2030

Ít người biết rằng trung tâm đào tạo bóng đá PVF lừng danh lại là lò đào tạo “trẻ” nhất Việt Nam. Trung tâm này khai giảng khóa đầu tiên hồi tháng 6/2009 - chậm hơn 2 năm so với lò đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai. Đây là sản phẩm của tập đoàn Vingroup, ra đời sau lời hứa với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ban đầu, lò PVF đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng đến giữa 2017, PVF đã hoàn toàn chuyển ra Bắc, đặt trụ sở mới tại Hưng Yên.

[Ryan Giggs: Mục tiêu là đưa Việt Nam tới World Cup 2030]

Khác với các trung tâm còn lại, lò PVF không đào tạo cầu thủ cho mục tiêu V-League. Đội trẻ PVF thi đấu ở giải hạng hai chỉ với mục tiêu học hỏi. PVF xem việc đào tạo cầu thủ cho các đội bóng V-League và cung cấp cho tuyển quốc gia là mục tiêu hàng đầu của mình.

Mới đây nhất, PVF đã mời huyền thoại Ryan Giggs của Manchester United về làm Giám đốc bóng đá đồng thời tuyển mộ hàng loạt huấn luyện viên chuyên nghiệp từ giải Ngoại hạng Anh. Với cơ sở vật chất “hơn cả Manchester United” và đội ngũ chuyên gia hàng đầu, PVF đặt mục tiêu giúp bóng đá Việt Nam giành vé dự World Cup 2030.

Cầu thủ tiêu biểu: Hà Đức Chinh, Hồ Minh Dĩ, Bùi Tiến Dụng

Hoàng Anh Gia Lai: Khát vọng vĩ đại của bầu Đức

10 năm về trước, khi lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG được thành lập ở phố núi, đây là cơ sở đào tạo hiện đại nhất với triết lý huấn luyện chuyên nghiệp chưa từng có ở Việt Nam.

Sau 10 năm, lò Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang cho thấy sự hiệu quả khi cầu thủ Gia Lai áp đảo đội hình các đội tuyển quốc gia. “Những đứa trẻ của bầu Đức” sở hữu kỹ thuật và tư duy chiến thuật rất tốt. Họ đang là nòng cốt ở U23 Việt Nam và tuyển quốc gia hiện nay.
 

Bộ đôi Công Phượng, Văn Toàn là những sản phẩm điển hình của lò đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)


Dù vậy, sự vội vã của bầu Đức trong việc đôn lứa trẻ này lên V-League đã làm ảnh hưởng tới thành tích của đội bóng. Từ năm 2015 tới nay, Hoàng Anh Gia Lai đã liên tục phải chiến đấu cho mục tiêu trụ hạng.

Cầu thủ tiêu biểu: Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh

Hà Nội FC: Mẫu mực của sự kết hợp già trẻ

Cũng sở hữu lò đào tạo trẻ chất lượng bậc nhất nhưng điểm đặc biệt của Hà Nội FC là niềm tin dành cho các cầu thủ trẻ. Lò đào tạo này không chỉ biết cách tạo ra những tài năng trẻ, họ còn biết cách sử dụng những cầu thủ này thật hợp lý, phát huy tối đa tiềm năng của họ, cho họ được chơi bên cạnh những đàn anh kinh nghiệm và từ đó nhanh chóng trưởng thành.
 

Mới 18 tuổi, Đoàn Văn Hậu đã khoác áo tuyển Việt Nam và đá chính tại V-League. Anh chính là sản phẩm điển hình của Hà Nội FC. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)


Sau nhiều năm liên tục đôn lên các cầu thủ trẻ, Hà Nội FC đang xưng hùng ở V-League với đội hình toàn cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Rất nhiều cái tên trong đội một của ông Chu Đình Nghiêm là những cầu thủ trẻ tự đào tạo như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng, Trần Văn Kiên...

Cầu thủ tiêu biểu: Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng

Sông Lam Nghệ An: Vang bóng một thời

Trong hàng thập kỷ, Sông Lam Nghệ An luôn là trung tâm đào tạo trẻ số một Việt Nam. Những cầu thủ Việt Nam hay nhất qua nhiều thế hệ thường xuất thân từ Sông Lam Nghệ An, điển hình là Phạm Văn Quyến và Lê Công Vinh.
 

Sông Lam Nghệ An từng là lò đào tạo trẻ hàng đầu tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)


Lò đào tạo Sông Lam được xây dựng dựa trên nền tảng bóng đá phong trào vô cùng phát triển ở Nghệ An. Cầu thủ Nghệ An thường sở hữu kỹ thuật thượng thừa nhưng cũng có lối chơi không kém phần máu lửa, quyết liệt.

Trong 10 năm trở lại đây, hạn chế tài chính, cơ chế bao cấp và sự cạnh tranh từ các lò đào tạo khác đã khiến Sông Lam Nghệ An không còn giữ được truyền thống cũ.

Cầu thủ tiêu biểu: Nguyễn Hữu Thắng, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh

Viettel: Hậu duệ Thể Công trở lại

Không lâu sau khi Thể Công huyền thoại giải thể, những người lãnh đạo ngành thể thao Quân đội đã nỗ lực tái hiện hình ảnh đội bóng này trong hình hài mới: Viettel. Đội bóng Viettel là câu lạc bộ chuyên nghiệp duy nhất ở Việt Nam hiện tại chỉ sử dụng nội binh.
 

Bùi Tiến Dũng (số 4) của Viettel vinh dự mang băng đội trưởng U22 Việt Nam trong trận giao hữu với U22 Hàn Quốc hồi tháng 7 vừa qua. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)


Các cầu thủ Viettel được đào tạo theo mô hình tiên tiến, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Họ cũng đồng thời được giáo dục, trưởng thành trong môi trường có phần “lính tráng” nên chịu ảnh hưởng lớn từ triết lý Thể Công trong quá khứ.

Cầu thủ Viettel thường không sở hữu kỹ thuật cá nhân xuất sắc. Nhưng họ có thừa tính chiến đấu, tinh thần đồng đội và tư duy chiến thuật. Những cái tên hay nhất của Viettel hiện nay đều tới từ hàng phòng ngự.

Cầu thủ tiêu biểu: Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Đại
 

Nếu tập hợp lại, các cầu thủ trẻ Hải Dương (áo vàng) có thể tạo nên một đội hình tuyển thủ quốc gia. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)


Hải Dương: Thế lực bóng đá Nhi đồng

Không phải PVF, Hoàng Anh Gia Lai hay bất cứ lò đào tạo nào khác, Hải Dương mới là thế lực số một của bóng đá Việt Nam ở cấp độ Nhi đồng. Hệ thống đào tạo trẻ ở cấp tiểu học của Hải Dương là hình mẫu mà cả miền Bắc đang nỗ lực học theo. Trong 5 năm gần nhất, Hải Dương đã ba lần vô địch U11 quốc gia.

Do không có các đội trẻ tuyến trên, lò trẻ Hải Dương trở thành nguồn cung chất lượng cho bóng đá cả nước. Hầu hết các trung tâm bóng đá hàng đầu Việt Nam đều có người của Hải Dương. Trong đội hình U23 Việt Nam của ông Park Hang-seo, có bốn cầu thủ gốc Hải Dương hiện góp mặt là Văn Toàn, Văn Thanh, Đức Huy và Trọng Đại.

Cầu thủ tiêu biểu: Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Trọng Đại/.

1860 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thể thao

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 575
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 575
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87023403