Theo đó, PMI của Việt Nam tiếp tục tăng từ mức 53,9 điểm trong tháng 5 lên 55,7 điểm trong tháng 6.
Các điều kiện kinh doanh ngày càng tốt hơn trong suốt 31 tháng vừa qua. Sản lượng của ngành tiếp tục tăng nhanh đáng kể, duy trì trong 3 tháng liên tiếp trở lại đây. Mức tăng này cao thứ hai kể từ khi khảo sát bắt đầu, chỉ sau mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 3/2011.
Nguyên nhân là lượng đơn đặt hàng mới cũng như nhu cầu của khách hàng tăng mạnh. Trong đó, tốc độ tăng đơn đặt hàng mới cũng là một trong những tốc độ tăng mạnh nhất trong lịch sử khảo sát tính đến nay. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng liên tục kể từ tháng 12/2015.
Khối lượng công việc tăng lên khiến các công ty phải tuyển thêm nhân công trong tháng 6, số lượng việc làm tăng cao kỷ lục đã giúp các công ty giảm bớt lượng công việc tồn đọng mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Các nhà sản xuất cũng tăng mạnh hoạt động mua hàng hóa đầu vào trong tháng 6, với tốc độ tăng nhanh thứ ba trong lịch sử chỉ số tính đến thời điểm này.
Bên cạnh đó, theo Nikkei, giá cả đầu tăng mạnh, với tốc độ tăng nhanh hơn trong 3 tháng liên tiếp và trở thành mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2. Giá dầu tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đã góp phần làm tăng gánh nặng chi phí chi phí.
Các nhà sản xuất đã khắc phục chi phí đầu vào tăng bằng cách tăng giá cả đầu ra, từ đó kéo dài thời kỳ tăng giá hiện nay thành 10 tháng. Giá bán hàng cũng đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2.
Dù vậy, theo Nikkei mức độ lạc quan của các nhà sản xuất vẫn cao. Những người trả lời khảo sát cho biết số lượng đơn đặt hàng mới tăng sẽ hỗ trợ tăng sản lượng trong năm tới.
Ông Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit đánh giá: “Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có vẻ đang tiến nhanh ở thời điểm giữa năm 2018 khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới có mức tăng nằm trong số những mức tăng nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2011. Giai đoạn tăng trưởng hiện nay là cực kỳ tích cực cho người lao động Việt Nam, khi các công ty đang tuyển thêm nhân công với tốc độ kỷ lục trong tháng 6”.
Theo báo cáo Dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II, quý III và 6 tháng cuối năm 2018 do Tổng cục Thống kê công bố mới đây, khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo của quý III/2018 khả quan hơn khi có 89,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định so với quý II/2018 (52,6% doanh nghiệp dự báo tăng và 37% doanh nghiệp giữ ổn định); trong khi đó có 10,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Cùng với xu hướng tăng trong quý III, có 92,8% doanh nghiệp lạc quan cho rằng 6 tháng cuối năm 2018 khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với 6 tháng đầu năm 2018 (trong đó 59,4% doanh nghiệp dự báo tăng và 33,4% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên), chỉ có 7,2% dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Bên cạnh đó, số lượng đơn đặt hàng mới cũng được dự báo khả quan hơn ở 6 tháng cuối năm với 92,8% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định, chỉ có 7,2% dự báo giảm.
Để bảo đảm thực hiện số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, nhu cầu lao động cũng tăng lên trong 6 tháng cuối năm khi 94% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ ổn định so với 6 tháng đầu năm, chỉ 6% doanh nghiệp dự báo giảm quy mô lao động.
Hương Thảo (tổng hợp)