Phục hồi và phát triển gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế 

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh những thách thức thì tác động từ đại dịch COVID-19 cũng chính là cơ hội để chúng ta giải quyết các “nút thắt”, cơ cấu lại và tạo ra động lực mới cho nền kinh tế. Vì vậy, xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung vào các nguồn lực trọng tâm một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng chính sách phải tổng thể, bao quát, trong đó vừa tác động đến phía cung để giảm chi phí sản xuất, vừa kích cầu để tạo đầu ra cho sản phẩm và các khâu kết nối, lưu thông sản xuất - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Tại Hội nghị Tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 diễn ra sáng 1/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng đồng thời cũng mang lại những bài học kinh nghiệm, cơ hội và tương lai mới cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tác động của dịch bệnh tạo ra thay đổi về kinh tế-xã hội, giúp chúng ta nhận ra những khiếm khuyết, điểm yếu trong hệ thống, hạn chế của nền kinh tế. Quan trọng hơn, đây là cơ hội để chúng ta kịp điều chỉnh cho một tương lai “hậu COVID-19”.

“Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để không “lỡ nhịp” khi bước vào trạng thái bình thường mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thời gian qua, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp... Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính tất cả các khoản hỗ trợ, bao gồm cả các kênh khác như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện nước, học phí… thì tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch trong năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các giải pháp thời gian qua của nước ta chủ yếu giải quyết khó khăn ngắn hạn và các vấn đề về tài chính, vẫn thiếu tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ để phục hồi kinh tế gắn với cải cách, cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự thảo Chương trình phục hồi kinh tế gắn với năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Thách thức đặt ra từ nay đến cuối năm và năm 2022 là rất lớn. Trước tình hình đó, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu 5 năm đã đề ra, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, Chương trình hướng tới mục tiêu tạo nền tảng hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi; đồng thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực bền vững, hạn chế ảnh hưởng đến các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, để thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình cần đưa ra các giải pháp cụ thể gắn với nguồn lực, phù hợp với năng lực của nền kinh tế, khả năng cân đối ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, cũng cần xác định đối tượng ưu tiên, hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, trợ giúp trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Song song với đó, cần sẵn sàng các giải pháp y tế để thích ứng chủ động, linh hoạt, an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới.

“Chính sách phải tổng thể, bao quát, trong đó vừa tác động đến phía cung để giảm chi phí sản xuất, vừa kích cầu để tạo đầu ra cho sản phẩm và các khâu kết nối, lưu thông sản xuất. Thời gian thực hiện Chương trình cần đủ dài để triển khai các giải pháp phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân của giai đoạn 2012-2025 là từ 6,5% đến 7%”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Dự kiến, kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác, trong đó có các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ công đoàn. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về tài chính, tín dụng, đào tạo lao động, đầu tư phát triển... được huy động từ các nguồn của doanh nghiệp, vốn hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ ngoại hối, hợp tác công-tư và các nguồn hợp pháp khác.

 

 

Hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế trên tinh thần đổi mới, hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp, người dân gắn với năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế.

Một là, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19” là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế.

Hai là, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; tiết kiệm chi thường xuyên.

Ba là, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bốn là, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ô tô trong nước.

Năm là, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, tài chính, sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

Sáu là, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN, KKT…

Bảy là, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

Tám là, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường kết nối cung-cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, hiệp hội, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã thảo luận về Chương trình nói chung, 8 nhóm giải pháp nói riêng, dựa trên các nhóm vấn đề như: Chính sách và kinh nghiệm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam; các yêu cầu đối với Việt Nam để phục hồi, phát triển nền kinh tế và thích nghi với các trật tự, cấu trúc mới của kinh tế thế giới; đánh giá các cơ hội cho Việt Nam để tận dụng quá trình phục hồi, cơ cấu lại nền kinh tế để chuẩn bị cho các diễn biến mới trong tương lai; khuyến nghị về nguyên tắc, yêu cầu, thời gian, phạm vi, quy mô, đối tượng và hình thức của các chính sách hỗ trợ; đánh giá mối quan hệ của Chương trình phục hồi này với các chính sách hỗ trợ đang thực hiện; khuyến nghị về các vấn đề xã hội, trong đó làm rõ những việc Việt Nam phải thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

 

 Minh Ngọc

174 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1198
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1198
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87180910