Xã Triệu Long và Triệu Giang thuộc huyện Triệu Phong là hai địa phương nằm sát bờ sông Thạch Hãn, nơi thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa bão khiến cuộc sống của người dân ở đây rất vất vả. Thiếu vốn đầu tư mô hình sản xuất, kinh tế khó khăn nên nhiều hộ nhà cửa tạm bợ thường bị ngập lụt, thiệt hại tài sản vào mùa mưa bão. Cuộc sống của nhiều nông hộ cứ quẩn quanh với nghèo đói. Trước khó khăn của hội viên, năm 2015 Hội LHPN tỉnh phối hợp Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế tích lũy tiền xây nhà ở phòng tránh thiên tai tại xã Triệu Long với 20 hộ đầu tiên được vay vốn. Số tiền trung bình mỗi hộ được vay là 25 triệu đồng, trả dần vốn trong vòng 5 năm với lãi suất thấp. Số vốn người vay trả dần hàng quý tiếp tục quay vòng cho chị em phụ nữ nghèo, khó khăn khác vay.
Với kết quả đạt được ở mô hình tại xã Triệu Long, năm 2017, mô hình này được nhân rộng cho 20 hội viên phụ nữ xã Triệu Giang. Và tính đến tháng 9/2017, tại 2 xã Triệu Long và Triệu Giang đã có 44 hộ gia đình là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt với tổng số tiền 1,1 tỉ đồng trong đó có 28 hộ, chiếm 64% số hộ vay vốn đã tích lũy đủ vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở đảm bảo an toàn mỗi khi mùa mưa bão đến. Những hộ còn lại đang tập trung phát triển sinh kế bằng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để tiếp tục tích lũy tiền xây dựng, sửa chữa nhà ở trong thời gian tới.
Nhà Hồ Thị Luy (ở thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong), là một trong 20 hộ gia đình được vay vốn từ mô hình “Tiếp sức cho phụ nữ xây dựng nhà ở phòng tránh thiên tai từ nguồn vốn quay vòng” do Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung và Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức. Trước đây, cứ vào mùa mưa lũ gia đình chị phải đối mặt với nhiều khó khăn, và lo nhất vẫn là việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình cũng như vận chuyển được lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết để tránh lũ. Từ khi có ngôi nhà được xây dựng theo mô hình mới này, mùa mưa bão đến gia đình chị đã yên tâm hơn rất nhiều. Chị Gái tâm sự “So với số vốn làm nhà hàng trăm triệu đồng thì nguồn vốn 25 triệu đồng từ mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế, tích lũy xây dựng nhà ở phòng tránh thiên tai của Hội LHPN không nhiều nhưng rất đáng quý. Bởi với số tiền này mỗi tháng vợ chồng tôi chỉ trả 75 ngàn đồng tiền lãi, 6 tháng sau khi vay mới trả mỗi tháng thêm 500 ngàn đồng tiền gốc. Việc cứ trả dần tiền vay mỗi tháng một ít để có một khoản tiền vài chục triệu đồng đỡ đần khó khăn khi làm nhà như thế giúp vợ chồng tôi giảm bớt áp lực trả nợ.”
Căn nhà khang trang vừa được xây dựng của vợ chồng chị Hồ Thị Luy ở thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong
Tâm đắc với mô hình hỗ trợ phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu do Hội LHPN tỉnh kết nối tổ chức thực hiện tại địa phương, ông Lê Quang - Chủ tịch UBND xã Triệu Long cho biết: Đây là mô hình mang tính nhân văn cao với mục đích an sinh xã hội, bởi người dân có “an cư mới lạc nghiệp”. Đồng thời, cũng đã giúp địa phương giải quyết vấn đề khó khăn về nguồn vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định tình hình trong mùa mưa bão.
Có thể nói, bằng nhiều cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương như: Đầu tư phát triển sinh kế chăn nuôi bò, lợn, tích lũy để sữa chữa nhà cửa và quay vòng tiền trả gốc, các mô hình giúp “Tiếp sức cho phụ nữ xây dựng nhà ở phòng tránh thiên tai từ nguồn vốn quay vòng” tại Quảng Trị đã phát huy những hiệu quả tích cực. Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội LHPN tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn của các hộ vay; lồng ghép với các hoạt động của Hội tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh ở bò, lợn cho các đối tượng hưởng lợi nhằm hỗ trợ đầu tư vốn vay có hiệu quả trong hoạt động phát triển sinh kế góp phần tích lũy để sửa chữa, xây dựng nhà kiên cố phòng tránh bão lũ khi đủ điều kiện.
Hoạt động phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ trong công tác phòng chống thiên tai, tạo điều kiện để nhiều hộ gia đình yên tâm trong cuộc sống trước mỗi mùa mưa bão - điều mà mỗi hộ gia đình trước đây thường lo lắng khi mùa mưa bão về. Hiện nay, 44 hộ đang sử dụng nguồn vốn vay đảm bảo mục đích theo quy định, bao gồm: 22 hộ sửa chữa nhà ở, 22 hộ đang đầu tư phát triển sinh kế để tích lũy vốn sửa chữa nhà ở và nhu cầu vay vốn của các hộ dân vẫn còn rất lớn.
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, thiên tai đang diễn ra với nhiều biến động và những hiện tượng thời tiết cực đoan không ngừng gia tăng, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy chương trình “Tiếp sức cho phụ nữ xây dựng nhà ở phòng tránh thiên tai từ nguồn vốn quay vòng” có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Chương trình này cũng cần được nhân rộng trong thời gian tới để có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, giúp đỡ chị em phải sống trong những vùng thiên tai vượt qua khó khăn, sớm trang bị cho chị em những kỹ năng để chị em phụ nữ có thể nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, với biến đổi khí hậu, để chị em có thể vượt lên hoàn cảnh, tránh được những rủi ro khi bão đến. Bài, ảnh: Thanh Thúy