Với tính chất quan trọng như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tổ chức vào tháng 10/1930 đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kể từ ngày có tổ chức Hội, lần đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể quần chúng.
Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, không ngừng phát triển và trưởng thành, đóng góp tài năng, trí tuệ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên nhiều thành tựu vĩ đại.
Trên chặng đường lịch sử vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quảng Trị đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tiếp nối truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, phụ nữ Quảng Trị đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, không ngừng phấn đấu, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo đóng góp quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nhận thức sâu sắc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Hội, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ thực tiễn của quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bằng việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước cụ thể đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, nhiều điển hình tập thể, phụ nữ tiêu biểu, được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận và biểu dương, góp phần thúc đẩy phong trào hành động cách mạng trong các tầng lớp phụ nữ, thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Với vai trò là tổ chức đại diện về giới, các cấp Hội Phụ nữ luôn đặt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ làm trọng tâm, để đồng hành cùng sự phát triển ngày càng tiến bộ của nữ giới. Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, các cơ sở Hội phát huy tốt vai trò nòng cốt trong vận động phụ nữ tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, gắn với thực hiện cuộc vận động Phụ nữ tích cự "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội đã chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình “đoạn đường kiểu mẫu”, “đường hoa yêu thương”, “Đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc”, “tuyến đường xanh, sạch, đẹp”, “Góc bếp sạch” ở tất cả mọi vùng, miền, trong đó quan tâm vận động phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành lập mô hình “Không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, CLB “Phụ nữ với pháp luật”. Hướng đến thực hiện nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy “Về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”, 100% Hội LHPN huyện, thị, thành phố đã tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; vận động hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng các chương trình, đề án của địa phương về tái cơ cấu nông nghiệp, tham gia các mô hình sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Kết quả, các cấp hội đã xây dựng được 95 mô hình về sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, hỗ trợ 220 hộ gia đình trên địa bàn 3 xã thuộc 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa xây dựng mô hình “Vườn rau dinh dưỡng”.... Nhằm khuyến khích hội viên phụ nữ có ý tưởng sáng tạo, phát huy nội lực để khởi sự, khởi nghiệp, hỗ trợ giúp cho hội viên phụ nữ hiện thực hóa các ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp một cách bền vững, có hiệu quả, các cấp Hội đã hỗ trợ cho 443 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với các hình thức: hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, tư vấn xây dựng thương hiệu.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, các cấp Hội đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông về kinh tế tập thể và đã thành lập 113 mô hình kinh tế tập thể với 1.817 thành viên tham gia; trong đó, có 108 tổ hợp tác, 05 hợp tác xã; tăng cường kết nối trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho các gia trại, trang trại, tổ hợp tác; chủ động đề xuất với tỉnh tham gia chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, đặc biệt đã tạo được kênh giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương. Tiếp tục thực hiện các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ trên cơ sở rà soát, nắm bắt cụ thể nguyên nhân nghèo và phân công giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 21/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, các cấp Hội đã xây dựng 191 mô hình “Vì phụ nữ nghèo”, mô hình giảm nghèo bền vững, đặc biệt mô hình “Ngân hàng con giống” đã lan tỏa khắp các vùng miền, tạo thành nguồn lực đáng kể hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh từ 1,5-2%. Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Trị lần thứ XIV, các cấp Hội giúp đỡ, đỡ đầu 4.644/4.644 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, trong đó đỡ đầu có địa chỉ 3.483 hộ, chiếm 75%/tổng số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.
Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần dân chủ của hội viên phụ nữ trong việc đóng góp ý kiến tham gia xây dựng đảng, chính quyền, các cấp Hội đã tổ chức đối thoại giữa hội viên phụ nữ với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng về các chủ trương, chính sách, dịch vụ công có liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Phát huy tốt vai trò tích cực của cán bộ, đội ngũ hội viên nòng cốt ở cơ sở để kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của chị em, định hướng dư luận xã hội trong nhân dân và phụ nữ, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, nhằm góp phần đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị ở địa phương
Xác định công tác cán bộ là then chốt, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thường xuyên tham mưu cho cấp ủy Đảng quan tâm, rà soát, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ và giới thiệu cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy Đảng, chính quyền và tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Để chuẩn bị cho nhân sự Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh đã chủ động rà soát tình hình, danh sách cán bộ nữ lãnh đạo, cán bộ nữ trong diện quy hoạch nhằm tham mưu, đề xuất thực hiện công tác cán bộ nữ; đặc biệt, các cấp Hội đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tăng tỷ lệ nữ cấp ủy đảm bảo theo quy định tại Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ chính trị. Kết quả Đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bầu 564 cấp ủy viên là nữ, chiếm 18%, tăng 0,34% so với nhiệm kỳ 2015 – 2020; Đại hội cấp trên cơ sở bầu 68 cấp ủy viên là nữ, chiếm 16,04%, ủy viên ban thường vụ nữ 15 đồng chí, chiếm 12,4%. Được tín nhiệm, bổ nhiệm giữ những trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, có thể thấy phụ nữ Quảng Trị ngày càng trưởng thành, dù ở vị trí nào cũng đều phát huy tốt năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhận thức việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết TW 6 khóa XII của BCH Trung ương Đảng có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện việc củng cố tổ chức Hội, đặc biệt là các địa phương sau sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, hướng dẫn Hội cơ sở thực hiện kiện toàn tổ chức hội, giới thiệu cán bộ nữ tham gia 03 chức danh tại cơ sở, tham mưu nhân sự nữ tham gia cấp ủy Đảng, đảm bảo ổn định hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tại các địa phương có sáp nhập. Hội đã làm tốt công tác giới thiệu hội viên ưu tú đề nghị Đảng bồi dưỡng, kết nạp, tăng tỷ lệ đảng viên nữ, cán bộ nữ trẻ hàng năm, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, các cấp Hội đã giới thiệu 1.023 hội viên, phụ nữ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, trong đó có 738 chị được kết nạp chiếm tỷ lệ 56,07%.
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hàng năm, các cấp Hội thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Nội dung giám sát chú trọng những vấn đề thực tiễn, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, như: Chính sách đối với cán bộ nữ, chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ vùng dân tộc thiểu số; chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm cho lao động nữ nông thôn; chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; chính sách về nhà ở cho người có công với cách mạng; việc hỗ đền bù cho người dân vùng biển bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển do Formosa gây ra v.v.. Sau giám sát, các cấp Hội đã gửi thông báo kết quả và kiến nghị, đề xuất đến cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan về những vấn đề đã phát hiện qua giám sát. Tích cực tham gia góp ý dự thảo các Đề án, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và các ban, ngành; tổ chức hội nghị lồng ghép phản biện, góp ý các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan như Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tham gia xây dựng dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, dự thảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự (sửa đổi)...; tổ chức các hình thức phù hợp để cán bộ, hội viên phụ nữ thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, phát huy trí tuệ của cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Những nỗ lực, đóng góp tích cực của các cấp Hội và phụ nữ Quảng Trị trong xây dựng đảng, chính quyền thời gian qua chính là sự đồng hành, cổ vũ, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ; đồng thời, khẳng định Hội Phụ nữ chính là cánh tay đắc lực của cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã có lời khen và căn dặn: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Để tiếp tục nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng vững mạnh, trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác phụ nữ trong tình hình mới đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp phụ nữ. Đồng thời, rà soát xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với nhu cầu thực tế, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của phụ nữ, để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phụ nữ. Đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua yêu nước chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tạo không khí phấn khởi, xây dựng mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng dân cư, sớm đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 21- CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cho cán bộ, hội viên nhận thức rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, các chủ trương, dự án lớn của tỉnh về phát triển kinh tế -xã hội và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ. Tăng cường xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ, đào tạo đội ngũ cán bộ hội cơ sở có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tham gia và phục vụ tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026.
Với niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang 90 năm của Hội LHPN Việt Nam, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, tổ chức Hội LHPN tỉnh Quảng Trị sẽ không ngừng lớn mạnh, phụ nữ Quảng Trị sẽ tiếp tục tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, xứng đáng với tám chữ vàng mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân dành tặng cho phụ nữ: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./. Nguyễn Đăng Quang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy