|
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 120.000 người lao động. Ảnh: VGP. |
Công cụ chính sách cần thiết
Việt Nam hiện đã có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thương mại thông qua việc ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP, Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu-EVFTA.
Đối với hàng hóa nội địa, mức cắt giảm thuế quan hầu hết về 0% theo 13 Hiệp định FTA đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có độ mở cửa cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, song hành cùng với những thuận lợi của các Hiệp định khi tận dụng lợi thế so sánh để gia tăng hiệu quả sản xuất, Việt Nam đang đối mặt không ít thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ nhất, quá trình mở cửa, dù theo lộ trình, với các đối tác thương mại lớn có thể khiến một số ngành sản xuất trong nước không thích ứng kịp với diễn biến cạnh tranh phức tạp, thậm chí không lành mạnh (như bán phá giá, nhận trợ cấp) của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Thứ hai, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao.
Thậm chí, theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các vụ kiện này không chỉ diễn ra với hàng hóa có thể mạnh xuất khẩu mà với ngay cả các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp. Việc này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới các ngành sản xuất, xuất khẩu và gián tiếp đặt ra các gánh nặng về kinh tế, xã hội.
“Trên thực tế, pháp luật về phòng vệ thương mại Việt Nam đã được xây dựng cách đây 15 năm, trước khi chúng ta chính thức gia nhập Tổ chức Kinh tế thế giới (WTO). Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 5 năm gần đây chúng ta mới thực sự chủ động sử dụng công cụ hợp pháp mà WTO và các FTA cho phép”, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kể từ năm 2013 đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 16 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có 10 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 6 vụ việc điều tra tự vệ.
Trên cơ sở tiến hành điều tra một cách khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng 13 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Các hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp thuộc các nhóm hàng sắt thép, phân bón, chất dẻo, hàng dệt, thực phẩm. Đây hầu hết là những mặt hàng có vai trò quan trọng, là xương sống trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.
|
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ được áp dụng. |
Bảo vệ việc làm cho 120.000 lao động
Ông Lê Triệu Dũng cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại được tất cả các quốc gia trên thế giới thừa nhận là những công cụ chính sách cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước. Đối với Việt Nam, mặc dù các biện pháp phòng vệ thương mại mới được áp dụng trong những năm gần đây nhưng đã đem lại hiệu quả tích cực.
Theo đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 120.000 người lao động trong các lĩnh vực, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Qua theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể.
Ví dụ, mặt hàng tôn mạ trước đây mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể. Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty phân bón DAP Hải Phòng, Công ty thép Việt Trung, Công ty thép Việt Ý, Công ty thép Pomina...
Các biện pháp phòng vệ thương mại cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.
Tiêu biểu như trường hợp phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Trước năm 2009, khi ta không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 đồng/kg vào cuối năm 2017.
Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia… đều đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo duy trì sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương cũng theo dõi sát diễn biến giá cũng như tình hình nhập khẩu và rà soát định kỳ để điều chỉnh biện pháp phòng vệ thương mại cho phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do phòng vệ thương mại hay giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ được áp dụng (như thép Hòa Phát, tôn Đông Á, DAP Hải Phòng, thép Posco SS Vina...), điều này cũng chứng tỏ năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.
“Như vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh”, ông Lê Triệu Dũng nói.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quốc gia được áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu.
Phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp cơ bản: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Trong khi đó, biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.
Hiện nay, các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới đều đã có điều khoản về phòng vệ thương mại. Hầu hết các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ toàn bộ rào cản đối với thương mại và các thành viên tham gia FTA đều kỳ vọng sẽ hạn chế, hoặc không áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong nội khối. Tuy nhiên, việc loại bỏ rào cản thuế quan trong FTA đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, vì các ngành sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tìm kiếm sự bảo vệ khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
|
Phan Trang