Quảng Trị tập trung phòng trừ rầy lây lan trên diện rộng gây hại cho lúa Hè Thu 2018. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN
Đến đầu tháng 8/2018, diện tích lúa Hè Thu 2018 bị nhiễm rầy đã lên đến trên 6.400 ha; trong đó, có trên 212 ha lúa bị nặng khiến nhiều diện tích lúa bị cháy.
Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy, các mẫu rầy lưng trắng và mẫu lúa đều dương tính với vi rút lùn sọc đen – bệnh rất nguy hiểm đối với cây lúa. Hiện nay, ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đã ghi nhận được hơn 17 ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen.
Đáng chú ý là mô hình “Liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ sử dụng phân bón Obi – Ong biển”, do các doanh nghiệp và nông dân thực hiện trên tổng diện tích hơn 142 ha; trong đó, đã có 59 ha bị nhiễm rầy nặng với mật độ phổ biến 3.000 con/m2, nơi cao lên đến 10.000 – 15.000 con/m2.
Nhiều diện tích lúa đã bị cháy do nhiễm rầy nặng, tập trung ở các Hợp tác xã: Đức Xá – Vĩnh Thủy, Phước Thị - Gio Mỹ, Diên Khánh – Hải Dương, Long Hưng – Hải Phú, Quảng Điền, Đại Hào – Triệu Đại… nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Trần Thanh Hiền vừa yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tăng cường cán bộ điều tra, theo dõi mật độ rầy và diễn biến của bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời; hướng dẫn nông dân xử lý diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen đúng quy định.
Đối với các doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, cấp bổ sung phân bón đặc hiệu để bón cho diện tích lúa sinh trưởng phát triển kém, ruộng lúa bị nhiễm rầy nặng, để cây lúa phục hồi; kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng của lúa để làm cơ sở hỗ trợ, đền bù năng suất vào cuối vụ...
Rầy gây hại trên diện rộng trong vụ lúa Hè Thu 2018 ở Quảng Trị, là do thời gian qua nắng nóng kéo dài khiến lúa phát triển và sinh trưởng kém, công tác phun trừ rầy gặp nhiều khó khăn do thiếu nước. Trong khi đó, vụ Hè Thu 2018 tỉnh Quảng Trị có trên 4.000 ha lúa gieo cấy trễ hơn so với lịch thời vụ…/.
Nguyên Lý/TTXVN