Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” có sức lan tỏa mạnh mẽ 

(Chinhphu.vn) – Là 1 trong 4 phong trào thi đua của giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động trong phạm vi cả nước, phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, hiệu quả và có sức lanh tỏa mạnh mẽ.
 

 

Trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua trong cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, ngày 11/10/2016, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-HĐTĐKT ngày 29/8/2017 để tổ chức triển khai, trong đó xác định mục tiêu, nội dung, tiêu chí và các giải pháp thực hiện phong trào thi đua.

 

Trên cơ sở Kế hoạch của Hội đồng, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương đã ban hành kế hoạch, phát động và triển khai kịp thời phong trào thi đua, thực hiện “03 hỗ trợ”, “05 đồng hành” cùng doanh nghiệp, doanh nhân cũng như triển khai các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. 

Các bộ, ngành Trung ương đã thực hiện nhiều biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Các bộ, ngành tài chính, công thương, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, tư pháp, Ngân hàng Nhà nước... tích cực nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và tập trung tháo gỡ các vướng mắc về chính sách đầu tư xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, chứng khoán, xuất nhập khẩu; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Tham mưu và phối hợp tổ chức thành công nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng mở ra nhiều cơ hội để cộng đồng các doanh nghiệp tiếp cận, khai thác các nguồn lực, thông tin, tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển, các cơ hội đầu tư và kết nối hợp tác với đối tác nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tích cực thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên, đoàn viên nâng cao kiến thức, năng lực, hỗ trợ tiếp cận vốn, kỹ thuật để phát triển doanh nghiệp.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc ban hành chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách bộ máy hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng, kê khai thuế điện tử, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, quảng bá xúc tiến thương mại... Tập trung xây dựng, triển khai các đề án khởi nghiệp, thí điểm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, gia tăng năng suất, chất lượng, thương hiệu hàng hóa. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư; tổ chức gặp mặt thường kỳ giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các đề xuất, phản ánh, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tổ chức gặp mặt, biểu dương, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu xuất sắc, tiêu biểu...

Trong cộng đồng doanh nghiệp, phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ trên các phương diện: Thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tăng doanh thu, lợi nhuận. Cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, gìn giữ văn hóa, đạo đức kinh doanh, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng. Tập trung nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, chính sách tín dụng, bảo hiểm, quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường. Đảm bảo an toàn lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tích cực tham gia góp sức vì cộng đồng, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và xây dựng nông thôn mới...

Thông qua phong trào thi đua, nhiều giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực, trong điều kiện rất khó khăn trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhà nước đã dành nhiều nguồn lực, thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn; giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ lãi suất tín dụng... Các doanh nghiệp tích cực, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị hiện đại, thu hút vốn đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo diễn ra sôi động. Giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm có khoảng 126.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015; đã hình thành, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân và ứng dụng khoa học, công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Nguyễn Hoàng

264 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 857
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 857
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88333652