Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản thời gian vừa qua.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT) |
Phóng viên (PV): Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản 8 tháng vừa qua?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Vừa qua, chăn nuôi từ đại gia súc trâu, bò đến chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và thủy sản nuôi, chúng ta đều khống chế các dịch bệnh xuống ở mức độ rất thấp. Chính vì thế, sản lượng chăn nuôi 8 tháng năm 2020 đã tăng tới 6,3%. Đồng thời, không xảy ra các điểm dịch hại lớn. Đây là kết quả chung chúng tôi đánh giá rất cao.
Thứ hai, trên từng đối tượng chăn nuôi, cụ thể như chăn nuôi đại gia súc, các bệnh chính như tụ huyết trùng, lở mồm long móng hầu như không xảy ra ở quy mô đáng kể. Với đàn gia cầm, chúng ta có số lượng rất lớn, trên 500 triệu con nhưng hiện nay số ổ dịch của các loại cúm đối với gia cầm rất nhỏ.
Bên cạnh đó là chăn nuôi lợn, với dịch tả lợn châu Phi, chúng ta đã khống chế xuống ở mức độ rất thấp. Hiện nay, 98% số xã đã công bố hết dịch, không còn tái diễn. Chăn nuôi thủy sản cũng vậy, trên hai đối tượng chính là cá tra và tôm, hiện, các dịch bệnh ở quy mô nhỏ, không đáng kể. Do đó, chúng tôi đánh giá chung là đã đảm bảo khá tốt công tác thú y trên các đối tượng chăn nuôi lớn trong 8 tháng năm 2020.
PV: Theo Bộ trưởng, từ nay đến cuối năm, về phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình có nhiều nguy cơ rủi ro. Một là khối lượng đàn và mật độ đàn chăn nuôi chúng ta lớn như vậy thì nguy cơ rủi ro xảy ra dịch bệnh sẽ rất cao. Thứ hai, chúng ta biết rằng quý IV hàng năm là quý mà khối lượng sản phẩm chăn nuôi, kể cả thủy sản luân chuyển rất lớn, kể cả nguyên liệu, kể cả chế biến, kể cả tổ chức tiêu thụ và không chỉ trong nước mà còn xuất nhập khẩu. Chính vì thế, xác suất rủi ro gây ra tình hình dịch bệnh lan truyền rất là lớn.
Một nguy cơ nữa là tác động của biến đổi khí hậu, các yếu tố cực đoan của thời tiết diễn ra từ đầu năm đến nay. Đặc biệt từ nay đến cuối năm có sự giao mùa ở các vùng. Một là ở phía Bắc chuyển sang Thu Đông, mà với Thu Đông sẽ có nhiều nhóm bệnh trên đại gia súc và trên gia cầm. Thứ hai là miền Trung vào mùa tâm điểm của mưa bão,... Do đó về mặt khí hậu thời tiết diễn ra bất thuận, phù hợp với các đối tượng dịch bệnh xảy ra.
Nguy cơ thứ ba là việc luân chuyển gia súc, gia cầm để phục vụ cho tiêu thụ cuối năm, do đó, nguy cơ lan truyền các dịch bệnh. Chính vì thế, chúng tôi xác định, mặc dù những tháng đầu năm chúng ta đã triển khai khá tốt nhưng nếu không cẩn thận thì không giữ được thành quả như 8 tháng vừa qua. Nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh thì sẽ rất căng thẳng.
Một điểm nữa chúng tôi lưu ý là dịch tả lợn châu Phi. Đến giờ phút này, cơ bản chúng ta đã khống chế được, tuy nhiên vẫn còn nhiều ổ dịch nhỏ, đặc biệt ở quy mô hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp tục xảy ra. Nếu như ở điểm này chúng ta không chế không tốt, điều kiện an toàn sinh học không tốt thì dịch tả lợn châu Phi sẽ quay trở lại. Mà nếu dịch tả lợn châu Phi quay trở lại thì tiếp tục là một thảm họa cho ngành chăn nuôi.
Chính vì thế từ nay đến cuối năm, chúng ta xác định nguy cơ rủi ro đối với công tác thú y, dịch bệnh trên các đối tượng chăn nuôi, kể cả đối tượng cạn và đối tượng dưới nước.
Trước tình hình đó, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải tăng cường hoạt động quản lý chuyên ngành công tác thú y, coi phòng là chính. Thứ hai là đồng bộ cả hệ thống phải vào cuộc từ khu vực quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân, phải thực hiện nghiêm chỉnh tất cả các quy trình về dịch tễ, để đảm bảo chúng ta làm sao giữ được an toàn dịch bệnh.
Một điểm nữa là, chúng ta không chỉ chú ý đến công tác tiêm phòng, an toàn dịch bệnh mà còn chú ý cả đến cả công tác chế biến, giết mổ. Thứ nữa là tăng cường công tác quản lý thị tường thật tốt, nếu không làm tốt việc này thì gian lận thị trường, gian lận thương mại sẽ kéo theo việc không chỉ lây nhiễm mầm bệnh mà còn là khâu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
PV: Bộ trưởng cho biết thêm về tình hình sản xuất vắc xin lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi của nước ta hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong tổng số liều vắc xin các loại phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi năm 2020, chúng ta đã sản xuất và sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước vào khoảng 50%, còn lại chúng ta phải nhập ngoại.
Với vắc xin dịch tả lợn châu Phi, phải khẳng định đây là một trong những điểm rất khó, thế giới cũng đang gặp khó khăn. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục triển khai về những chương trình nghiên cứu trong nước, kể cả ở học viện, một số trung tâm lớn, một số doanh nghiệp,… Chúng ta nghiên cứu không chỉ về vắc xin mà còn một số chế phẩm khác để phục vụ cho chăn nuôi an toàn sinh học.
Thứ hai là tranh thủ hợp tác quốc tế, cụ thể là với thành quả về công tác phòng dịch của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ; hiện phía bạn đã chính thức ký chương trình hợp tác với chúng ta, và Bộ đang triển khai với hai doanh nghiệp. Nếu như vừa qua không có tác động của đại dịch COVID-19, thì chúng ta đẩy được tiến độ nhanh hơn.
Tới đây, nếu tình hình ổn định, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy hơn công tác này để Việt Nam sản xuất được vắc xin, góp phần tích cực cho việc đảm bảo sản xuất của ngành chăn nuôi lợn.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.