Lâu nay, cứ mỗi khi có sự cố xảy ra gây thiệt hại nặng nề về con người và vật chất, lúc đó, các cấp, ngành chức năng…mới rầm rộ vào cuộc, báo chí thông tin liên tục, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả lại chìm lắng.
Cách đây không lâu, một loạt các vụ xe thô sơ chở tôn, chở sắt vi phạm an toàn giao thông và gây ra chết người, thậm chí người vi phạm đã được đem ra xét xử và thi hành án, nhưng trên đường hiện nay không hiếm tình trạng xe thô sơ chở vật liệu xây dựng cồng kềnh đi nghênh ngang trên đường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Tình trạng thu mua phế liệu gây cháy nổ chết người cũng không phải là hiếm xảy ra tại các địa phương trong những năm qua. Để rồi khi sự cố ở Bắc Ninh làm chết hai người và bị thương hàng chục người, gây hư hỏng nhiều nhà cửa của người dân, chúng ta mới lại thấy các ngành chức năng tiến hành tổng rà soát, kiểm tra các điểm kinh doanh, mua bán phế liệu…
Có thể thấy, tai nạn, cháy nổ xuất phát từ những nguyên nhân tưởng chừng rất đơn giản, nhưng hậu quả thì khôn lường. Câu chuyện cháy nổ không có gì là mới, nhất là ở các thành phố lớn, tập trung đông dân cư như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng. v.v…nhưng hình như cứ xảy ra cháy nổ thì mật độ thông tin lại dày đặc trên các loại hình thông tin trong thời gian ngắn, rồi sự việc lại lắng xuống rất nhanh, và chỉ khi có sự cố tương tự xảy ra, người ta mới xới xáo lại câu chuyện trước đó, vốn đã trở thành bài học “kinh nghiệm”!
Mặc dù ngành chức năng tìm ra được nguyên nhân xảy ra sự cố, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn, khuyến cáo để người dân phòng ngừa, tuy nhiên chỉ sau một thời gian, người ta đã quên mất những điều đã được thông báo, để rồi những sự cố y như vậy lại xảy ra, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của chính mình cũng như những người xung quanh.
Ngày 16/9/2014, một vụ hỏa hoạn xảy ra bất ngờ khiến 7 người chết trong căn nhà thuộc phường 8, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân vụ cháy được cho là bắt đầu từ nguồn lửa phát ra từ xe máy nằm sát cửa chính, lan vào bảng điện và các vật dụng dễ cháy rồi bùng lớn làm 7 người chết ngạt trong căn nhà.
Căn nhà gặp nạn là nhà ống, chỉ có một cửa chính, không có lối thoát hiểm trong khi chất đầy hàng hóa và vật liệu làm tóc nên lửa bùng nhanh, khói nhiều. Tuy nhiên theo các cơ quan chức năng, vụ cháy sẽ không gây thiệt hại nặng về người nếu các thành viên trong căn nhà linh động, kiểm soát được lúc lửa bùng lên.
Vụ cháy nhà số 12, đường số 7, phường 4, quận 8, TP. Hồ Chí Minh lúc 2 giờ sáng 6/9/2017 khiến hai người tử vong, 6 người bị ngạt khói, theo kết quả khám nghiệm cũng xác định vụ cháy xuất phát từ sự cố kỹ thuật của xe máy. Kết quả khám nghiệm các xe máy tại khu vực xuất phát cháy, phát hiện trên mô tô hiệu Nouvo có các dấu vết đặc trưng của sự cố về điện như dây điện từ ổ khóa đến bình ắc quy bị đứt đoạn, nóng chảy, vón cục và mòn khuyết mất khối lượng. Đây là dấu vết đặc trưng của chạm chập điện và hiện tượng hồ quang điện.
Vào tháng 2/2018, một ngôi nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh bất ngờ bốc cháy, nguyên nhân cũng là do một chiếc xe máy của gia đình này bị chập điện, rất may, gia đình đã phát hiện cháy sớm và kịp thời báo cho Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận Bình Thạnh, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt dập tắt đám cháy và đưa 6 người trong gia đình ra ngoài an toàn.
Chung cư Carina Plaza, TP.Hồ Chí Minh, sau vụ cháy khiến 13 người tử vong
(Ảnh: K.V)
Trở lại vụ cháy mới đây nhất tại chung cư Carina Plaza, TP. Hồ Chí Minh, khiến 13 người tử vong. Theo Cơ quan Điều tra, vụ cháy tại chung cư nói trên bắt nguồn từ sự cố trên chiếc xe Attila. Lúc đầu xuất hiện tia lửa tại khu vực chân để xe, sau đó xuất hiện khói và lửa nhỏ tại khu vực chân để xe rồi bùng lên phía trên đầu xe. Khoảng 4 phút sau, lửa từ xe này cháy lan sang các xe bên cạnh.
Như vậy, nguyên nhân của vụ hỏa hoạn tại khu chung cư Carina Plaza là không mới, bởi ngành chức năng phòng cháy chữa cháy của TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã thông tin, khuyến cáo cho người dân biết về những cháy nổ liên quan đến xe máy. “Nhiều người vẫn nghĩ xe đã tắt máy rồi thì không còn nguồn điện, không thể xảy ra cháy nổ. Đây là suy đoán sai vì khi tắt khóa điện, xe chỉ ngắt mạch dòng điện tới bộ phận đánh lửa động cơ ở vị trí khóa điện, còn nguồn điện từ bình ắc quy đến đèn, thiết bị điều khiển vẫn còn và hoàn toàn có khả năng gây cháy nổ…,có rất nhiều vụ cháy thương tâm bắt nguồn từ những chiếc xe nằm im.” - Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp chế, Điều tra và Xử lý cháy nổ thuộc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hồ Chí Minh cho biết.
Có rất nhiều nguyên nhân làm ô tô, xe máy bị cháy, đó là do xe bị kẹt phanh; do khi sửa, lắp ráp làm vỡ nứt động cơ, rò rỉ xăng dầu; thiết bị điện trên xe bị chạm chập; các mối nối dây điện không chắc chắn. Nhất là khi người sử dụng lắp đặt thêm đèn chiếu sáng, đèn nháy, đèn chớp, còi công suất lớn, loa âm thanh… gây quá tải; lỗi do phụ tùng, do tác động nhiệt làm hư hỏng dây dẫn điện của xe, do chuột, côn trùng gặm nhấm làm hỏng đường dây dẫn điện…Xe không chạy mà cháy đa số xuất phát từ sự cố trên đường dây dẫn điện. Với xe máy, ổ khóa thường ở phần đầu xe, bình ắc quy ở phần thân xe nên khi xảy ra sự cố sẽ làm cháy ống dẫn xăng, đám cháy nhanh chóng bùng phát.
Theo Trung tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp chế, Điều tra và Xử lý cháy nổ thuộc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hồ Chí Minh, nếu để trong nhà lâu ngày không sử dụng thì nên rút xăng ra khỏi xe hoặc tháo bình ắc quy ra ngoài. Xe để trong nhà nên có khoảng cách nhất định giữa các xe và giữa xe tới các vật dụng, hàng hóa dễ cháy như giấy, rèm cửa, salon nệm, vách gỗ... Tuyệt đối không để xe máy che kín gầm cầu thang vì khi cháy nó sẽ chặn luôn lối thoát hiểm.
Khi kiểm tra, sửa xe cần kiểm tra thêm đường dây dẫn điện, bình ắc quy có hiện tượng phù móp, hư hỏng gì không? Dấu hiệu nhận biết là dây dẫn điện có hiện tượng bất thường như vỏ dây không đều, phồng rộp, điểm tiếp xúc lỏng, bị bụi bẩn, bị mòn do cọ xát với sườn xe, phải khắc phục ngay. Nếu xe nhanh hỏng bình ắc quy thì dây dẫn điện có hiện tượng nóng chảy, phồng rộp. Lúc này cần kiểm tra môbin sườn của xe (bộ phận sạc bình ắc quy xe) vì đây có thể là nguyên nhân chính gây hư hỏng đường dây điện, dẫn tới chạm chập.
Mỗi gia đình nên lắp đặt thiết bị báo cháy ở khu vực phù hợp, trang bị bình chữa cháy xách tay, các thiết bị bảo vệ cá nhân như mặt nạ phòng độc, chăn không cháy, dây thoát hiểm…Tiết kiệm và đơn giản nhất là trong nhà tắm luôn chứa sẵn thùng nước để chữa cháy khi cần. Nếu cháy xe mà xăng chưa chảy ra nhà, chữa cháy bằng nước vẫn rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu xăng đã chảy tràn ra nhà thì dùng nước dập cháy có thể khiến đám cháy lan sang khu vực khác.
Khi xảy ra cháy nổ phải gọi ngay 114. Đừng để tự dập không được mới gọi thì đã muộn. Điều quan trọng là người dân cần xác định xe máy, ô tô đều là nguồn cháy nguy hiểm, bởi vậy cần sắp xếp gọn gàng, hợp lý, không để xe chắn lối thoát hiểm, cần tính toán để chừa lối thoát. Chẳng hạn, hãy tự đặt câu hỏi cho mình, nếu xe cháy ở vị trí đó có gây cháy lan không? Mình và gia đình có thoát được không, thoát ra bằng vị trí nào?
Tháng 4, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ bước vào cao điểm nắng nóng nhất trong năm, nhiệt độ lên đến 39 độ C đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy nổ. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy nổ, do độ ẩm thấp nên nhà dân, công sở, xí nghiệp,... cần trang bị bình cứu hỏa, thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, bình, dây gas, khi đốt hương, đèn phải canh chừng, theo dõi đến khi kết thúc. Và một điều quan trọng cần ghi nhớ đừng bao giờ quên, mỗi người cần thường xuyên kiểm tra xe máy, ôtô, tình trạng rò rỉ xăng…mỗi khi đưa xe về vị trí đỗ, cần khắc phục ngay để tránh xảy ra cháy nổ gây nên hậu họa khôn lường./..
K.V