Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị 

(ĐCSVN) - Nhằm ứng phó với diễn biến của thiên tai trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, cần xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 

 Xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội (Ảnh minh họa: B.T)

Nhiều kết quả nổi bật trong công tác phòng ngừa thiên tai

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong năm 2022, công tác phòng ngừa thiên tai đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Cụ thể, đã hoàn thiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức nghiên cứu, rà soát, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều,…

Đáng chú ý, về công tác dự báo, cảnh báo, trong năm qua, đã thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các địa phương tổ chức lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó, tổng số trạm chuyên dùng đến tháng 3/2023 là 2.466 trạm.

Về chiến lược, kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai, đến nay đã có 57/63 tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; 60/63 tỉnh, thành phố đã ban hành phương án ứng phó thiên tai.

Cùng với đó, khả năng chống chịu của công trình hạ tầng, nhà ở an toàn và các hoạt động phòng ngừa vùng thường xuyên xảy ra thiên tai đã được nâng cao. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí tăng kinh phí nâng cấp, sửa chữa, nhất là đối với hệ thống đê điều, hồ đập góp phần đảm bảo an toàn cho 242 vị trí trọng điểm đê, kè từ cấp III đến cấp đặc biệt và gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố. Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2022, đã bố trí 3.268 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư công trình phòng, chống thiên tai; tổ chức thu Quỹ phòng, chống thiên tai luỹ kế đạt 5.231 tỷ đồng và chi 3.284 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Trong năm 2022, công tác thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cộng đồng tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Nổi bật với hàng loạt các cuộc thi, chiến dịch được tổ chức thành công như: Giải báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ 2 thu hút gần 1.000 tác phẩm dự thi của 5 thể loại báo chí; chuỗi hoạt động thi vẽ tranh, rung chuông vàng, lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai tại Sóc Trăng “Cùng em phòng chống thiên tai – Kiến tạo tương lai bền vững”; chiến dịch “Cùng nhau hành động sớm – Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em”,…

Đặc biệt, trong năm 2022, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở tiếp tục được tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động. Tính đến cuối năm 2022, đã có 99% số xã, phường trên cả nước thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với tổng số thành viên trên 774.000 người, phát huy và đóng vai trò rất lớn trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là thiệt hại về người.

Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã tổ chức tập huấn, diễn tập, nâng cao kỹ năng cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã trong ứng phó với động đất, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; kết quả, bài học kinh nghiệm tại Kon Tum được biên tập, hoàn thiện phổ biến đến các địa phương trong khu vực và trên cả nước.

Chủ động ứng phó với thiên tai trong năm 2023

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11-13 cơn trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền).

Bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10/2023 và giảm dần từ tháng 11/2023. Về mưa lũ, ngập lụt, dự báo đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung trong các tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2. Các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3 (ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và năm 2022). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.

Nhằm ứng phó với diễn biến của thiên tai trong thời gian tới, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia và Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Trong đó, xây dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ khu vực tư nhân tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; chính sách hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai; chính sách đặc thù đối với hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi và tái thiết sau thiên tai, bảo hiểm rủi ro thiên tai, tín dụng cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đặc biệt, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cần lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Triển khai tốt việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai và các công trình cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện quy hoạch phòng, chống thiên tai, thủy lợi, thủy điện nhằm tăng cường năng lực cắt lũ cho các hồ chứa, đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Phát triển diện tích, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra ngay từ trước mùa mưa lũ.  

Cùng với các giải pháp trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị cần triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh, xây dựng cộng đồng an toàn; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng, củng cố nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Trong đó, nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn như: bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Hoàn thành công tác xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, trạm theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống thiên tai. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chú trọng vai trò, sự vào cuộc của cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.

 
B.T
407 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 287
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 287
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88777176