Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay 

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ sống còn nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Hiện nay, nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng và ban hành chính sách pháp luật là một yêu cầu vô cùng quan trọng nhằm góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Ngày 27 tháng 6 năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật là hành vi của người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.

Tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là hành vi của người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện không đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan, điều lệ của tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật.

Trong quá trình triển khai xây dựng chính sách, pháp luật, người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao sử dụng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để tác động vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật từ giai đoạn hoạch định chính sách, giai đoạn soạn thảo chính sách thành pháp luật, giai đoạn thông qua dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục đích mang lại lợi ích không chính đáng cho cơ quan, tổ chức, địa phương, ngành nghề hoặc công tác quản lý nhà nước. Trong đó,  “Lợi ích nhóm” là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.

Thực tế đã chỉ rõ, tham nhũng chính sách là loại hành vi rất khó để phát hiện bởi quá trình này diễn ra nhiều khâu, có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau trong một thời gian dài. Nhóm lợi ích có thể chèn các câu chữ vào văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những câu chữ liên quan đến lợi ích của họ cũng như chạy chọt, bôi trơn, mua phiếu bằng cách thức tinh vi.

          Để kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành các chính sách pháp và trên cơ sở quán triệt quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, các quy trình trong xây dựng chính sách pháp luật. Các cơ quan được giao chủ trì xây dựng văn bản pháp luật cần phân tích toàn diện, thấu đáo ở tất cả các khâu cũng như tác động đến việc thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát về dự án luật trước khi trình ra Quốc hội. Quốc hội cần kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo luật được thực thi trong thực tế cũng như vì lợi ích của Nhân dân.

Thứ hai, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia đầy đủ của Nhân dân vào việc góp ý xây dựng các chính sách pháp luật. Bên cạnh đó cần chú trọng đến việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật cũng như nâng cao chất lượng giải trình của các cơ quan xây dựng chính sách pháp luật, phát huy vai trò phản biện chính sách của các cơ quan truyền thông, báo chí. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, toạ đàm để thảo luận một cách nghiêm túc và thấu đáo những vấn đề còn nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật.

Thứ ba, kiểm soát và xử lý kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trái luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi gian dối của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản, thu nhập, nâng cao hiệu quả vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Trước hết, đội ngũ cán bộ này cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhất là đội ngũ cán bộ này cần có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, luôn có ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Xuân Ngọc

 

160 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1299
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1299
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88989490