Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 - Ảnh: VGP/Hải Liên
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 8/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định: "Công tác chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng". Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều đổi mới, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được khẳng định và phát huy.
Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Kết quả chống tham nhũng, tiêu cực đã được quốc tế đánh giá cao. Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2021, trong đó, Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 3 điểm, 17 bậc so với năm 2020).
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được tổ chức thực hiện đồng bộ và toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về phòng, chống tham nhũng…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 - Ảnh: VGP/Hải Liên
Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu
Theo Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2022.
Theo đó, "Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp".
Năm 2022, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện, như: Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thường xuyên công khai, công bố, cập nhật thủ tục hành chính; mở rộng ứng dụng khoa học trong quản lý, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục được quan tâm…
Ủy ban Tư pháp tán thành với những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế đã được nêu như một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng còn chậm được thể chế hóa; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng trên một số lĩnh vực chưa kịp thời, nhiều quy định thiếu chế tài cụ thể.
Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm.
Ngoài ra, việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nhiều trường hợp nể nang, cục bộ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.
Ủy ban Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Hải Liên