Phòng chống tệ nạn xã hội gắn với bảo đảm an sinh để 'không ai bị bỏ lại phía sau' 

(Chinhphu.vn) - Công tác phòng chống tệ nạn xã hội gắn với việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo, góp phần cảm hóa những mảnh đời từng lầm lỡ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phòng chống tệ nạn xã hội gắn với bảo đảm an sinh để 'không ai bị bỏ lại phía sau'- Ảnh 1.

Bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo, xác định phòng chống tệ nạn xã hội là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Năm 2023, với sự quan tâm, giám sát, kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các cấp, tình hình tệ nạn xã hội về cơ bản đã được kiểm soát và đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần chung vào công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng như an sinh xã hội với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH).

Thưa bà, thời gian qua, việc quan tâm, chăm lo cho học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy đang được thực hiện như thế nào? Trong những dịp lễ tết, công tác này được chú trọng ra sao, thưa bà?

Bà Đàm Thị Minh Thu: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm đến công tác hỗ trợ, giúp đỡ người không may nghiện ma túy và đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Tính đến 31/12/2023, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 13 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập; 444 đơn vị/36 tỉnh, thành phố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 100% tỉnh/thành phố thực hiện quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

Trong năm 2023, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 82.725 người; cơ sở cai nghiện ngoài công lập điều trị, cai nghiện cho 3.296 người; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 4.275 người; duy trì tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 4.128 người nghiện ma túy; số người đã cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ quản lý sau cai là 17.586 người (trong đó 9.033 người được hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế, vay vốn phát triển sản xuất...).

Về cơ bản, học viên vào cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy được tư vấn, điều trị, cắt cơn giải độc, khám sức khỏe định kỳ, được học tập, lao động và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách, xem truyền hình và các hoạt động khác… phù hợp với từng nhóm người nghiện ma túy, phù hợp cả về thời hạn chấp hành quyết định đến đặc điểm nhân thân, tình trạng nghiện ma túy, tình trạng sức khỏe, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn của người cai nghiện ma tuý… Học viên được Nhà nước bảo đảm tiền ăn, cấp chăn màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân.

Trong dịp lễ tết, công tác chăm lo, hỗ trợ người cai nghiện ma túy càng được quan tâm hơn. Các cơ sở cai nghiện tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, vui tết lành mạnh, an toàn cho các học viên nhân dịp tết…Tiêu chuẩn, chế độ được nâng cao trong các ngày lễ, Tết dương lịch (được ăn thêm không quá 3 lần tiêu chuẩn ngày thường) và các ngày Tết Nguyên đán (được ăn thêm không quá 5 lần tiêu chuẩn ngày thường).

Ngoài ra, dịp lễ tết, lãnh đạo địa phương các cấp đều tổ chức đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, động viên, thăm hỏi kịp thời đối với cán bộ và học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

Phòng chống tệ nạn xã hội gắn với bảo đảm an sinh để 'không ai bị bỏ lại phía sau'- Ảnh 2.

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đến thăm, làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM vào tháng 9/2023

Đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy

Được biết, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tới các địa phương, cơ sở cai nghiện trên cả nước. Qua việc kiểm tra, bà có thể cho biết những khó khăn chung của các cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay là gì? Và chúng ta đã và sẽ có giải pháp nào để tháo gỡ. thưa bà?

Bà Đàm Thị Minh Thu: Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai là hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước và năm 2023 nhiệm vụ này đã được tăng cường. Đây cũng dịp đánh giá sau 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Theo số liệu thống kê, cả nước có 97 Cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Trong số 62 Cơ sở cai nghiện ma túy được xây dựng mới có 2 cơ sở được đi vào hoạt động từ năm 1976-1978; 8 cơ sở được xây dựng trong giai đoạn 1990-1999, 51 cơ sở được xây dựng trong giai đoạn 2000-2017. Trong số 35 cơ sở được tiếp nhận lại có 4 cơ sở được xây dựng từ năm 1988-1989, 13 cơ sở xây dựng trong giai đoạn 1992-1998, 19 cơ sở xây dựng trong giai đoạn 2001-2021.

Tổng diện tích đất được cấp cho 97 cơ sở cai nghiện ma túy là 40.777.723 m2 trong đó, có 81/97 cơ sở cai nghiện ma túy có đủ diện tích đất tự nhiên để tổ chức hoạt động theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ với công suất tiếp nhận hiện nay hơn 36.000 người. Viên chức, người lao động làm việc trong cơ sở cai nghiện ma túy là 6.978 người.

Từ thực trạng thống kê trên và kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá trong năm 2023 tại địa phương cho thấy, các cơ sở cai nghiện ma túy hiện có một số khó khăn chung. Đó là, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện của các cơ sở cai nghiện ma túy phần lớn không đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định của pháp luật. Nhiều cơ sở cai nghiện đã quá tải, không còn khả năng tiếp nhận người vào cai nghiện ma túy theo quyết định của Tòa án.

Số lượng viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy thiếu so với quy định, trong khi do tích chất đặc thù của công việc, nên viên chức, người lao động thường xuyên phải trực, làm việc nhiều thời gian hơn so với quy định, trong khi chính sách, chế độ thu hút người lao động vào làm việc tại cơ sở cai nghiện còn hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn… nên nhiều địa phương không tuyển được người vào làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy.

Người nghiện ma túy vào cai nghiện phần lớn có trình độ hạn chế, gần 40% đã có tiền án, tiền sự và khoảng 25% nhiễm HIV, Lao, viêm gan A, B… không có tính hợp tác trong cai nghiện nên việc quản lý, giáo dục học viên gặp khó khăn… nhiều học viên thường xuyên có hành vi chống đối cán bộ tại cơ sở.

Để hướng đến từng bước khắc phục, giải quyết cơ bản khó khăn trên, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã tham mưu Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm có một số chỉ đạo.

Thứ nhất, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; đánh giá nhu cầu cai nghiện, xây dựng phương án hoàn thiện cơ sở cai nghiện ma túy theo đúng quy định của pháp luật.

Về chỉ đạo này, trên cơ sở báo cáo, rà soát của các địa phương, Bộ LĐTB&XH đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực trạng cơ sở cai nghiện ma túy, nhu cấp cấp bách trong đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở xuống cấp, phải di dời…. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành có liên quan xem xét, cân đối, hỗ trợ ngân sách Trung ương cho những tỉnh, thành phố cấp trong đầu tư cơ sở cai nghiện ma túy.

Về lâu dài, để giải quyết cơ bản những khó khăn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, trình Chính phủ để hoàn thiện trình Quốc hội trong năm 2024.

Thứ hai, rà soát, đánh giá thực trạng viên chức, người lao động trong các cơ sở cai nghiện ma túy, đồng thời xây dựng đề án vị trí việc làm, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện ma túy trong bối cảnh không được tăng biên chế.

Thứ ba, các cơ sở cai nghiện ma túy phải chủ động, tăng cường phối hợp với cơ quan công an, y tế địa phương các tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thẩm lậu, mua bán, tang trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy; tăng cường kiểm tra, giám sát không để xảy ra tình trạng kích động, gây rối, bỏ trốn tập thể ra khỏi cơ sở cai nghiện như giai đoạn trước đây.

Phòng chống tệ nạn xã hội gắn với bảo đảm an sinh để 'không ai bị bỏ lại phía sau'- Ảnh 3.

Trong dịp lễ tết, công tác chăm lo, hỗ trợ người cai nghiện ma túy càng được quan tâm hơn - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bên cạnh công tác cai nghiện, công tác phòng, chống mại dâm hiện nay đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ người bán dâm hoàn lương được thực hiện như nào trong năm qua? Liệu chúng ta có cần một luật về phòng, chống mại dâm để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về công tác này?

Bà Đàm Thị Minh Thu: Tệ nạn mại dâm là vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới.

Trong những năm gần đây, việc bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển du lịch, di cư lao động, sự phân hóa giàu nghèo, sự cởi mở hơn trong các quan niệm về tình dục… dẫn đến khó khăn, hạn chế trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với hoạt động mại dâm, đặc biệt là việc lợi dụng không gian mạng, công nghệ thông tin để hoạt động; mại dâm biến tướng dưới hình thức hợp đồng, du lịch tình dục,… và vấn đề tội phạm buôn bán người vì mục đích mại dâm, người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm.

Năm 2023, công tác hỗ trợ người bán dâm hoàn lương đạt một số kết quả tích cực. Cả nước đã đạt chỉ tiêu 100% người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp, với 10.022 người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội.

Số người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ là 11.673 lượt người, trong đó đáng chú ý có 4.050 lượt người được hỗ trợ giáo dục, 1.569 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý, 2.322 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, 3.725 lượt người được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV…

Pháp lệnh phòng, chống mại dâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 17/3/2003 và có hiệu lực từ tháng 7/2003, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ về công tác phòng, chống mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội ở nước ta trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý này đã ban hành 20 năm, đến nay, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến mại dâm trong tình hình mới.

Pháp lệnh Phòng chống mại dâm được xây dựng dưới dạng văn bản pháp luật quy định khung, việc tổ chức thực hiện phải áp dụng nhiều đạo luật khác, trong khi đó, từ năm 2003 đến nay, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản luật có liên quan, như: Hiến pháp năm 2013, Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2021…

Một số khái niệm, giải thích từ ngữ trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm chưa đồng nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan và không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là quy định về các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống mại dâm; một số khái niệm chưa được giải thích, một số phạm vi chưa xác định cụ thể, gây lúng túng cho cơ quan chức năng khi áp dụng pháp luật.

Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục rà soát, tổng kết đánh giá, nghiên cứu tiến tới đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong tình hình mới.

100% nạn nhân bị mua bán đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp

Đối với công tác phòng, chống mua bán người, bà có thể cho biết rõ hơn về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và khó khăn nào sẽ được tháo gỡ tới đây?

Bà Đàm Thị Minh Thu: Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình hành động phòng, chống mua bán người, công tác phối hợp giữa Bộ LĐTB&XHBộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được đẩy mạnh.

Nhờ sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, nhiều vụ mua bán người được phát hiện sớm, giải cứu kịp thời các nạn nhân, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Tính đến 31/12/2023, cả nước có trên 8.000 nạn nhân bị mua bán đã được xác định và hỗ trợ chính sách theo quy định. Tỉ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ kịp thời và cao hơn so với các năm trước.

Tại các địa phương, 100% các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

Các nội dung hỗ trợ tập trung cung cấp nơi ăn, nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về nơi cư trú; hỗ trợ học nghề, việc làm và trợ cấp khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó, các nạn nhân cũng được hỗ trợ pháp lý như làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, giấy khai sinh; tư vấn, tham gia tố tụng.

Đồng thời, trong điều kiện quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân của nhà nước còn nhiều vướng mắc về điều kiện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn về tài chính, mức hỗ trợ còn ở mức thấp, các ngành chức năng và các tỉnh, thành phố đã kết nối, chuyển tuyến nạn nhân đến Nhà Nhân ái (Lào Cai), Ngôi nhà Bình Yên (Trung tâm phụ nữ và phát triển) hoặc các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để có những hỗ trợ chuyên sâu về tâm lý, sức khoẻ và hỗ trợ sinh kế hoà nhập cộng đồng.

Nhiều nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ làm nhà ở; hỗ trợ khó khăn ban đầu tối thiểu là 3 tháng; hỗ trợ sinh kế nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống….

Cũng trong năm 2023, các bộ, ngành đã phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7); thành lập đoàn liên ngành kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, góp ý Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2024 và có hiệu lực trong năm 2025.

Theo đó, nhiều bất cập, khó khăn trong thực tiễn sẽ được giải quyết khi Luật được ban hành như: Bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán; bổ sung các chế độ hỗ trợ về tâm lý, y tế; nâng mức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn dịch vụ, thẩm quyền hỗ trợ…

Trân trọng cảm ơn bà!

Hoàng Giang (thực hiện)

132 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 942
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 942
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87208222