Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp tình trạng người dân tập trung đông đúc trên nhiều tuyến phố thuộc các địa bàn trung tâm như quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Tây Hồ... Tại các khu vực này, hoạt động kinh doanh đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. Nhiều cơ sở như: Cửa hàng tạp hóa, các quán ăn, quán cà phê hay trà đá vỉa hè trở thành nơi tập trung của người dân trên địa bàn. Không những thế, nhiều người dân đã chủ quan khi không thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, vệ sinh sát khuẩn và đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 1m theo quy định.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường Tô Hiệu (quận Cầu Giấy - Hà Nội), các quán cà phê như: Amazon hay số 107 - B9, từ sáng sớm đã đông khách. Điều đáng lưu tâm đó là mọi người tụ tập vẫn vô tư cười nói trong khi không đeo khẩu trang. Tương tự, tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), các cửa hàng tụ tập ăn uống cũng khá đông đúc và hầu hết mọi người không quan tâm đến việc giữ khoảng cách an toàn theo quy định trong phòng, chống dịch.
|
Còn tình trạng tụ tập, không đeo khẩu trang nơi công cộng. Ảnh: HL. |
Tại các công viên trên địa bàn thành phố như: Công viên Thành Công, Công viên Cầu Giấy và Công viên Nghĩa Đô..., hoạt động tập thể dục thể thao vào mỗi buổi sáng và chiều tối đã trở lại bình thường, song ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ sức khỏe, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cũng còn những hạn chế nhất định; nhiều người có biểu hiện chủ quan, không đeo khẩu trang khi tập thể dục tại nơi đông người... Chị Nguyễn Thị Hòa ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ thái độ bức xúc: “Tuy việc giãn cách xã hội đã được “nới lỏng” nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn đang rất phức tạp. Vậy mà nhiều nơi vẫn có hiện tượng tự do tụ tập hàng quán rất đông, nhiều người không đeo khẩu trang khi ra ngoài công viên tập thể dục. Chứng kiến những sự việc này tôi cảm thấy rất lo lắng và bức xúc”.
Đặc biệt, hoạt động tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn thủ đô cũng cho thấy thái độ chủ quan của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19. Chợ dân sinh là nơi tiếp xúc của rất nhiều người, nguy cơ lây nhiễm rất cao, tuy nhiên, nhiều người chưa có ý thức việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tại các khu chợ đầu mối và chợ dân sinh thuộc các huyện ngoại thành, vẫn còn một số người vi phạm về thực hiện quy định giãn cách xã hội, ý thức giữ gìn vệ sinh chung như: Không đeo khẩu trang, tập trung nhiều người và không giữ đúng khoảng cách tiếp xúc giữa người bán, người mua... Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng họp chợ “cóc” lấn chiếm vỉa hè và lòng đường trên nhiều tuyến phố Hà Nội. Điều đáng lo ngại đó là, những người này không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang nhưng không đúng quy định, còn để hở mũi và miệng dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thực tế này đang trở thành nỗi lo lắng cho cộng đồng, gây không ít khó khăn cho lực lượng cơ quan chức năng làm nhiệm vụ khi dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
|
Người dân chưa đảm bảo giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Ảnh: Ngọc Mai. |
Nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và ổn định xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại phục vụ người dân. Tuy nhiên, các cửa hàng không thực sự thiết yếu như: Quán giải khát, cà phê hay quán trà đá vỉa hè cũng bắt đầu hoạt động nhộn nhịp, làm xuất hiện các hiện tượng vi phạm quy định giãn cách, đe dọa việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Tụ tập đông đúc, không đeo khẩu trang nơi công cộng là thực tế cần lên án trong những ngày này. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao trong cộng đồng; trong khi đó, hoạt động tại các hàng quán, công viên thường là “tụ điểm” tập trung người dân đông đúc. Việc chủ quan, lơ là trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Không những thế, các quầy bán hàng rong, khu chợ “cóc” nổi lên, lấn chiếm vỉa hè và lòng đường còn làm mất mỹ quan, trật tự an toàn đô thị; gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng.
Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta đang bước vào trong giai đoạn mới. Để ngăn chặn, đẩy lùi hoàn toàn dịch COVID-19, cần sự chung sức đồng lòng nhiều hơn nữa của tất cả mọi người. Để giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được, đòi hỏi mỗi cá nhân cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân thực hiện đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn, tránh tụ tập; đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trên địa bàn để phát hiện kịp thời, nhắc nhở và xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.